Pi Network lên sàn: Chớ thấy 'hoa nở mà ngỡ xuân về'

Sau chưa đầy 24 giờ lên sàn, đồng tiền số gây tranh cãi bậc nhất hiện tại đang mất giá từng giờ. Cộng đồng cần tỉnh táo trước những nguy cơ đã từng được cơ quan chức năng cảnh báo.

Đồng tiền ảo Pi đã chính thức mở mạng (open network) vào khoảng 15h hôm qua, 20/2/2025. Theo ghi nhận, từ thời điểm "lên sàn" giá trị cao nhất mà Pi đạt được là 1,97 USD.

Sau thời điểm này, giá trị cao nhất các giao dịch đạt được dần tịnh giảm đều đến sau 20 giờ đầu tiên chỉ còn sấp xỉ 0,7 USD. Cá biệt, có thời điểm giảm chỉ còn hơn 0,6 USD.

Giá trị đồng Pi liên tục rơi giá khoảng 10% mỗi giờ từ gần 2 USD lúc mới lên sàn. Ảnh: Coingeko

Giá trị đồng Pi liên tục rơi giá khoảng 10% mỗi giờ từ gần 2 USD lúc mới lên sàn. Ảnh: Coingeko

Một cá nhân có nickname NhanIT, tham gia cộng đồng này từ gần 6 năm trước cho biết: "Vì khai thác Pi không đòi hỏi gì nhiều nên tôi cũng tham gia và sở hữu gần 10 ngàn đơn vị. Khi "lên sàn" tôi đã bán ngay tất cả số có giao dịch được thu lại hơn 10 nghìn USD".

Người này lý giải cho động thái này rằng: "Mặc dù sở hữu, tôi không kỳ vọng nó sẽ có giá trị, chỉ đơn giản là trải nghiệm và tự thưởng cho mình chút thành quả với số tiền này thôi".

Đồng tiền số gây tranh cãi nhất hiện tại nhận được nhiều suy đoán sẽ diễn biến xấu về giá trị. Không những vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực tiền số nhận định rằng đồng pi tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính lẫn pháp lý.

Tại Việt Nam, đồng Pitừng bị Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng công an các địa phương điều tra, làm rõ hoạt động liên quan.

 Còn nhiều nguy cơ đối từ đồng tiền số gây tranh cãi. Ảnh: Beln Crypto

Còn nhiều nguy cơ đối từ đồng tiền số gây tranh cãi. Ảnh: Beln Crypto

Năm 2023, lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao từng lưu ý: Đối với đồng tiền ảo Pi, Cục đang phối hợp với công an các địa phương để điều tra. Sẽ không có hoạt động kinh doanh nào có mức lợi nhuận cao như vậy. Dấu hiệu về các hoạt động lôi kéo, đa cấp như vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam - Đặng Minh Tuấn, cho hay: "Đầu tư vào tiền mã hóa luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, không chỉ riêng đồng Pi. Bởi vì tại Việt Nam, tiền mã hóa chưa có tính pháp lý, chưa có cơ quan quản lý để kiểm soát gian lận, thao túng thị trường, tức là chưa được bảo vệ bởi pháp luật".

Trong khi đó, một chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này cho hay, không dễ để đào Pi kiếm tiền. Bởi theo thuật toán của Pi, mới đầu có thể đào được nhiều, nhưng càng về sau càng khó vì mô hình hoạt động theo kiểu giảm phát.

"Những người không am hiểu công nghệ thì không nên tham gia đầu tư, khai thác, mua bán tiền ảo Pi. Nếu không cẩn thận sẽ có thể rơi vào bẫy lừa đảo của những người lợi dụng trào lưu Pi để trục lợi cá nhân. Đào Pi thì đơn giản, chỉ cần bấm điện thoại là được. Nhiều người nói đào được 1.000-2.000 Pi nhưng thực chất chưa bán được bởi vì chưa về ví", ông nhận định.

Sau khi đào được Pi, còn phải qua nhiều bước khác như mở khóa để tiền vào ví rồi từ ví chuyển lên sàn giao dịch (phải là những sàn uy tín của thế giới), và phải có tài khoản giao dịch tiền điện tử thì mới mua bán được. Với những công đoạn này, phải là người có trình độ mới làm được.

“Hiện có rất nhiều người hô hào gọi vốn đầu tư đào Pi, giống kiểu chơi hụi. Không ngoại trừ rủi ro người đứng ra hô hào gọi vốn sau khi gom được tiền rồi có thể sẽ cao chạy xa bay hoặc cầm tiền đó đầu tư vào những tiền điện tử khác để kiếm lời cho cá nhân”, ông khuyến cáo.

Tuệ Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/pi-network-len-san-cho-thay-hoa-no-ma-ngo-xuan-ve-2082624.html
Zalo