PMU Giao thông đã sẵn sàng cho các siêu dự án đường sắt tỉ USD?

Các siêu dự án đường sắt trị giá 8,3 đến gần 70 tỉ USD đã, đang gấp rút triển khai các thủ tục để sớm khởi công. Câu hỏi đặt ra là các Ban quản lý dự án (PMU) ngành Giao thông đã 'lên dây cót' như thế nào để có thể quản lý, điều hành các dự án, dự kiến con số giải ngân phải đạt từ 2 - 7 tỉ USD/năm?

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, dự kiến vốn đầu tư hơn 67 tỉ USD.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, dự kiến vốn đầu tư hơn 67 tỉ USD.

“Lính bộ” sẵn sàng cho đường sắt

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Quốc hội chốt chủ trương đầu tư hồi tháng 11/2024, với tổng số vốn sơ bộ 1,7 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 67 tỉ USD, dự kiến sẽ sớm khởi công để hoàn thành vào năm 2035.

Tiếp đó, Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng được trình Quốc hội hôm 13/2, với tổng mức đầu tư khoảng 8,3 tỉ USD, tương đương hơn 200 ngàn tỉ đồng, nhiều khả năng cũng sẽ khởi công trong năm nay để hoàn thành vào năm 2030.

Khái toán cho thấy quy mô của các đại công trường đường sắt 10 năm tới là gần 80 tỉ USD - một con số rất lớn so với 2 đại công trường được coi là lớn trong những năm gần đây của ngành Giao thông, đó là Dự án nâng cấp mở rộng QL1A và QL14 (hơn 116 ngàn tỉ đồng) và Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (hơn 240 ngàn tỉ đồng), với thời gian thi công từ 3 - 6 năm.

Rõ ràng, yêu cầu về giải ngân và tiến độ dự án sẽ là một áp lực cực lớn so với “sức lực” hiện tại của các PMU Giao thông, vì trong số 10 PMU chuyên ngành của Bộ Giao thông chỉ có duy nhất PMU Đường sắt là có kinh nghiệm “thực chiến” về quản lý, điều hành các dự án đường sắt, các PMU còn lại lâu nay chỉ làm nhiệm vụ quản lý các dự án đường bộ, đường biển, đường thủy, hàng không… Trong khi công trình đường sắt tỉ USD sắp tới sẽ phải thi công đường ray khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, điện khí hóa, với hệ thống thông tin tín hiệu hiện đại, cần cập nhật, ứng dụng nhiều công nghệ thi công và vận hành tiên tiến.

“Thực tế, các PMU thuộc Bộ đều có chức năng quản lý, điều hành các dự án thuộc lĩnh vực sắt - thủy - bộ... Nhưng lâu nay, “anh” Đường sắt được giao nhiệm vụ chuyên quản trong trong lĩnh vực này. Các Ban còn lại như chúng tôi chỉ điều hành các dự án đường bộ, nên không có điều kiện để có xạt trên các công trường, dự án đường sắt. Tới đây, nếu được cấp trên giao, chúng tôi sẵn sàng tham gia các dự án đường sắt tốc độ cao”, ông Nguyễn Vũ Quý - Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông) nói.

Ông Nguyễn Vũ Quý - Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh: “Nhiều kỹ sư được đào tạo về chuyên ngành đường sắt nhưng lâu ngày không được vận dụng”.

Ông Nguyễn Vũ Quý - Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh: “Nhiều kỹ sư được đào tạo về chuyên ngành đường sắt nhưng lâu ngày không được vận dụng”.

Theo quan sát của PLVN, tuy không phổ biến nhưng chuyện “lính thủy đánh bộ” ở ngành Giao thông đã từng diễn ra, khi nhiều năm trước PMU Đường thủy từng được Bộ này giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án cải tạo, mở rộng QL2. Trước nữa, PMU Thăng Long - một Ban vốn được “đóng đính” trên các công trường, dự án đường bộ đã quản lý, điều hành thành công Dự án cải tạo, nâng cấp đường băng Sân bay Nội Bài.

Cắp sách đi học hay “mua cầu thủ”?

Theo các chuyên gia am tường về lĩnh vực xây lắp hạ tầng, nếu không chủ động chuẩn bị về mặt nhân sự, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm quản lý chuyên ngành và xây dựng các bộ tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật, thì khó có thể kham được một “núi” công việc trong tương lai, ngay cả với những đơn vị quản lý dự án chuyên ngành như PMU Đường sắt, bởi hiện tại, mỗi năm Ban này cũng chỉ được giao quản lý, giải ngân trên dưới 2.000 tỉ đồng.

