Phú Xuyên đột phá nhờ cải cách hành chính và chuyển đổi số
Năm 2024, huyện Phú Xuyên nổi bật với những bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính và chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số gắn với thương mại điện tử. Đây không chỉ là điểm nhấn lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, mà còn mang lại cơ hội bứt phá cho các làng nghề truyền thống.
Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính.
Thương mại điện tử tăng 7 lần
- Năm 2024, công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số của Phú Xuyên trở thành điểm sáng trong thành tựu chung của huyện. Đồng chí có thể chia sẻ về kết quả nổi bật này?
- Năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính của huyện Phú Xuyên. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của huyện, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, huyện khắc phục nhiều tồn tại từ năm 2023, nhất là việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp... Một trong những kết quả đáng tự hào là tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn của huyện đạt 100%, tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Chúng tôi đã áp dụng mô hình “Ba tại nhà”, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, tiết kiệm 4.160 giờ và hơn 108 triệu đồng chi phí cho người dân.
Bên cạnh đó, UBND huyện hoàn thành 100% nhiệm vụ cải cách hành chính được giao trong năm 2024. Đặc biệt, theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, Phú Xuyên đã có bước nhảy vọt. Từ vị trí 24/30 trong 2 tháng đầu năm 2024, chúng tôi vươn lên dẫn đầu, xếp hạng 1/30 quận, huyện, thị xã từ tháng 5 đến nay. Đặc biệt, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng đáng kể, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, bảo đảm tính minh bạch...
Về kinh tế số, nguồn thu thuế từ bán hàng trực tuyến tăng đột biến so với năm 2023. Nếu như năm 2023, doanh thu từ thương mại điện tử trên địa bàn huyện chỉ đạt 147 tỷ đồng, thì năm 2024, doanh thu kê khai từ các hộ kinh doanh đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng gần 1000 tỷ đồng so với năm trước... Qua đó đưa doanh số bán hàng trực tuyến của các làng nghề trên địa bàn huyện tăng 7 lần. Đây là con số rất ấn tượng, minh chứng cho sự thành công của các giải pháp mà huyện đã áp dụng.
- Đồng chí có thể chia sẻ về giải pháp, sáng kiến đó?
- Chuyển đổi số là một trong những trụ cột quan trọng của huyện Phú Xuyên, góp phần hiện đại hóa cải cách hành chính, phát triển kinh tế số và xã hội số. Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể như: Huyện đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ thông tin với mạng truyền dẫn cáp quang phủ khắp các địa phương và mạng không dây miễn phí.
Các mô hình trung tâm văn hóa xã thông minh, chợ thông minh đang nâng cao, cải thiện hiệu quả giao dịch. Các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, thuế, an sinh xã hội đã được số hóa với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng đáng kể, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số cho làng nghề là điểm nhấn đặc biệt của huyện, chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp tập huấn với sự tham gia của hơn 4.500 học viên, tập trung vào cách viết bài, quay video quảng cáo, livestream bán hàng... Nhiều làng nghề tự tin mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử, kết nối với khách hàng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Phú Xuyên mời nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trên các nền tảng mạng xã hội đến trải nghiệm, tham quan, quảng bá cho làng nghề; trực tiếp thực hiện hoạt động tham quan quy trình sản xuất, thử làm nghề, chia sẻ cảm nhận qua video, bài viết trên các nền tảng: YouTube, Facebook, TikTok. Những video và bài viết thu hút hàng triệu lượt xem, bình luận, tương tác giúp hình ảnh làng nghề cùng đời sống kinh tế, xã hội, ẩm thực, văn hóa, du lịch của địa phương lan tỏa nhanh chóng (nghề may mặc ở xã Vân Từ, đồ thủ công mỹ nghệ khảm trai tại xã Chuyên Mỹ, sản phẩm tăm hương tại các xã: Văn Hoàng, Phú Túc…), gây tiếng vang lớn, nâng cao giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, sự hợp tác với các trường đại học và chuyên gia là bước đi mới được chúng tôi lựa chọn. Chúng tôi đã phối hợp với Trường Đại học mỹ thuật, chuyên gia thiết kế để cải tiến mẫu mã sản phẩm, giữ bản sắc truyền thống, nhưng có yếu tố hiện đại, phù hợp thị hiếu tiêu dùng.
