Quá khứ ít người biết của YouTube
Với xuất phát điểm là website hẹn hò nhưng thất bại, hiện tại YouTube đã tròn 20 năm tuổi và trở thành nền tảng video lớn nhất thế giới.

YouTube hiện là nền tảng video lớn nhất thế giới, với hàng tỷ người dùng và hàng triệu giờ nội dung được tải lên mỗi ngày. Ảnh: NPR.
2 thập kỷ trước, vào ngày 14/2/2005, 3 cựu nhân viên PayPal là Steve Chen, Chad Hurley và Jawed Karim đã cùng nhau đăng ký tên miền YouTube.com. Nhiều năm sau, YouTube trở thành nền tảng video trực tuyến lớn nhất thế giới, nhưng ít ai biết rằng ban đầu, nó không được tạo ra để phục vụ mục đích như ngày nay.
Ngay từ khi bắt đầu, YouTube không nhắm đến mục tiêu trở thành nơi chia sẻ video như hiện tại. Thay vào đó, nền tảng này được thiết kế như một trang web hẹn hò trực tuyến với khẩu hiệu “Tune In, Hook Up” (Kết nối, Hẹn hò).
Bằng chứng cho điều này vẫn còn tồn tại trên Wayback Machine của Internet Archive. Nơi này đã lưu trữ những phiên bản đầu tiên của YouTube vào tháng 4/2005. Giao diện YouTube thời kỳ đó cho phép người dùng chọn giới tính của mình, giới tính của người họ muốn kết nối, độ tuổi mong muốn.
Để tăng tính biểu tượng, YouTube.com được đăng ký đúng vào ngày Valentine. Dù rất nỗ lực thu hút người dùng, không ai hứng thú với ý tưởng hẹn hò bằng video. Các nhà sáng lập thậm chí còn đăng quảng cáo trên Craigslist, đề nghị trả 20 USD cho bất kỳ phụ nữ nào chịu đăng video lên nền tảng, nhưng không ai hưởng ứng.
Chỉ vài tháng sau, nhận thấy hướng đi này không hiệu quả, nhóm sáng lập quyết định mở rộng YouTube thành một nền tảng chia sẻ video cho mọi người.
Ngày 23/4/2005, Jawed Karim tự quay một đoạn video ngắn dài 19 giây tại sở thú San Diego và đăng lên YouTube với tiêu đề “Me at the zoo” (Tôi đi sở thú). Trong video, anh đứng trước chuồng voi và nói về những chiếc vòi của chúng. Đây là video đầu tiên trong lịch sử YouTube và đến nay vẫn tồn tại trên nền tảng với hơn 348 triệu lượt xem.
Tháng 12/2005, YouTube chính thức ra mắt công chúng.

YouTube năm 2005 trên Internet Archive. Ảnh: Internet Archive.
Dù được mở cửa cho công chúng, YouTube không phải là nền tảng video trực tuyến đầu tiên. Đối thủ Vimeo đã ra mắt từ năm 2004, sớm hơn YouTube một năm. Tuy nhiên, YouTube đã có một bước ngoặt quan trọng vào đúng tuần lễ ra mắt.
Ngày 17/12/2005, chương trình hài Saturday Night Live của đài NBC phát sóng một tiểu phẩm tên Lazy Sunday, do nhóm hài The Lonely Island thực hiện. Một người dùng đã lén tải video này lên YouTube. Nó nhanh chóng lan truyền, thu hút hàng triệu lượt xem chỉ trong vài ngày.
Vụ việc này làm bùng lên cuộc tranh luận: YouTube là thiên đường vi phạm bản quyền hay một không gian dân chủ cho nội dung số? Đài NBC nhanh chóng yêu cầu gỡ bỏ video, nhưng không thể ngăn YouTube trở thành điểm đến hàng đầu cho những ai muốn tìm kiếm các nội dung phổ biến trên internet.
Tháng 11/2006, chưa đầy một năm sau khi ra mắt chính thức, YouTube được Google mua lại với giá 1,65 tỷ USD. Đây là một con số khổng lồ vào thời điểm đó. Đặc biệt là khi YouTube vẫn chưa có mô hình kinh doanh rõ ràng.
Chỉ một tháng sau thương vụ, Jawed Karim quay trở lại Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, nơi anh từng theo học, và chia sẻ về triết lý của YouTube. "Nếu bạn có một ý tưởng hay, chỉ cần làm một video và đăng lên, bạn có thể có hàng triệu khán giả ngay lập tức mà không tốn một xu”, anh nói.
Sau khi về tay Google, YouTube tiếp tục phát triển vượt bậc và trở thành nền tảng video phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên, hành trình 2 thập kỷ của YouTube không hề suôn sẻ.
Nền tảng này từng đối mặt với nhiều bê bối liên quan đến quyền riêng tư, nội dung độc hại, cũng như thuật toán khuyến nghị bị cáo buộc tạo ra "buồng vang" (echo chamber) và cực đoan hóa người dùng.
Chính sách kiểm soát nội dung của YouTube cũng gây tranh cãi. Một mặt, họ bị chỉ trích vì kiểm duyệt quá chặt chẽ, nhưng mặt khác lại bị lên án vì không làm đủ để ngăn chặn thông tin sai lệch và nội dung độc hại.
Dù vậy, YouTube vẫn giữ vững vị thế là nền tảng video lớn nhất thế giới với hàng tỷ người dùng và hàng triệu giờ nội dung được tải lên mỗi ngày.