'Quả ngọt' miền đồi Vũ Quang
Ngắm những đồi cam trĩu quả hay rừng keo nguyên liệu bạt ngàn của người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh), chúng tôi lại nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông: 'Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm'...
Bền bỉ “vỡ đất”
Từ một địa phương còn nhiều khó khăn trong buổi đầu thành lập, Vũ Quang giờ đây đang vươn mình vững chãi giữa đại ngàn trùng điệp. Chính sự chịu thương, chịu khó và không ngừng vươn lên của người dân mà những đồi núi khô cằn năm nào đã được “dệt” màu xanh no ấm. Theo khảo sát, trong tổng số hơn 64 nghìn ha đất tự nhiên của toàn huyện có tới hơn 80% là vườn đồi. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế nên ngay từ khi mới thành lập, Vũ Quang đã sớm có chủ trương tập trung phát triển cây ăn quả để nâng cao thu nhập cho bà con.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam hữu cơ trĩu quả rộng hơn 1,5 ha của gia đình ông Dương Quốc Thành ở thôn 1 (xã Quang Thọ) không ngần ngại kể về những ngày đầu “vỡ đất” đầy gian khó. “Hơn 20 năm trước, vùng đất Quang Thọ nói chung và thôn 1 nói riêng bao quanh là núi rừng. Chuyện làm giàu lúc ấy vẫn là một điều gì đó khá mông lung với bà con bởi chưa ai biết sẽ bắt đầu từ đâu, hướng đi thế nào. Thế nhưng, được định hướng kịp thời, sự tiếp sức hiệu quả của các cấp chính quyền thông qua hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, giống cam và kỹ thuật trồng, gia đình tôi và hàng trăm hộ dân khác đã nắm lấy cơ hội, cùng nhau cải tạo vườn đồi để ươm những gốc cam đầu tiên, khởi đầu cho hành trình phát triển kinh tế bền vững” - ông Thành chia sẻ.
Đất không phụ công người, giờ đây, vợ chồng ông Thành đã gây dựng được một cơ ngơi khang trang nhờ trồng cam. Đặc biệt, đầu năm 2022, vườn cam của ông đã được Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận hữu cơ. Đây được xem là “tấm vé thông hành”, giúp gia đình mở rộng thị trường và nâng cao giá trị kinh tế. Hiện, mỗi năm, ông Thành thu về từ 350 - 400 triệu đồng từ cam, giúp gia đình trở thành hộ khá của địa phương.
Ngoài trồng cam, người dân còn mạnh dạn phát triển trồng keo. Từ những triền đồi, khoảnh rừng hoang hóa, bà con đã đầu tư trồng keo nguyên liệu để nâng cao thu nhập và tăng độ che phủ rừng. Hơn 20 năm về trước, vùng đất xã Hương Minh là những dãy đồi hoang vu hoặc rừng nghèo đầy lau lách. Người dân chủ yếu trồng các loại cây giá trị thấp như ngô, sắn... nên đời sống luôn túng thiếu, cái khó cứ quẩn quanh. Tuy nhiên, được các cấp vận động, định hướng phát triển, người dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng keo nguyên liệu, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Ông Nguyễn Văn Bình (thôn Đồng Minh) cho biết: “Được chính quyền địa phương tuyên truyền về lợi ích phát triển kinh tế từ rừng, đầu năm 2012, gia đình đã cải tạo diện tích đất hoang hóa, đầu tư mua cây giống trồng hơn 10 ha keo nguyên liệu. Đến nay, keo đã cho thu hoạch 3 lứa, mỗi lứa mang về cho gia đình nguồn thu trên 200 triệu đồng”.
Trên địa bàn huyện hiện có gần 14.000 ha rừng sản xuất, tập trung nhiều ở các xã: Hương Minh, Thọ Điền, thị trấn Vũ Quang... Trong năm 2023, toàn huyện đã khai thác gần 700 ha keo, trữ lượng gỗ đạt 60 nghìn m3, mang về cho người trồng trên 50 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn còn 1.000 ha keo sắp đến kỳ khai thác đang được người dân tập trung chăm sóc.
Kinh tế rừng, vườn đồi đã góp phần làm thay đổi rõ nét cuộc sống, giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế. Theo Phòng NN&PTNT Vũ Quang, toàn huyện hiện có hơn 1.800 mô hình kinh tế vườn đồi cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Ngoài các mô hình chủ lực như cam, keo nguyên liệu còn có các mô hình khác như: nuôi ong lấy mật, hồng Bình Du, chăn nuôi trâu, bò, lợn… Qua đó, đã tạo động lực thúc đẩy KT-XH trên địa bàn phát triển.
Triển vọng từ những mô hình mới
Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh kinh tế vườn đồi, những năm gần đây, huyện Vũ Quang đưa vào sản xuất nhiều mô hình mới như: dứa, nho sữa, dưa lưới, hương bài, ốc bươu đen, chồn hương, dúi… Các mô hình được đánh giá mang lại nhiều triển vọng phát triển kinh tế cho bà con địa phương.
Ngắm nhìn những hàng dứa được quy hoạch trồng thẳng tắp, mướt xanh, anh Phùng Khắc Nghĩa (thôn 6, xã Đức Bồng) phấn khởi: “Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn xã được huyện “chọn mặt gửi vàng” trồng thí điểm giống dứa Cayen. Các gốc dứa đang bén rễ tốt, hứa hẹn sớm mang lại thu nhập ổn định trong thời gian tới”.
Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị kinh tế cho bà con, đầu tháng 7/2024, UBND huyện Vũ Quang đã phối hợp với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao trồng thí điểm hơn 5 ha dứa Cayen trên địa bàn xã Đức Bồng. Nhờ tuân thủ các quy trình kỹ thuật, các diện tích dứa phát triển tốt và đã được nhân rộng với diện tích gần 7 ha.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, trong quá trình trồng dứa Cayen, lãnh đạo huyện cũng như các phòng, ngành chuyên môn thường xuyên xuống kiểm tra, đánh giá hiệu quả, do vậy bà con rất tin tưởng, yên tâm. Đặc biệt, khi dứa đến kỳ thu hoạch, phía công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng ký kết. Thời gian tới, địa phương sẽ chỉ đạo các phòng, ngành chuyên môn tăng cường công tác khảo sát, nghiên cứu, học hỏi và chú trọng đưa các mô hình mới vào sản xuất trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, hướng đến sự phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà - Bí thư Huyện ủy Vũ Quang cho biết: “Đối với Vũ Quang, đời sống Nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế luôn được địa phương quan tâm và tập trung lãnh đạo. Đây cũng chính là một trong 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp và kế hoạch phát triển KT-XH; rà soát lại các mô hình có hiệu quả để nhân rộng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, địa phương sẽ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất gắn với các cây, con chủ lực; quy hoạch rừng, vùng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện thực tiễn; tăng cường liên kết với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con”.
Sắc xuân đang tràn về trên đại ngàn Vũ Quang hùng vĩ. Công sức, tâm huyết, trí tuệ, sự kiên trì của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây sẽ là nền tảng vững chắc để địa phương sớm về đích huyện NTM nâng cao và vững tin bước vào nhiệm kỳ mới với những mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn.