'Quả ngọt' từ chương trình nông thôn mới

Nhiều vùng nông thôn mới đang 'thay da đổi thịt' với diện mạo hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được nét truyền thống và sự yên bình đáng quý.

Đổi thay từ những điều bình dị nhất

Mỗi sáng sớm ở thôn Văn Miếu, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, không khí đã rộn ràng tiếng chổi tre, tiếng trò chuyện của người dân khi cùng nhau quét dọn tuyến đường nông thôn mới trước cửa nhà. Gần đó, trạm dừng nghỉ của thôn, nơi có mái che, ghế đá và hàng cây râm mát đã trở thành chốn nghỉ chân lý tưởng cho người cao tuổi và điểm chờ xe đi học cho học sinh.

Chị Nguyễn Thị Thanh, nhà ở cạnh trạm, chia sẻ: “Từ ngày có chương trình nông thôn mới kiểu mẫu, cuộc sống ở đây đổi thay nhiều lắm. Gia đình tôi cũng góp 5 bộ ghế đá cho trạm. Giờ mỗi chiều, tôi ra đây ngồi chơi, còn các cháu nhỏ có nơi đợi xe an toàn. Chúng tôi rất tự hào vì được góp sức làm nên diện mạo mới cho làng mình”.

Người dân tham gia quét dọn tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Linh Trang

Người dân tham gia quét dọn tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Linh Trang

Không chỉ dừng ở vệ sinh môi trường hay làm đẹp cảnh quan, người dân Văn Miếu còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa như văn nghệ, nhảy dân vũ. Từng ngõ xóm nay đã có đường bê tông khang trang, khu dân cư kiểu mẫu mọc lên với ánh đèn năng lượng mặt trời, biển tên ngõ ngách đồng bộ, sạch sẽ.

Theo ông Đậu Thanh Cường - Bí thư Chi bộ thôn Văn Miếu, hai khu dân cư văn minh và tuyến đường kiểu mẫu của thôn đã trở thành điểm nhấn của cả xã: “Ban đầu triển khai còn khó khăn do thói quen sinh hoạt cũ, nhưng nay người dân tự giác tham gia, thậm chí còn hiến đất làm đường, ủng hộ cả cây xanh, hoa kiểng, dụng cụ thể thao cho khu vui chơi”.

Việt Lập là một trong những xã đầu tiên của huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022. Thành công này đến từ sự đồng thuận cao của người dân, sự sát sao trong tuyên truyền, ứng dụng chuyển đổi số vào điều hành, họp trực tuyến, xây dựng thư viện điện tử phục vụ cộng đồng...

Ở đầu đất nước, những đổi thay cũng rực rỡ không kém. Tại xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu dài gần 2 km được phủ rợp những khóm hoa mười giờ, hoa bông trang khoe sắc dưới bàn tay chăm sóc tỉ mỉ của người dân.

Ông Nguyễn Thành Đấu - Bí thư Chi bộ ấp Trung Hòa, xã Gia Hòa kể: “Trước đây, đường đất gồ ghề, bụi mù trời. Sau 3 năm phát động phong trào “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu”, giờ người dân không chỉ trồng hoa, làm cổng rào đẹp mà còn giữ gìn cảnh quan sạch sẽ mỗi ngày. Mỗi nhà góp công, góp cây, tự nhắc nhau tưới hoa, giữ vệ sinh”.

Bà Lê Thị Hồng (ấp Trung Hòa ) sinh sống gần đường kiểu mẫu cho biết: “Mỗi sáng tôi đều ra quét lá, tỉa cây. Đường là của chung, ai cũng có trách nhiệm. Giờ khách tới chơi còn bảo không ngờ quê mình đẹp như phố”.

Xây dựng nông thôn mới là hành trình, không phải đích đến

Phong trào “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu” bắt đầu từ năm 2019, đến nay đã lan tỏa sâu rộng. Không chỉ dừng ở việc làm đẹp đường làng, phong trào còn nâng cao ý thức cộng đồng, giúp người dân sống văn minh hơn, đoàn kết hơn.

Qua 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hàng ngàn xã trên cả nước đã đạt chuẩn. Hệ thống hạ tầng cơ bản được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn từng bước nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều xã miền núi, vùng sâu vùng xa chưa đạt chuẩn, hoặc đạt rồi nhưng khó giữ vững tiêu chí do thiếu nguồn lực.

Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu khoe sắc với hoa lá rực rỡ hai bên đường. Ảnh: Minh Anh

Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu khoe sắc với hoa lá rực rỡ hai bên đường. Ảnh: Minh Anh

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, nhận định, chìa khóa để xây dựng nông thôn mới bền vững là phát triển dựa trên đặc thù từng vùng, từng địa phương. Từ du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP, đến chuyển đổi số hay xây dựng nông thôn mới thông minh, mỗi xã cần chọn hướng đi riêng, sáng tạo nhưng gắn với nhu cầu thực tế và văn hóa bản địa.

Ở thôn Văn Miếu, chị Nguyễn Thị Lan, giáo viên về hưu chia sẻ thêm: “Chúng tôi rất thích mô hình sinh hoạt cộng đồng trực tuyến mà thôn mới triển khai. Từ họp chi bộ đến tập huấn khuyến nông, mọi người có thể tham gia qua điện thoại. Nhờ vậy, ai cũng được thông tin đầy đủ, không bị bỏ lại phía sau”.

Thành công của chương trình nông thôn mới trong thời gian qua đến từ chính những hành động cụ thể, nhỏ bé nhưng thiết thực của người dân. Từ việc trồng một khóm hoa, hiến vài mét đất, đóng góp vài giờ lao động cộng đồng... mỗi hành động đều góp phần xây nên những làng quê đáng sống, xanh, sạch, đẹp và gắn kết.

Tuy nhiên, hành trình ấy chưa kết thúc. Để nông thôn mới không chỉ là "mới" mà còn "bền", cần sự vào cuộc đồng bộ giữa Nhà nước và nhân dân. Trong đó, người dân tiếp tục là chủ thể, là người thụ hưởng và cũng là người gìn giữ thành quả.

Việc tiếp tục phát huy vai trò cộng đồng, khơi dậy tinh thần sáng tạo từ cơ sở, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, phát triển kinh tế nông thôn theo chuỗi, bảo tồn văn hóa bản địa… là hướng đi tất yếu để nông thôn Việt Nam hội nhập sâu rộng và phát triển vững chắc.

Nguyễn Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/qua-ngot-tu-chuong-tri-nh-nong-thon-moi-389197.html
Zalo