'Quả ngọt' từ tín dụng chính sách

Hớn Quản là huyện còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tuy nhiên nhờ vốn vay tín dụng chính sách xã hội (CSXH) nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, làm chủ kinh tế. Thay đổi ấy không chỉ bởi nỗ lực, sự chăm chỉ làm ăn của các chủ thể thụ hưởng mà còn minh chứng cho vai trò 'trao cần câu' nhân văn, hiệu quả, kịp thời của tín dụng chính sách.

Mô hình Điểm giao dịch tại UBND xã Minh Đức, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hớn Quản đã tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng

Mô hình Điểm giao dịch tại UBND xã Minh Đức, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hớn Quản đã tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng

“Cần câu” nhân văn, hiệu quả

Gia đình chị Thị Nhung ở sóc Lộc Khê, xã Minh Đức, huyện Hớn Quản không có đất sản xuất, năm 2022 vợ chồng chị lại bị thất nghiệp do dịch Covid-19, vì vậy kinh tế rất khó khăn. Nhờ được vay 92 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, chị mua 4 con bò sinh sản về nuôi. Ngoài thời gian đi làm công nhân, chị tranh thủ chăm sóc đàn bò. Đồng thời, vợ chồng chị còn tận dụng phân bò ủ hoai để bán cho các hộ nông dân. Sau hơn 1 năm, gia đình chị thoát nghèo và mua được xe máy.

Chị Nhung chia sẻ: “Trước không có vốn, gia đình không biết bắt đầu từ đâu, mọi thứ rất khó khăn. Khi được Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ vay vốn, tôi mạnh dạn đầu tư chăn nuôi. Hiện gia đình không những trả được nợ mà còn có dư. Cảm ơn các cấp chính quyền và Ngân hàng CSXH huyện đã quan tâm giúp đỡ gia đình tôi”.

Trong 10 năm (2014-2024), chương trình tín dụng CSXH tại Hớn Quản đã đạt những kết quả ấn tượng. Cụ thể, hơn 8.733 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế. Chương trình còn tạo việc làm cho 1.395 lao động, hỗ trợ 2.279 học sinh và sinh viên vay vốn để tiếp tục học tập. Không chỉ vậy, tín dụng chính sách còn đóng góp vào việc xây dựng 14.004 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng CSXH tại Hớn Quản đến cuối năm 2024 đạt hơn 419,238 tỷ đồng. Tỷ lệ tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 97,96%, xếp loại tốt và khá.

Từ vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện, chị Thị Nhung đầu tư nuôi bò sinh sản, đồng thời tận dụng nguồn phân bò, xử lý bán cho người dân

Từ vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện, chị Thị Nhung đầu tư nuôi bò sinh sản, đồng thời tận dụng nguồn phân bò, xử lý bán cho người dân

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định nhưng tín dụng CSXH tại Hớn Quản vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đến cuối năm 2024, nguồn vốn ngân sách huyện là 11,8 tỷ đồng. Việc lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm..., với tín dụng chính sách chưa đồng bộ.

Tình trạng nợ xấu và nợ khoanh vẫn tồn tại, mặc dù đã giảm so với trước. Đến cuối năm 2024, nợ quá hạn và nợ khoanh còn 284 triệu đồng (chiếm 0,07%) tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn là 230 triệu đồng, chiếm 0,05%; nợ khoanh 54 triệu đồng, chiếm 0,01% tổng dư nợ.

Để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích và tránh tình trạng vay ké, vay hộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò quan trọng. Thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Hớn Quản đã có nhiều giải pháp quan trọng nhằm giải bài toán nêu trên. Cụ thể, Ngân hàng CSXH tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về các chính sách tín dụng, đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn và đào tạo cán bộ quản lý. Mục tiêu là đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng và giúp họ sử dụng hiệu quả, hạn chế tình trạng nợ quá hạn. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH huyện đã mở rộng mạng lưới giao dịch tại 13 xã, thị trấn và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông qua điểm giao dịch xã, qua đó đã góp phần hạn chế nguy cơ dẫn đến thất thoát, tham ô chiếm dụng vốn.

Thời gian tới, để tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, cần giải quyết triệt để các khó khăn hiện tại bằng những giải pháp đồng bộ, sáng tạo. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng và đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo để người dân sử dụng vốn hiệu quả hơn, từ đó đóng góp vào sự phát triển của huyện.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đưa công nghệ số vào quản lý, đào tạo và nâng cao năng lực quản lý của cán bộ tín dụng. Đồng thời tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát, tuyên truyền và nâng cao nhận thức người dân, đối tượng thụ hưởng để sử dụng vốn có hiệu quả.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hớn Quản TRỊNH THỊ BÍCH HIỀN

Thanh Mai

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/169369/qua-ngot-tu-tin-dung-chinh-sach
Zalo