Phù Yên xây dựng chính quyền điện tử
Năm 2024, chỉ số thước đo khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công (SIPAS) của huyện Phù Yên đạt 95,04 điểm, xếp thứ 6/12 huyện, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2023.
Phù Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số. Chỉ đạo các cơ quan, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Chấn chỉnh việc thực hiện tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến; tập trung cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) và chỉ số SIPAS.
Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: Trong năm qua, huyện đã thành lập 7 đoàn kiểm tra tại 42 đơn vị. Nội dung kiểm tra về công tác chỉ đạo điều hành, việc thực hiện các chỉ tiêu, quy định về cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra đều thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC.
Huyện đã rà soát, thông báo bãi bỏ 4 TTHC và quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vực văn hóa cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của UBND huyện. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa TTHC theo thẩm quyền, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình giao dịch. Đồng thời, tiến hành rà soát, niêm yết công khai các TTHC đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo quyết định của UBND tỉnh thuộc thẩm quyền. Rà soát thông báo 189 thủ tục cấp huyện và 74 thủ tục cấp xã đạt tiêu chí dịch vụ công toàn phần. Sửa đổi 4 thủ tục, bãi bỏ 10 thủ tục lĩnh vực văn hóa thông tin; thông báo 1 thủ tục lĩnh vực y tế...
Bà Vũ Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phù Yên, cho biết: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã hoạt động theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đến nay, đã cung cấp 189 dịch vụ công toàn trình (mức độ 4) cấp huyện; 74 dịch vụ công toàn trình cấp xã, thị trấn. Năm 2024, huyện đã hoàn thành giải quyết 17.907 hồ sơ, trong đó, 17.803 hồ sơ đúng và trước hạn, đạt 99,42%; còn 104 hồ sơ quá hạn, chiếm 0,58%; có 92 hồ sơ đang giải quyết. Qua đánh giá, Bộ phận một cửa cấp huyện và 27/27 bộ phận một cửa các xã, thị trấn được xếp loại xuất sắc.
Bà Cầm Thị Hồng, tiểu khu 6, thị trấn Phù Yên, chia sẻ: Tôi đến Bộ phận một cửa của thị trấn làm giấy khai sinh cho cháu, được cán bộ giúp đăng nhập các thông tin cần thiết lên hệ thống dịch vụ công và hẹn thời gian quay lại nhận giấy khai sinh. Quy trình khá nhanh, thuận lợi. Tôi rất hài lòng.
Trong năm 2024, huyện đã ban hành 63 quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện. Tiếp nhận trung tâm y tế từ trực thuộc Sở Y tế về UBND huyện quản lý. Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Chuyển đổi vị trí công tác đối với 18/18 công chức huyện và cấp xã. Thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP đối với 22 công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã.
Huyện đã hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở địa phương; triển khai hiệu quả phòng họp không giấy tờ tại các phòng họp của Huyện ủy, UBND huyện và 30 phòng họp trực tuyến từ cấp huyện đến cấp xã; sử dụng nền tảng họp trực tuyến Zommetting tại 100% cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn. Tiếp tục sử dụng các nền tảng số dùng chung của tỉnh, như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; cổng thông tin điện tử huyện; các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; các nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, học trực tuyến mở đại trà (MOOCS)...
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, huyện Phù Yên tập trung cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính, cải cách công vụ, tài chính công. Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 vào hoạt động của cơ quan hành chính... nâng cao chỉ số CCHC của huyện.