Du lịch nông nghiệp: Hiệu quả kép
Nhằm khai thác lợi thế sẵn có, nhiều hộ dân, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh đã đầu tư khai thác hiệu quả loại hình du lịch nông nghiệp. Đây được xem là một trong những hướng đi tạo ra nhiều giá trị hơn cho nông sản và cũng là xu hướng của nền kinh tế nông nghiệp tương lai. Không chỉ thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm, loại hình du lịch này còn góp phần nâng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất sản xuất.
Du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp
Dịp cuối năm 2024 và đầu năm nay, nhiều nhà vườn tại huyện Lục Ngạn, TX Chũ có đông đoàn khách tham quan, du lịch đến trải nghiệm không gian thôn quê và mua sản phẩm cây ăn quả ngay tại vườn. Trên diện tích 10 ha được trồng cam, bưởi theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, để tạo sức hút, HTX Sản xuất nông nghiệp và Thương mại du lịch Thanh Hải, phường Thanh Hải (TX Chũ) đã đầu tư cải tạo cảnh quan vườn cây, bố trí các điểm đón, tiếp khách, dịch vụ cắm trại, chế biến ẩm thực địa phương…

Khách tham quan vườn bưởi tại HTX Sản xuất nông nghiệp và Thương mại du lịch Thanh Hải (TX Chũ).
Bên cạnh được khám phá các vườn cây trái trĩu cành, khách đến vườn có thể thoải mái chụp ảnh và thu hoạch, mua sản phẩm tại vườn và kết hợp tham quan điểm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái trên địa bàn như: Hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, làng cổ Bắc Hoa (Lục Ngạn); chùa Am Vãi, điểm du lịch Bầu Tiên, làng nghề mỳ truyền thống (TX Chũ)… “Năm 2024, HTX đón khoảng 1 vạn khách du lịch trong và ngoài tỉnh, từ mô hình du lịch này giúp chúng tôi gia tăng thu nhập thêm khoảng 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động”, ông Nguyễn Văn Hữu, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp và Thương mại du lịch Thanh Hải nói.
Sự phát triển của du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp tại Bắc Giang thời gian qua đã mang lại hiệu quả “kép”. Bằng việc áp dụng kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học - công nghệ, tạo cảnh quan ruộng vườn đẹp mắt, thân thiện môi trường và thổi hồn vào đó nhiều câu chuyện lý thú, nông nghiệp Bắc Giang đã đem lại nhiều giá trị hơn. Ví như tại bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế), người dân đã áp dụng phương pháp chăm sóc chè theo hướng hữu cơ. Kết quả là năng suất tăng cao, chất lượng chè cải thiện, giá bán tăng lên. Đặc biệt, những đồi chè rộng lớn còn tạo không gian sinh thái hấp dẫn, thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm mỗi năm. Các dịch vụ du lịch được hình thành ngay trong khu vực này, giúp tăng thu nhập cho người dân.
Trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch cho hiệu quả cao, thu hút nhiều du khách đến tham quan và mua sắm sản phẩm ngay tại vườn như tại các trang trại trồng rau sạch, hoa ở TP Bắc Giang; vùng trồng dứa ở xã Bảo Sơn (Lục Nam); vùng trồng sâm núi Dành (Tân Yên); vùng trồng vải thiều, cam, bưởi, mận, táo (Lục Ngạn, TX Chũ); mai vàng Yên Tử (Sơn Động); nho (Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa)...
Phát huy tiềm năng
Với diện tích cây ăn quả lớn (khoảng 50 nghìn ha), đối tượng cây trồng, vật nuôi đa dạng, Bắc Giang được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 33 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn với 250 hộ dân tham gia hoạt động, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, tỉnh xác định ưu tiên tập trung xây dựng và phát triển 4 sản phẩm du lịch chủ lực gồm: Văn hóa - tâm linh; sinh thái - nghỉ dưỡng; vui chơi, giải trí gắn với thể thao; du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, nông nghiệp nông thôn.

Du khách trải nghiệm mùa hoa mận tại xã Tân Sơn (Lục Ngạn).
Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bắc Giang đã và đang hình thành không gian phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái trên vùng cây ăn quả tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, TX Chũ... Trong số những không gian du lịch được định hướng phát triển có không gian du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả và chè Bản Ven (gồm TX Chũ, các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế). Đây là không gian du lịch khá đặc trưng, góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, phát triển quanh năm nên hạn chế được tính mùa vụ.
Với diện tích cây ăn quả lớn (khoảng 50 nghìn ha), đối tượng cây trồng, vật nuôi đa dạng, Bắc Giang được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 33 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn với 250 hộ dân tham gia, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, việc lồng ghép phát triển nông nghiệp gắn với du lịch đã góp phần làm phong phú cho sản phẩm du lịch, ngược lại, du lịch giúp quảng bá, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, một số mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay những khó khăn, bất cập vẫn còn như: Hạ tầng du lịch, mạng lưới giao thông đến các điểm du lịch còn khó khăn. Hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn quy mô nhỏ, thiếu điểm dừng nghỉ, giới thiệu, bán sản phẩm... Đây là những vấn đề cần được quan tâm đầu tư hơn nữa trong thời gian tới.
Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái trên cơ sở thực hiện đề án phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; đề án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm để nâng chất lượng nông sản, tạo nền tảng phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, các địa phương cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lữ hành, thành lập các tổ hướng dẫn viên, thuyết minh viên am hiểu lịch sử vùng đất, con người và quy trình sản xuất nông sản để giới thiệu cho khách.
Chú trọng hỗ trợ các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch (xây dựng website, ấn phẩm quảng bá, truyền thông); hỗ trợ xây dựng đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, biển chỉ dẫn giao thông, công trình vệ sinh, khu trưng bày và các công trình phục vụ du lịch khác. Các HTX, chủ trang trại, nhà vườn chủ động kết nối với các công ty lữ hành để đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm.