Ninh Bình sẵn sàng tâm thế bước vào kỷ nguyên mới

Hành trình “lột xác” ngoạn mục

Hơn 20 năm về trước, đã có một Ninh Bình “buồn, bực, bụi, bẩn”, bởi chủ yếu nghề chính của người dân là vào núi phá đá, đốt vôi bán lấy tiền trang trải cho cuộc sống. Đứng trước bài toán, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, Ninh Bình đã quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, giảm và chuyển từ công nghiệp vật liệu hướng mạnh sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo, với những “cú hích” mạnh mẽ về hạ tầng, chính sách. Đó là một quá trình bền bỉ, thực sự là quyết định đúng đắn.

Từ năm 2001 đến nay, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Gần đây nhất là Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 29.10.2021 “Về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2045”. Trong đó, xác định bước chuyển chiến lược phát triển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, ban hành hàng loạt các chính sách quan trọng huy động nguồn lực quản lý, bảo tồn, phát huy di sản; đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh.

 Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn khảo sát Quy hoạch không gian phố cổ kéo dài. Ảnh: Anh Tuấn

Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn khảo sát Quy hoạch không gian phố cổ kéo dài. Ảnh: Anh Tuấn

Có thể thấy, với tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, những quyết sách của Ninh Bình qua các thời kỳ đã giúp địa phương “lột xác” ngoạn mục. Từ một nền kinh tế thuần nông, quy mô nhỏ, đến nay vươn lên thành địa phương trong top 15 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân cao nhất cả nước, tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 8,56%, xếp thứ 5/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 17/63 cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa đạt trên 20.500 tỷ đồng, vượt 11% dự toán.

Ninh Bình hiện là một trong các trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô lớn của cả nước với đầu tàu là Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam. Việc phát triển của ngành công nghiệp cơ khí ô tô đã và đang tạo ra sức hấp dẫn để Ninh Bình thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ ngành công nghiệp ô tô; đóng góp tỷ trọng lớn, đưa giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2024 đạt 15.522 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,29%, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây chính là động lực đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại với trụ cột là ngành công nghiệp cơ khí ô tô.

Kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng là điều đáng tự hào. Sau hơn 15 năm nỗ lực triển khai đã gặt hái được nhiều trái ngọt, không chỉ thay đổi căn bản diện mạo nông thôn mà chất lượng sống, mức sống của người dân ngày càng nâng cao, góp phần giải quyết câu chuyện tiệm cận nông thôn và đô thị. Hết năm 2024, toàn tỉnh có 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 65 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 24 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phấn đấu năm 2025, Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Khát vọng thời đại Hoa Lư

Ninh Bình đặt quyết tâm trở thành cực tăng trưởng phía Nam đồng bằng sông Hồng; hình mẫu tiêu biểu phát triển chất lượng cao, kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, xác lập một “đỉnh” của tam giác đô thị Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đặc biệt, phấn đấu trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ”, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Mới đây nhất, thành phố Hoa Lư đã chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ huyện Hoa Lư và toàn bộ thành phố Ninh Bình. Theo đó, Hoa Lư sẽ có sứ mệnh là thành phố di sản.

Có thể thấy mục tiêu cũng như kỳ vọng của Trung ương, khát vọng của người dân Ninh Bình rất lớn. Như chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn tại Kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh Khóa XV: trong 10 năm tới, Ninh Bình xác định phải chuyển trọng tâm phát triển đô thị, không phải “đô thị bê tông”, không được xâm lấn môi trường mà phải bảo tồn, giữ gìn, nâng niu. Đô thị của thời đại Hoa Lư phải được tái hiện, trong đó, có di sản thiên nhiên, di sản môi trường, di sản kiến trúc và di sản cung đình.

