Những người nỗ lực giữ hồn cốt của dân tộc Ơ Đu
Ở tuổi 78, bà Vi Thị Dung vẫn miệt mài với công việc bảo lưu, trao truyền những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Ơ Đu cho thế hệ con cháu mai sau.

Bà Vi Thị Dung (phải) đang trò chuyện cùng Chủ tịch Hội LHPN xã Nga My Lương Thị Ngọc
Phục dựng và bảo tồn
Dân tộc Ơ Đu, một trong những cộng đồng thiểu số đặc biệt ít người nhất Việt Nam, đã trải qua nhiều thăng trầm để bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của mình. Sau cuộc di cư lịch sử năm 2006 để nhường đất cho dự án thủy điện Bản Vẽ, người Ơ Đu đã về sinh sống tập trung tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Trước năm 2006, người Ơ Đu sinh sống rải rác ở các bản như Kim Hòa, Kim Tiến (xã Kim Đa) và Tả Xiêng (xã Kim Tiến), Xiêng Hương (xã Xá Lượng). Cuộc di cư năm 2006 đã đưa hơn 70 hộ về tái định cư tại bản Văng Môn, xã Nga My.
Là một dân tộc thiểu số ít người nhất (hiện có 103 hộ, 442 nhân khẩu tại xã Nga My), bản sắc văn hóa của người Ơ Đu từng bị mai một và mờ nhạt đi rất nhiều. Văn hóa Ơ Đu bị đồng hóa bởi các dân tộc lân cận như Thái, Khơ Mú, khiến tiếng nói, trang phục và cả cách ăn uống, sinh hoạt hàng ngày hầu như giống người Thái, Khơ Mú.
Nhận thức được nguy cơ này, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án nhằm phục dựng và bảo tồn bản sắc văn hóa cho dân tộc Ơ Đu. Năm 2017, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025 với kinh phí 120 tỷ đồng.

Dân tộc Ơ Đu có nhiều phong tục văn hóa độc đáo
Mục tiêu của Đề án không chỉ là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững, mà còn tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và quan trọng hơn cả là bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của họ, bao gồm tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán.
Những nỗ lực ấy đã đem lại sự thay đổi tích cực trong đời sống của đồng bào Ơ Đu. Bản Văng Môn đã được đầu tư 15 giếng khoan, 20 khung cửi để phát triển nghề dệt may truyền thống, 77 chuồng bò xây mới kiên cố cùng 304 con bò giống, 77 máy cắt cỏ và cải tạo 8,5 ha đất trồng cỏ.
Đặc biệt, một nhà văn hóa khang trang, rộng rãi, sạch đẹp được xây dựng với kinh phí 4,5 tỷ đồng, trang bị loa đài để hỗ trợ đội văn nghệ của bản. Các khóa học tiếng Ơ Đu cũng được mở ra, nhằm gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ.
Năm 2023, Đảng ủy xã Nga My và chi bộ bản Văng Môn đã định hướng cho Đảng viên và nhân dân trong toàn xã, đặc biệt là dân tộc Ơ Đu, chú trọng việc gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc theo tinh thần "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về văn hóa và xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển".
Nhờ đó, đời sống văn hóa của nhân dân xã Nga My nói chung và tộc người Ơ Đu nói riêng đã có nhiều thay đổi tích cực, cán bộ, Đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc văn hóa như là nền tảng của xã hội.
Người giữ "hồn" văn hóa Ơ Đu
Trong nỗ lực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Ơ Đu, không thể không kể đến những tấm gương tiêu biểu, những người giữ "hồn" của cộng đồng. Đó là cụ bà Vi Thị Dung, ông Lo Văn Cường, và ông Lo Thanh Bình – những người cao tuổi, đảng viên mẫu mực và là những người còn thông thạo phong tục tập quán, tiếng nói của người Ơ Đu nhất trong bản.

