'Quái vật ICBM' RS-28 Sarmat với sức mạnh hủy diệt chỉ bằng một đòn

Nga tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân bằng việc phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat.

Tuy nhiên, hành trình đưa "quái vật ICBM" này vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu lại không hề suôn sẻ.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat, trong cuộc thử nghiệm ngày 20/4/2022. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat, trong cuộc thử nghiệm ngày 20/4/2022. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)

Theo tướng Sergei Karakaev, Chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược Nga (RVSN), RS-28 Sarmat hiện đã bước vào giai đoạn cuối cùng trước khi tham chiến.

Trong một bài viết trên Bản tin Giáo dục Quân sự của Bộ Quốc phòng Nga, tướng Karakaev cho biết, RVSN đã hiện đại hóa hơn 88% công nghệ tên lửa, với các hệ thống tiên tiến như Yars và Avangard hiện đang trong trạng thái sẵn sàng.

Chương trình tái trang bị này nằm trong kế hoạch quốc phòng nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm khả năng chiến đấu của Nga. Điều này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với NATO và cuộc xung đột tại Ukraine ngày càng leo thang.

Sức mạnh vượt trội của RS-28 Sarmat

RS-28 Sarmat, được phương Tây gọi là "Satan II", là một trong những hệ thống vũ khí hạt nhân mạnh mẽ nhất thế giới hiện nay.

Với tầm bắn lên đến 18.000 km, trọng lượng phóng hơn 208 tấn, chiều dài 35 m, tên lửa này có khả năng mang tới 16 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có thể nhắm đến các mục tiêu độc lập. Đặc biệt, Sarmat có thể tích hợp tên lửa lướt siêu thanh Avangard – một hệ thống mà Tổng thống Vladimir Putin đã tự hào tuyên bố là "vô song".

Tên lửa Sarmat được thiết kế để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại, mang lại ưu thế chiến lược cho Nga trong việc tấn công mục tiêu tại châu Âu và Mỹ.

Lần phóng thử nghiệm đầu tiên của Sarmat diễn ra vào ngày 20/4/2022 tại Plesetsk Cosmodrome ở vùng Arkhangelsk. Sau thử nghiệm thành công, Tổng thống Putin đã khẳng định đây là một bước tiến vượt bậc về công nghệ, đồng thời nhấn mạnh vai trò của tên lửa này trong chiến dịch hiện đại hóa lực lượng vũ trang Nga.

Mặc dù được ca ngợi là "quái vật ICBM", hành trình phát triển RS-28 Sarmat không hề dễ dàng. Ban đầu, Nga dự kiến triển khai loại tên lửa này từ năm 2018 để thay thế hệ thống SS-18 từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, các vấn đề kỹ thuật đã khiến kế hoạch nhiều lần bị trì hoãn.

Đáng chú ý, một cuộc thử nghiệm tại Plesetsk Cosmodrome vào tháng 9 vừa qua đã thất bại, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở thử nghiệm.

Nguyên nhân chính xác của vụ việc chưa được công bố, nhưng các chuyên gia nhận định sự cố có thể liên quan đến bộ đẩy tầng đầu tiên hoặc hệ thống động cơ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhân công tại các cơ sở sản xuất chủ chốt, như nhà máy Proton-PM, cũng khiến tiến độ dự án bị chậm trễ đáng kể.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quai-vat-icbm-rs-28-sarmat-voi-suc-manh-huy-diet-chi-bang-mot-don-169241128100209366.htm
Zalo