Từ những hiệu ứng tích cực trên không gian số, người dân, chính quyền cấp cơ sở từng bước được thay đổi nhận thức về chuyển đổi số. Trước khi huyện tổ chức đào tạo kỹ năng sử dụng thương mại điện tử và mạng xã hội cho các hộ sản xuất, người dân, chính quyền cơ sở còn e ngại, nghi ngờ hiệu quả của phương thức bán hàng hiện đại. Song, chỉ sau thời gian tập huấn, hỗ trợ, nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tự tin quay phim trực tiếp giới thiệu sản phẩm, văn hóa làng nghề trên các nền tảng số.
Nhờ chuyển đổi số, làng nghề Phú Xuyên ngày càng mở rộng thị trường, thay đổi căn bản tư duy làm kinh tế, kết hợp hiệu quả truyền thống và hiện đại...
Nhận diện khó khăn, tiếp tục đồng hành
- Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Phú Xuyên còn tồn tại, hạn chế gì, thưa đồng chí?
- Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số của Phú Xuyên vẫn còn một số hạn chế. Phần mềm "một cửa" dùng chung 3 cấp thường xuyên gặp lỗi, dẫn đến hồ sơ hiển thị quá hạn, dù đã xử lý đúng hoặc trước hạn. Tỷ lệ người dân tự thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến còn thấp, việc thực hiện các nhóm thủ tục hành chính liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia vẫn gặp khó khăn, như chậm cấp mã số định danh hoặc chưa đủ nội dung liên thông (khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng...). Cán bộ tại một số đơn vị chưa đồng đều về trình độ công nghệ thông tin và tâm lý bị dao động do sáp nhập đơn vị hành chính. Người dân chưa nhận thức rõ lợi ích của chuyển đổi số, còn lo ngại về chi phí và bảo mật thông tin...
Đối với các làng nghề, nhiều chủ cơ sở sản xuất, nhất là người lớn tuổi còn e ngại tiếp cận công nghệ. Hạ tầng công nghệ thông tin của một số khu vực chưa ổn định, trong khi chi phí đầu tư cho thiết bị và quảng bá là rào cản lớn với hộ sản xuất. Đặc biệt, cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội rất khốc liệt, đòi hỏi sự đổi mới liên tục cả về mẫu mã sản phẩm và phương pháp tiếp thị. Nhiều cơ sở sản xuất gặp khó khăn trong cân bằng giữa giữ gìn bản sắc truyền thống và đáp ứng thị hiếu hiện đại.
Nguyên nhân chính của tồn tại chủ yếu do hạn chế về nhận thức; kỹ năng, hạ tầng công nghệ và chính sách hỗ trợ chưa toàn diện. Ngoài ra, tâm lý ngại thay đổi của cả cán bộ và người dân cũng là yếu tố cần khắc phục.
- Thời gian tới, huyện Phú Xuyên làm gì để thúc đẩy chuyển đổi số và thương mại điện tử cho các làng nghề, thưa đồng chí?
- Phú Xuyên xác định chuyển đổi số là động lực quan trọng để phát triển bền vững, nhất là đối với các làng nghề truyền thống. Huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, như: Nâng cao kỹ năng số, triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, người dân và chủ cơ sở sản xuất về ứng dụng công nghệ, kỹ năng bán hàng trực tuyến, khai thác hiệu quả các nền tảng thương mại điện tử.
Huyện sẽ tổ chức các chiến dịch truyền thông sáng tạo, giúp người dân nhận thức rõ lợi ích của chuyển đổi số, từ đó khuyến khích họ chủ động tham gia. Tiếp tục hỗ trợ các làng nghề liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn, như: Shopee, Lazada, Amazon... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; hỗ trợ thiết kế sản phẩm, bao bì, nhãn mác, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng hiện đại.
Đặc biệt, huyện đặt mục tiêu đưa Phú Xuyên trở thành "thủ phủ bán hàng online" của Thủ đô. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện tăng cường kết nối với doanh nghiệp lớn, nhà thiết kế, các đối tác quốc tế, tạo cơ hội giao thương rộng lớn hơn cho các làng nghề.
Huyện xác định rõ, các làng nghề không chỉ là nơi sản xuất, mà còn trở thành điểm đến văn hóa độc đáo, thu hút du khách, quảng bá sản phẩm... Tôi tin rằng, với nỗ lực đồng bộ, Phú Xuyên sớm trở thành điểm sáng của Thủ đô về chuyển đổi số, thương mại điện tử, góp phần nâng tầm giá trị cho các làng nghề truyền thống tại địa phương...
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!