Báo Mỹ lý giải nguyên nhân S-400 Nga 'bó tay' trước tên lửa ATACMS Ukraine

Theo War Zone, hệ thống phòng không S-400 của Nga ở Kursk bị tên lửa ATACMS Ukraine đánh hỏng khi đang trong quá trình bảo dưỡng và không trong tình trạng chiến đấu.

Ngày 27/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Ukraine đêm 23/11 phóng 5 tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS vào vị trí tiểu đoàn S-400 gần khu dân cư Lotarevka ở vùng Kursk. Vụ tấn công đã làm hư hỏng một đài radar S-400.

"Hệ thống phòng không Pantsir trực chiến đã bắn hạ ba tên lửa ATACMS, hai quả đạn còn lại đánh trúng mục tiêu, gây ra thương vong và khiến một đài radar của hệ thống S-400 bị hư hại", thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Đài 92N6E thuộc hệ thống tên lửa S-400 bị phá hủy trong cuộc tấn công của Ukraine vào đêm 23/11. (Ảnh: Dosye Shpiona)

Đài 92N6E thuộc hệ thống tên lửa S-400 bị phá hủy trong cuộc tấn công của Ukraine vào đêm 23/11. (Ảnh: Dosye Shpiona)

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, Moskva đã kiểm soát tình hình tại các khu vực bị tên lửa ATACMS tập kích và đang "chuẩn bị các biện pháp trả đũa phù hợp". Ngoại trưởng Sergey Lavrov cảnh báo những bên đứng sau các cuộc tập kích vào lãnh thổ Nga sẽ phải chịu "sự trừng phạt thích đáng".

Bình luận về cuộc tấn công, trang tin War Zone của Mỹ nhận định vụ tập kích sân bay Kursk-Vostochny (Khalino) không gây thiệt hại đáng kể, do không quân Nga đã ngừng sử dụng địa điểm này và di chuyển máy bay khỏi khu vực từ lâu.

War Zone cũng dẫn thông tin từ tài khoản Fighter Bomber của một phi công tiêm kích Nga cho biết, khí tài giá trị nhất ở khu vực là các hệ thống tên lửa phòng không S-400, Pantsir-S1 bảo vệ sân bay. Tuy nhiên hầu hết các đơn vị phòng không này đều an toàn.

Nói về đài radar S-400 bị hư hại trong vụ tấn công ngày 23/11, tờ Bulgarian Military cho rằng radar cảnh giới của S-400 không được kích hoạt ở chế độ phòng không, hạn chế đáng kể năng lực phát hiện và đối phó mối đe dọa khi cuộc tập kích xảy ra.

Việc sử dụng các hệ thống phòng không tầm thấp Panstir-S1 đánh chặn tên lửa ATACMS cho thấy S-400 không tham chiến. Điều này cũng dẫn thiệt hại đáng kể cho quân đội Nga.

Vị trí sân bay Kursk-Vostochny nơi hệ thống S-400 của Nga bị tên lửa ATACMS tấn công. Căn cứ này nằm cách biên giới Ukraine khoảng 96km.

Vị trí sân bay Kursk-Vostochny nơi hệ thống S-400 của Nga bị tên lửa ATACMS tấn công. Căn cứ này nằm cách biên giới Ukraine khoảng 96km.

Các hệ thống phòng không Pantsir của Nga hiện tại được tối ưu cho mục tiêu như máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình, trong khi vũ khí chủ lực để đối phó tên lửa đạn đạo là S-400.

Theo chuyên gia quân sự Boyko Nikolov, S-400 được thiết kế để đối phó với tên lửa đạn đạo nhưng bộc lộ nhiều điểm yếu khi đối mặt với tên lửa ATACMS. Điển hình như việc S-400 không thể phát hiện sớm ATACMS khi tên lửa đối phương bay ở độ cao thấp với tốc độ nhanh.

"S-400 có năng lực tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc, song giới hạn vật lý khiến radar hỏa lực chỉ có thể theo dõi một hướng tập kích nhất định trong giao chiến và cần thêm sự hỗ trợ từ mạng lưới radar cảnh giới. Một đơn vị S-400 riêng lẻ sẽ không đủ thời gian phát hiện mọi mối đe dọa nếu đối mặt với đòn tấn công hiệp đồng từ nhiều hướng", ông Bolinov nhận định.

Ông Bolinov kết luận rằng, S-400 vẫn tỏ ra hiệu quả trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo từ Ukraine. Bằng chứng là các cuộc tấn công của Kiev vào ngày 25/11 với 8 tên lửa ATACMS đều bị hóa giải.

Trà Khánh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bao-my-ly-giai-nguyen-nhan-s-400-nga-bo-tay-truoc-ten-lua-atacms-ukraine-ar910097.html
Zalo