Trang phục của người Ơ Đu cũng rất đặc sắc
Cụ bà Vi Thị Dung (SN 1947), năm 2022 vinh dự được trao tặng huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Bà chia sẻ, bà vào Đảng khi vừa tròn 20 tuổi, là một trong số rất ít phụ nữ thời bấy giờ được vào Đảng. Chồng bà, ông Lo Hồng Phong, là một cán bộ lão thành, từng giữ các chức vụ chủ chốt như phó chủ tịch, chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Kim Hòa.
Bà là hậu phương vững chắc cho chồng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó, đúng như lời Bác Hồ "Đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân".
Mặc dù hiện tuổi đã cao sức đã yếu, bà Dung vẫn miệt mài, cố gắng truyền dạy lại cho con cháu những phong tục tập quán, những nghề truyền thống của dân tộc mình. Bà dạy con cháu dệt vải, may trang phục Ơ Đu, dạy nói tiếng Ơ Đu, và lưu giữ, bảo tồn các loại nhạc cụ, đồ dùng vật dụng truyền thống của dân tộc, những văn hóa thường ngày trong cuộc sống, cũng như phong tục về cưới hỏi, tang gia…
Bà Dung nói rằng, ngày xưa dân tộc Ơ Đu còn được gọi là Tay Hạt (tiếng Thái nghĩa là rách rưới), cuộc sống du canh du cư khổ cực. Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, dân tộc Ơ Đu có tên mới như ngày nay (Ơ Đu, trong tiếng Thái có nghĩa là yêu thương, xót thương, tội nghiệp). Bà nhận thấy nhờ sự quan tâm đặc biệt ấy, dân tộc Ơ Đu đã "thay da đổi thịt", có cuộc sống ấm no, sung túc, hạnh phúc hơn mỗi ngày.
Tuy nhiên, bà vẫn canh cánh nỗi lo rằng con cháu sẽ không nhận thức được giá trị, tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc mà sao nhãng việc chăm lo gìn giữ. Bà sợ rằng khi các cụ không còn nữa, con cháu sẽ không còn biết phong tục tập quán của dân tộc Ơ Đu.

Ông Lo Văn Cường - người uy tín ở bản Văng Môn: "Một dân tộc mà ngay cả tiếng nói của mình còn không giữ được thì không còn là dân tộc nữa".
Nếu cụ bà Vi Thị Dung là người tiêu biểu trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa tinh thần thì ông Lo Văn Cường (SN 1964) là người tiêu biểu trong việc chăm lo phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái học hành và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Ông Cường cũng là một Đảng viên gương mẫu, là người uy tín của bản Văng Môn.
Ông Cường có hai người con đều học hành đến nơi đến chốn và thành đạt. Con gái lớn Lo Thị Đan (SN 1990) hiện là Phó trạm trưởng trạm y tế xã Nga My; con trai thứ Lo Văn Hằng (SN 1993) hiện là công an viên xã Tam Thái.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, nuôi dạy các con nên người, ông Cường rất nhiệt tình trong công việc của bản. Mỗi khi bản có việc ma chay hay cưới xin, ông đều là người trực tiếp hướng dẫn, chỉ bảo để con cháu làm đúng phong tục. Ông cũng tích cực vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, dạy bảo con cháu phải biết ơn Đảng, Nhà nước và cố gắng vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cùng chung nỗi niềm trăn trở như bà Dung, ông Cường rất lo lắng khi con cháu ngại khó mà không chịu học nói tiếng Ơ Đu. Ông luôn mong mỏi con cháu chịu khó học tập, kế thừa những bản sắc độc đáo của người Ơ Đu, nhất là tiếng nói.
Với sự quan tâm đầu tư lớn và đặc biệt của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đối với dân tộc Ơ Đu ở bản Văng Môn, cùng với tâm huyết của những người con tiêu biểu như bà Dung, ông Cường và sự cố gắng của mọi người dân, cộng đồng người Ơ Đu ở Bản Văng Môn đang ngày càng phát triển về văn hóa vật chất lẫn tinh thần.