 Cần một chiến lược phát triển với tầm nhìn dài hạn, tư duy đột phá, đổi mới, biến nguồn lực di sản thành tài sản. Ảnh: Minh Quang

Cần một chiến lược phát triển với tầm nhìn dài hạn, tư duy đột phá, đổi mới, biến nguồn lực di sản thành tài sản. Ảnh: Minh Quang

Để “mỏ di sản” không im lặng, Ninh Bình sẽ cơ cấu lại giữa yêu cầu phát triển địa phương và khẳng định vai trò trung tâm vùng, quốc gia, quốc tế trên một số chuyên ngành, như: trung tâm du lịch, trung tâm cơ khí ô tô, trung tâm chế biến rau quả, tổ chức sự kiện; bổ sung những lĩnh vực như công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản, hậu cần sinh thái; kiến tạo các lĩnh vực liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo ngành nghề mới nổi, giáo dục, y tế, công nghiệp công nghệ cao. Đây là một bước cơ cấu giữa nền kinh tế giản đơn thô sơ với các ngành dựa trên sáng tạo, trong đó có sáng tạo nền tảng di sản, làm mới truyền thống.

Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh cũng nhấn mạnh: Ninh Bình cần cơ cấu lại giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị di; gắn với chiến lược chấn hưng và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Trong phục hồi, bảo tồn di sản, câu chuyện bảo tồn, phục hồi di sản phải được xác định ở “ngưỡng” mới. Giai đoạn 2025 - 2035, triển khai quy mô lớn các dự án phục hồi, phục dựng, phỏng dựng di sản (kiến trúc, cảnh quan, thiên nhiên, di sản tư liệu, di sản văn hóa phi vật thể), gắn với phát huy trong đời sống du lịch, công nghiệp văn hóa, di sản cảnh quan, di sản nông nghiệp, di sản văn hóa, di sản đô thị Cố đô... Mục tiêu này, không thể làm trong ngày một ngày hai mà phải tích lũy chuyển đổi xanh. Điều quan trọng hơn cả là thái độ ứng xử đối với di sản. Bởi vậy, cần có nhiều hơn các chương trình trồng, chăm sóc bảo vệ cây để có “rừng trong phố, phố trong rừng”.

Chia sẻ về chiến lược phát triển du lịch, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn thẳng thắn cho rằng, dù đã nỗ lực, song Ninh Bình vẫn thiếu các sản phẩm sáng tạo, những sản phẩm khai thác thô sơ, nguyên sinh để kích thích du khách chưa có nhiều; thiếu cơ cấu các ngành hàng có tính chất lưu trú dài ngày. Vì vậy, cần cơ cấu lại các ngành kinh tế giữa phát triển các sản phẩm giản đơn, thô sơ với những sản phẩm chế biến sâu, đổi mới sáng tạo, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, sản xuất cụm ngành, cho giá trị gia tăng cao. Đơn cử như, từ di sản làng nghề, sản phẩm nghề truyền thống có thể phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa phục vụ du lịch trải nghiệm với những định hướng trở thành “công viên hóa di sản”, “bảo tàng hóa di sản”, “phim trường hóa di sản”…

Đồng thời, cơ cấu lại giữa phát triển kinh tế - xã hội với sắp xếp, đổi mới hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong đó, có việc phân cấp, phân quyền, trao quyền, ủy quyền theo trục dọc và trao quyền, chuyển quyền theo trục ngang. Có như thế mới tạo được giá trị bền vững, khơi dậy khát vọng của thời đại Hoa Lư.

Cùng với các địa phương trên cả nước, Ninh Bình bước vào một mùa xuân mới tràn đầy quyết tâm, khát vọng bứt phá. Với chiến lược, kế hoạch, lộ trình đã được chuẩn bị từ sớm, bài bản, kỹ lưỡng, tin rằng, Ninh Bình sẽ sớm hiện thực hóa khát vọng trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ”, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035; tầm nhìn đến năm 2050 là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới.

Trọng Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ninh-binh-san-sang-tam-the-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post402929.html
Zalo