Chuyện thưởng Tết và góc khuất của nghề freelancer

Nghề freelancer mang đến cho các bạn trẻ sự tự do, linh hoạt trong cuộc sống. Song, họ phải đánh đổi bằng việc thiếu vắng phúc lợi xã hội, bao gồm thưởng Tết.

Những năm gần đây, nghề freelancer (làm việc tự do) ngày càng thu hút sự quan tâm, đặc biệt từ các bạn trẻ. Thay vì bị ràng buộc trong khuôn khổ của nhân viên công ty thông thường với những công việc lặp đi lặp lại, họ chọn con đường tự do hơn. Nghề freelancer cho phép mỗi người tự làm chủ công việc, tự quyết định thu nhập và tận hưởng sự linh hoạt trong chính cuộc sống của mình.

Giữa không khí rộn ràng của mùa thưởng Tết, freelancer vẫn âm thầm "cày cuốc" và tự tìm niềm vui trong những thành quả mà mình đạt được (Ảnh: ATPro)

Giữa không khí rộn ràng của mùa thưởng Tết, freelancer vẫn âm thầm "cày cuốc" và tự tìm niềm vui trong những thành quả mà mình đạt được (Ảnh: ATPro)

Tuy nhiên, lựa chọn làm freelancer cũng buộc các bạn trẻ đánh đổi không ít, đặc biệt là thiếu phúc lợi xã hội, trong đó, có câu chuyện thưởng Tết - một đề tài luôn khiến bao người háo hức bàn tán mỗi khi Tết đến xuân về, nhưng lại là điều xa xỉ với phần lớn những người làm việc tự do.

Không giống như nhân viên chính thức, freelancer không được hưởng các phúc lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hay nghỉ phép có lương, thưởng chế độ. Họ phải tự lo liệu mọi khoản này, tạo gánh nặng tài chính lẫn tinh thần.

Trên các diễn đàn, phần lớn các freelancer mới vào nghề đều có cảm giác đôi chút chạnh lòng khi thấy mọi người rộn ràng chuyện quà cáp, khoe thưởng to, thưởng nhỏ. Với những freelancer già dặn, lâu năm cũng chẳng ngoại lệ, chỉ khác đó là suy nghĩ thoáng qua, bởi khi họ đã chọn làm tự do, thì phải chấp nhận rằng không có thưởng Tết.

Vậy nhưng, điều an ủi là trong ngày thường, bình quân các freelancer đều có khoản thu nhập "nhỉnh" hơn so với khi làm việc tại công ty. Chính khoản thù lao hậu hĩnh này trở thành động lực lớn, giúp họ không chỉ duy trì sự đam mê mà còn có thể tự "thưởng Tết" cho bản thân bằng cách tăng cường khối lượng công việc vào dịp cuối năm.

Chẳng hạn, theo một freelancer kỳ cựu trong lĩnh vực marketing tiết lộ, cuối năm là mùa ăn nên làm ra nhất, nếu cố gắng sẽ có một khoản kha khá bù đắp cho Tết. "Cuối năm ngoái, mình kiếm khá ổn nhờ các sự kiện lớn như Black Friday, Noel hay Tết Dương lịch. Nhiều nhãn hàng trả trước 50 - 70% hợp đồng, thành ra dù không có thưởng Tết, mình vẫn bận rộn và kiếm tốt. Thậm chí có lúc công việc nhiều tới nỗi mình không có thời gian để… chạnh lòng chuyện thưởng Tết", freelancer trẻ tuổi cho hay.

Song, làm nhiều việc, kiêm nhiệm nhiều vai trò cũng khiến freelancer chịu áp lực khá lớn. Chưa kể, góc khuất của nghề freelancer là luôn có những rủi ro tiềm ẩn và hiện hữu, như việc bị đối tác bùng tiền hoặc nợ kéo dài khi không có hợp đồng rõ ràng; khả năng phát triển nghề nghiệp hạn chế do ít có cơ hội được đào tạo chuyên môn hoặc thăng tiến như trong môi trường công ty; sự cạnh tranh và đào thải trong nghề cao...

Tựu chung, làm freelancer là phải chấp nhận đánh đổi sự ổn định, tự chịu áp lực và rủi ro để đổi lấy tự do. Giữa không khí rộn ràng của mùa thưởng Tết, họ vẫn âm thầm "cày cuốc" và tự tìm niềm vui trong những thành quả mà mình đạt được.

Dẫu con đường này không trải hoa hồng, mỗi freelancer đều mang trong mình sự quyết tâm, độc lập, và lạc quan bởi họ hiểu rằng, tự làm chủ chính là phần thưởng lớn nhất mà không phải ai cũng dám đánh đổi để có được.

Hoa Đông

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-thuong-tet-va-goc-khuat-cua-nghe-freelancer-364369.html
Zalo