Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Ngành nông nghiệp và môi trường chuyển mình cùng đất nước

Từ ngày 1/3, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đi vào hoạt động theo mô hình tổ chức mới, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tin rằng ngành sẽ chuyển mình mạnh mẽ cùng đất nước.

Tại Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, một trong những thành quả quan trọng đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là việc Quốc hội đã phê chuẩn thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong phiên họp ngày 18/2.

"Đây là niềm vinh dự và tự hào lớn của hai ngành, từ nay gọi chung là ngành Nông nghiệp và Môi trường. Chúng ta có hơn 10 ngày để chuyển giao, hoàn tất các bước cần thiết trước khi chính thức đi vào hoạt động.

Chúng ta đang tiến gần đến một thời khắc có ý nghĩa lịch sử, khi ngành Tài nguyên - môi trường và ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn bước vào một giai đoạn phát triển mới, đồng hành cùng sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Hai lĩnh vực quản lý này có mối quan hệ mật thiết, bổ trợ lẫn nhau. Việc hợp nhất sẽ mở ra cơ hội lớn để giải quyết các bài toán kinh tế - xã hội một cách hài hòa, bền vững, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn của đất nước”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.

Ông Đỗ Đức Duy được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường.

Ông Đỗ Đức Duy được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường.

Bộ trưởng Duy cho biết thêm, đến nay, việc thành lập Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hoàn tất đầy đủ các thủ tục cần thiết để Trung ương Đảng xem xét, ban hành quyết định. Đồng thời, Bộ sẽ tham mưu, đề xuất Đảng ủy Chính phủ chỉ định bổ sung thành viên Ban Chấp hành và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy ngay sau khi hoàn thiện phương án kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp trưởng tại các đơn vị trực thuộc.

Bộ trưởng đề nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị cần chú trọng công tác tư tưởng, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong giai đoạn chuyển đổi. Đồng thời, vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần được đề cao. Các chế độ, chính sách liên quan đến việc sắp xếp tổ chức cũng cần được xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định.

Một trong những bộ tinh giản đầu mối nhiều nhất

Bộ Nông nghiệp và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường và tiếp nhận nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo Nghị quyết số 1533 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường được tăng thêm 5 thứ trưởng để tổng số thứ trưởng không quá 10. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác bố trí, sắp xếp cán bộ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường là ông Đỗ Đức Duy.

Trước khi sáp nhập, thứ trưởng của hai bộ này gồm các ông, bà: Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Phùng Đức Tiến, Trần Thanh Nam, Nguyễn Hoàng Hiệp, Nguyễn Quốc Trị, Hoàng Trung (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cơ cấu tổ chức của bộ này gồm 30 đầu mối (được sắp xếp, tổ chức lại từ 26 đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và 27 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).

Đây là một trong những bộ tinh giản đầu mối nhiều nhất.

Theo ông Phạm Tân Tuyến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường): “Cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ cần được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm tối đa đầu mối bên trong và có sự thống nhất chung giữa các đơn vị trực thuộc Bộ, đồng thời có tính đến yếu tố đặc thù theo từng lĩnh vực”.

Nêu một số nguyên tắc về tổ chức bộ máy, ông Tuyến nhấn mạnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc hai Bộ khi hợp nhất, không được trùng lặp về chức năng. Đối với các đơn vị sự nghiệp có quy mô tổ chức nhỏ, hiệu quả hoạt động thấp, khó thực hiện tự chủ thì sẽ xem xét sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại.

Để hoàn thành nhiệm vụ trước ngày 28/2, Vụ Tổ chức cán bộ của hai Bộ sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng, trình ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc phân công công tác đối với Lãnh đạo Bộ.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường đồng chủ trì Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường đồng chủ trì Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khuyến khích các cán bộ, công chức, viên chức còn thời gian công tác ngắn, nhất là những trường hợp còn dưới 3 năm công tác, tự nguyện xin nghỉ chế độ để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sắp xếp tổ chức cán bộ của tổ chức mới.

Sau sáp nhập, 30 đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn, đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, viễn thám, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Đối với các đơn được thành lập trên cơ sở hợp nhất, kế thừa chức năng, nhiệm vụ mà các đơn vị đó đang đảm nhiệm; xem xét điều chuyển hợp lý những lĩnh vực giao thoa theo đúng nguyên tắc một việc chỉ giao cho một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Đối với các đơn vị thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp, tránh xáo trộn lớn. Các nhiệm vụ có tính chất tổng hợp, liên quan đến nhiều đơn vị thì giao một đơn vị làm đầu mối chủ trì thực hiện, có sự tham gia, phối hợp của các vụ, cục quản lý chuyên ngành.

Môi trường an lành, nông nghiệp thịnh vượng

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ, ngành nông nghiệp và ngành môi trường như "một của hai", "hai trong một" và còn quá nhiều dư địa để phát triển. Theo ông, nếu chúng ta không bảo vệ môi trường, không giữ gìn tài nguyên, thì chính nền nông nghiệp của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Ông Lê Minh Hoan cũng cho rằng, nông nghiệp không chỉ là một ngành phụ thuộc vào môi trường, mà nếu biết cách, chính nông nghiệp có thể trở thành giải pháp để bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta biết giới hạn, biết tôn trọng tự nhiên, thì nông nghiệp không những không phá hủy môi trường mà còn giúp khôi phục lại những gì đã mất. "Chúng ta không thể chọn giữa nông nghiệp phát triển hay bảo vệ môi trường, vì đó không phải là hai lựa chọn tách biệt. Chúng ta cần tìm cách để cả hai cùng tồn tại, bổ trợ lẫn nhau", Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ cảm xúc tại Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ cảm xúc tại Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Ông Hoan nói, hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để cùng nhau chia sẻ những suy tư, trăn trở về tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh môi trường ngày càng có nhiều biến động. Đây không chỉ là câu chuyện của một vụ mùa, một năm sản xuất, mà là câu chuyện dài hơi về sự phát triển bền vững – về cách chúng ta đối xử với đất đai, nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên, để nông nghiệp có thể tiếp tục nuôi sống con người mà không làm tổn thương chính hành tinh này.

Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới, nơi mà những thách thức không còn đơn giản là sâu bệnh hay thị trường, mà là biến đổi khí hậu, là suy thoái tài nguyên, là sự đứt gãy của những hệ sinh thái từng giúp nông nghiệp phát triển. Điều này đặt ra một câu hỏi cấp bách: Chúng ta sẽ tiếp tục làm nông nghiệp theo lối cũ, hay sẽ thay đổi để tìm ra cách chung sống hài hòa với thiên nhiên?

Theo ông Hoan, ngành nông nghiệp cần thay đổi từ tư duy “tận dụng tài nguyên” sang tư duy “hài hòa với thiên nhiên”. Chúng ta cần chuyển đổi sang nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; Ứng dụng công nghệ sinh học, canh tác hữu cơ, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Thay đổi cách tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nơi giá trị không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn ở hệ sinh thái bền vững.

Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành nông nghiệp hay môi trường, mà là trách nhiệm của cả xã hội, của mỗi người nông dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà khoa học, mỗi nhà quản lý.

Công Hiếu

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bo-truong-do-duc-duy-nganh-nong-nghiep-va-moi-truong-chuyen-minh-cung-dat-nuoc-ar927027.html
Zalo