Quả ngọt trên cát bỏng
Dải đất dọc ven biển phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn rặt một màu cát trắng. Từ nhiều đời qua, chỉ cây dứa dại, xương rồng và phi lao mới vượt qua được cái nóng bỏng của mùa hè, sự khô hạn của mùa đông để vươn lên. Ấy thế mà, nhiều cây trồng mới đã đâm chồi, bén rễ, rồi phát triển xanh tươi nhờ sự kiên trì thử nghiệm, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác của một phụ nữ đam mê nông nghiệp.
Du nhập cây trồng mới
Cách khu nhà tầng khang trang và xưởng chế biến nước hoa quả của gia đình bà Lê Thị Ngọc ở tổ dân phố Hồng Phong chừng 500m, một khu sản xuất xanh mướt hơn hẳn những vùng đất xung quanh. Ở nơi mà mỗi bước chân người đi, đều bị lún lầy bởi cát biển, lại là nơi vươn cành tỏa bóng của hàng chục nghìn cây lấy quả, mà trước đó chưa từng được ươm trồng trên vùng đất lắm nắng, nhiều gió này.
Dẫn đoàn tham quan khu sản xuất, chủ mô hình giới thiệu vùng trồng cây Atiso với những chùm hoa đỏ au mọng nước. Những ngày hanh heo cuối năm, theo chu kỳ sinh trưởng, lá cây bắt đầu trắng bạc và rụng nhiều, nhìn tổng thể, càng lộ ra cả một khu vườn rực đỏ ấn tượng. Khó có thể tưởng tượng, trên đất cát khô đến cỏ dại còn không mọc được, lại tua tủa những cành cây lắm hoa nhiều quả trĩu võng xuống gần mặt đất. Theo bà Ngọc: “Sau nhiều năm buôn bán, đi xe vận tải ở các tỉnh phía Nam, tôi thấy vùng đất Ninh Thuận cát bỏng khô cằn giống quê mình mà lại trồng được nho, trong khi đất ở quê phần lớn hoang hóa hoặc chỉ trồng phi lao. Nghĩ phải đi đầu thử nghiệm, rồi tôi lấy giống Atiso đỏ từ Lâm Đồng về trồng thử. Đào hố lót gốc bằng phân chuồng hoai mục, được tưới thường xuyên, giống cây mới phát triển mạnh mẽ và cho trái, đến năm 2019, tôi quyết định mua giống để phát triển trên diện rộng”.
Gia đình có Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Dịch vụ thương mại Vận tải Hoàn Ngọc hoạt động trong lĩnh vực vận tải Bắc - Nam nhiều năm qua, chính là điều kiện để bà Ngọc đầu tư lớn và đồng bộ cho nông nghiệp. “Năm 2019, tôi hình thành khu sản xuất, đào ao lót bạt chứa nước, bơm lên hệ thống tưới đến từng cây. Khoảng đất quanh các gốc cây được giữ ẩm chính là điều kiện tiên quyết để canh tác thành công ngay trên cát khô cằn. Thế rồi, tôi duy trì hàng năm khoảng 16.500 bụi Atiso, thu hái khoảng 33 tấn hoa mỗi năm”.
Cùng thời điểm, bà Ngọc đưa vào trồng dâu lấy quả - giống cây chịu hạn tốt. Nhưng bà nghe một người quen ở Hưng Yên mách có giống dâu Đài Loan đặc biệt ngọt, trái to, mỗi cây có thể thu hái cả tạ quả nên bà tìm hiểu và quyết tâm du nhập. “Thời điểm dịch COVID-19 đang phức tạp với nhiều lệnh giãn cách, đặt tiền mua giống nhưng không thể mang về nước được. Sau phải vận chuyển bằng đường hàng không với chi phí lên tới 100 nghìn đồng mỗi hom giống. Với cả nghìn cây giống dâu mới, tôi trồng và được thu hoạch ngay từ năm đầu, mỗi năm 2 vụ”. Tự nhân thêm giống bằng hom cành, những năm sau đó, khu sản xuất đã có tổng số 5.500 gốc dâu Đài Loan.
Giới thiệu sự khác biệt so với cây dâu truyền thống, bà hái quả cho mọi người nếm thử. Một vị ngọt hắc đậm đà hậu vị, lại gần như không có vị chua trong từng thớ quả như dâu ta. Quan sát thực tế, lá dâu Đài Loan to hơn dâu truyền thống, điều đặc biệt là quả to và dài như ngón tay người lớn, mọc chi chít từ thân đến các chi cành lớn nhỏ. Được canh tác hữu cơ và tưới nước đầy đủ, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 16,5 tấn quả.