Những năm gần đây, Bộ Giao thông đặt mục tiêu và đã thực hiện giải ngân đạt từ 95% trở lên so với kế hoạch vốn giao. Cụ thể, năm 2023 được giao hơn 91 ngàn tỉ đồng; năm 2024, được giao hơn 75 ngày tỉ; dự kiến năm nay, Bộ này phải “tiêu” khoản đầu tư công hơn 87 ngàn tỉ. Thông thường, tỷ lệ giải ngân của Bộ cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

“Khi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khởi công, mỗi năm cần phải giải ngân khoảng… 7 tỉ USD. Nếu công tác quản lý dự án không chuyênnghiệp, không sát sao sẽ rất khó mà theo kịp”, ông Lê Thắng - Giám đốc PMU2 (Bộ Giao thông) nói và cho biết, con số trên sẽ là một thách thức rất lớn đổi với nhiều đơn vị trong đó có PMU2, khi năm 2024 cả Ban này mới hoàn thành giải ngân được hơn 7.400 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo PMU2, điều cần thiết bây giờ là phải cấp tốc trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư những người làm công tác kế hoạch thẩm định… để đến khi hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư là bắt tay ngày vào triển khai dự án ngoài thực địa.

“Chúng tôi đã đăng ký nhu cầu về đào tạo với Bộ Giao thông. Đồng thời đã làm việc với Trường Đại học GTVT Hà Nội để sớm cử cán bộ đi cập nhật kiến thực về công nghệ và kinh nghiệm thi công đường sắt tốc độ cao”, ông Thắng thông tin thêm.

Trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Quý - Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh, cũng đồng quan điểm nguồn nhân lực là mối quan tâm hàng đầu khi khởi công các siêu dự án đường sắt. Ông nói: “PMU đường Hồ Chí Minh có hơn 100 nhân sự. Các kỹ sư được đào tạo đủ chuyên ngành từ xây dựng, cầu đường bộ, đường sắt cho đến kinh tế... Nhưng do Ban không quản lý dự án đường sắt nên anh, em không được tiếp xúc, kể cả những kỹ sư có chuyên ngành đường sắt ở Ban, lâu rồi cũng không vận dụng những kiến thức đó”.

Ông Lê Thắng - Giám đốc PMU2: “Giải ngân 7 tỉ USD/năm là một thách thức rất lớn đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý dự án”.

Ông Lê Thắng - Giám đốc PMU2: “Giải ngân 7 tỉ USD/năm là một thách thức rất lớn đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý dự án”.

Vì vậy, vị đại diện PMU đường Hồ Chí Minh đã tiếp cận vấn đề này theo hai hướng. Một là, ưu tiên tuyển dụng những sinh viên xuất sắc ở khối trường kỹ thuật về Ban công tác. Hai là, “mua cầu thủ” - tức sẽ tiếp nhận, tuyển dụng những kỹ sự đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực Tư vấn thiết kế và Tư vấn giám sát ở các cơ quan đơn vị trong ngành Đường sắt về Ban làm việc khi Ban được giao chủ đầu tư các dự án đường sắt.

“Cá nhân tôi nhận thấy giải pháp này là hợp lý, vì “anh” đã có kinh nghiệm trên sân rồi thì khi “ra sân” chẳng có gì là bỡ ngỡ”, lời ông Quý.

VNR lập nhiều tổ công tác liên quan đường sắt tốc độ cao

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) hiện đang có 15 công ty quản lý đường sắt, với hơn 1 vạn lao động dự kiến cũng sẽ góp phần đáng kể vào quá trình triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao. Hiện, VNR đã thành lập nhiều tổ công tác liên quan tới xây lắp hạ tầng, bảo trì, phát triển các công nghiệp liên quan đến công trình này…

Được biết, “Tổng” này đã sớm có kế hoạch liên quan công tác đào tạo, không đợi khi dự án hoàn thành mới triển khai vì đào tạo nguồn nhân lực như lái tàu mất rất nhiều thời gian, gần giống như đào tạo phi công chứ không thể nhanh như quản lý, vận hành công trình đường sắt khổ 1mm.

Võ Tuấn

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/pmu-giao-thong-da-san-sang-cho-cac-sieu-du-an-duong-sat-ti-usd-post540044.html
Zalo