“Việc canh tác hữu cơ cũng được tôi xác định ngay từ đầu để tạo uy tín cho sản phẩm. Hơn nữa, đây là đất có nhiễm thành phần muối mặn, nếu bón bằng phân hóa học càng làm hỏng đất, chết cây. Những vụ đầu, tôi mua hàng chục xe tải phân chuồng hoai mục từ các trang trại bò sữa, nhưng 3 năm qua tự nuôi lợn, gà để lấy nguồn phân bón cho cây trồng” - bà Ngọc cho biết.
"Những cây trồng được chị Lê Thị Ngọc đưa về canh tác đều là những giống cây mới tại Thanh Hóa. Qua nhiều lần xuống kiểm tra, tìm hiểu, đến nay 3 loại cây chính là dừa lùn, dâu Đài Loan và Atiso đỏ đều cho năng suất cao và hiệu quả không ngờ. Đáng nói, các loại quả còn gắn với chế biến sâu để có những sản phẩm được tiêu thụ theo chuỗi. Mô hình của chị Ngọc hoàn toàn có thể xây dựng thành đề tài khoa học cấp tỉnh để nhân rộng”.
Ông Vũ Văn Hà, Phó Giám đốc
Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa
Từ sự thành công ban đầu, bà Ngọc tiếp tục mua và thuê thêm đất vườn của bà con để phát triển thành trang trại trồng trọt liền vùng tới 5ha. Cuối năm 2019, người phụ nữ tuổi ngũ tuần tiếp tục mua 2.000 cây dừa lùn từ Bến Tre về trồng quanh khu sản xuất và giữa các luống cây trồng mới để che bớt ánh nắng gay gắt. Đến năm 2024 này, dừa đã trổ bói hàng nghìn buồng, nhưng bà cho chặt gần hết để dưỡng thân, từ năm 2025 sẽ cho đậu quả. Miệt mài thử nghiệm và tìm hướng áp dụng kỹ thuật vào canh tác, đến nay những cây trồng mới được du nhập đều phát triển tốt tươi trong sự ngạc nhiên của nhiều người.
Không dừng lại ở đó, gần đây, chủ mô hình sản xuất còn thử nghiệm trồng thành công giống nho từ Ninh Thuận, ủ thành những mẻ rượu đầu tiên để đúc rút kinh nghiệm. Ngay đầu vào khu sản xuất, bà còn “khoe” với chúng tôi những bụi si-rô chi chít quả chín đỏ, mà theo bà, đó là những cây thử nghiệm đầu tiên, sắp tới sẽ cho nhân rộng để lấy quả chế biến thành sản phẩm nước si-rô.
Xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP
Để tạo đầu ra bền vững cho những sản phẩm trồng trọt mới từ trang trại của mình, bà Lê Thị Ngọc nhiều lần lặn lội vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên để du nhập công nghệ chế biến. Từ năm 2021-2022, một xưởng sản xuất được xây dựng ngay phía sau nhà, những khu hầm ủ rượu, máy tinh lọc, máy chưng cất nước hoa quả... được từng bước xây dựng và lắp đặt.
Tại đây, bà Ngọc giới thiệu khu chế biến khá bài bản và hiện đại ngay từ những ngày đầu. Hoa Atiso đỏ, trái dâu Đài Loan được ngâm ủ thành rượu theo công nghệ gần giống rượu vang Đà Lạt. Số còn lại được ngâm rượu truyền thống trong hàng trăm chum sành. Những máy móc chưng cất nước Atiso và nước dâu đóng chai tiếp tục được mua sắm và chuyển giao công nghệ của đối tác. Rượu trắng để ngâm hoa quả cũng được gia chủ tự nấu để lấy bã nuôi gà và lợn. Thế rồi ngay trong năm 2021, được chính quyền thị xã Nghi Sơn và phường Hải Lĩnh động viên, bà đề xuất, được các ngành cấp tỉnh thẩm định đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, yếu tố an toàn nên có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, gồm: Rượu dâu Ngọc Hoàn và Nước cốt hoa quả Ngọc Hoàn. Đến năm 2023, sản phẩm Nước cốt hoa Atiso Ngọc Hoàn của cơ sở sản xuất tiếp tục được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện cơ sở đang sản xuất 7 loại sản phẩm, tất cả đều được thiết kế nhãn mác, được kiểm định các tiêu chuẩn chất lượng và quy chuẩn của các cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương.
Ngoài những chai thủy tinh với nhiều kiểu dáng và mẫu mã đẹp để đưa ra thị trường, cơ sở còn đang sản xuất thử để đăng ký các loại nước hoa quả đóng lon, hướng đến mở rộng thị trường đi nhiều tỉnh. Một cơ sở sản xuất xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP, đạt cả chứng nhận ISO 22000:2018, đến nhiều đơn vị cấp huyện còn khó thực hiện. Nhưng cơ sở sản xuất của bà Lê Thị Ngọc đã làm được điều đó từ chính các sản phẩm cây trồng du nhập do mình sản xuất và chế biến. Tất cả các loại bã hoa quả ép và bã rượu được chuyển hết sang khâu làm thức ăn chăn nuôi. Phụ phẩm thải ra từ cây trồng cùng nguồn phân lợn và gà sau khi được xử lý qua hệ thống biôga khép kín, đều được phối trộn làm phân bón cho cây theo mô hình tuần hoàn khép kín. Ngay vùng trồng nguyên liệu, các loại cây trồng là Atiso và dâu Đài Loan cũng đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, canh tác theo hướng hữu cơ.
"Khu sản xuất 5ha của chị Lê Thị Ngọc hiện là mô hình kinh tế điển hình của địa phương. Bởi khu đất này trước đây là cồn hoang. Năm 2004, tỉnh có chủ trương giãn dân, địa phương cho tách một số hộ ra ở để cải tạo. Nhưng chỉ trồng được phi lao, khó phát triển kinh tế nên các hộ lần lượt trở về. Sau này chị Ngọc đã mạnh dạn thuê và mua lại để phát triển kinh tế. Khâm phục hơn, đó chính là cách làm đột phá, sự kiên trì của một người vô cùng đam mê nông nghiệp. Không ngờ những cây trồng mới lại sinh lời lớn ngay tại khu cồn khô cằn, rồi chị còn du nhập được cả công nghệ chế biến. Hội Nông dân tỉnh cũng hỗ trợ kỹ thuật, địa phương tạo các điều kiện cho chị phát triển mô hình để tạo sự lan tỏa”.
Ông Bùi Khắc Trung, Bí thư Đảng ủy phường Hải Lĩnh
Những vụ cây trồng gần đây, bà Ngọc cung cấp hạt giống Atiso miễn phí thu hái trong vườn cho bà con trong vùng trồng, cơ sở thu mua để tạo thành vùng nguyên liệu bền vững. Những tưởng cây Atiso chỉ phát triển mạnh ở Đà Lạt và những vùng khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, nhưng ở ngay những khu vườn khô cằn của thị xã Nghi Sơn, nó đang cho giá trị kinh tế cao, nhen nhóm hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương. Ngoài 5ha ban đầu, nay bà Ngọc phát triển thêm 3ha dâu và Atiso khác ở xã bán sơn địa Phú Sơn cùng thị xã. Đồng thời, hợp tác trồng thêm 3ha khác ở huyện Yên Định. Cây cỏ ngọt cũng được chủ mô hình phát triển để thay đường trong chế biến nước hoa quả, nước ngọt đóng lon theo thị hiếu người dùng. Với 2 lao động quanh năm với thu nhập 8 triệu đồng mỗi tháng, gần chục lao động thời vụ vào những đợt thu hái nguyên liệu chính là hiệu ứng bước đầu của mô hình từ sản xuất đến chế biến này.
Vùng đất cát khô Hải Lĩnh đã có thêm những đối tượng cây trồng mới phù hợp để khơi dậy quỹ đất, nhiều hộ dân xung quanh đã bắt đầu được hưởng lợi. Giá trị sản xuất 2 năm gần đây của cơ sở đạt khoảng 1,2 tỷ đồng, chưa nhiều so với vốn đầu tư, nhưng bước đầu đã cho thấy hướng đi đúng của người phụ nữ dám nghĩ dám làm. “Với tổng số tiền mua đất, đầu tư cho trang trại sản xuất và khu nhà máy chế biến lên đến hơn 10 tỷ đồng, nếu để mua thêm 2 xe tải, lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều lần làm nông nghiệp. Song với tôi, đó là đam mê, hơn nữa phải tạo cho mình, cho địa phương những sản phẩm riêng mang tính đặc trưng chứ không quá thiên về lợi nhuận” - bà Lê Thị Ngọc trải lòng.