Năm 2025 sẽ là năm tăng tốc, bứt phá để về đích
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Trao đổi với Báo Đầu tư khi năm mới 2025 vừa bắt đầu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích Kế hoạch 5 năm 2021-2025, đồng thời chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để chúng ta có thể tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Thưa Thứ trưởng, do đổi ngày chốt và công bố số liệu thống kê, nên đến hôm nay, chúng ta chưa có những con số cuối cùng về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2024. Nhưng qua diễn biến trong 1 năm qua, Thứ trưởng đánh giá thế nào về kinh tế 2024? Liệu chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng 7% như mong muốn?
Dù chưa có những con số cuối cùng, nhưng có thể nói rằng, chúng ta đã có một năm thành công trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn. Có nhiều cơ sở để tin rằng, chúng ta sẽ đạt được mức tăng trưởng 7%, thậm chí cao hơn và có thể hoàn thành 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thực ra thì khi tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024 được chốt ở con số 6,82%, chúng tôi đã dự báo rằng, tăng trưởng GDP năm nay sẽ vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), đạt khoảng 7%, thậm chí là hơn 7%, nếu tất cả cùng nỗ lực.
Và như đã thấy, trong quý cuối cùng của năm, vượt qua những khó khăn, thách thức, bao gồm cả những tác động của cơn bão Yagi, cả ba khu vực kinh tế đều đạt được những kết quả rất tích cực. Tôi nói ví dụ như sản xuất công nghiệp, 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,4%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Những con số này cho thấy, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh và đã trở lại là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng. Thậm chí, có thể nói, các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch.
Khu vực dịch vụ cũng vậy. Chúng ta đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động du lịch, dịch vụ, nhất là trong những tháng cuối năm, khi mà lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá mạnh. Xuất nhập khẩu cũng là một điểm sáng, khi tổng kim ngạch đã vượt ngưỡng 800 tỷ USD, riêng xuất khẩu vượt 400 tỷ USD. Và đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, không chỉ là con số đạt được rất tích cực, mà chất lượng dòng vốn cũng được nâng cao. Chúng ta thu hút được nhiều dự án trong các lĩnh vực tiên phong, như bán dẫn, AI… Sự xuất hiện và các cam kết hợp tác của Tập đoàn NVIDIA mới đây là một minh chứng.
Ngay cả đầu tư trong nước cũng vậy. Những tháng gần đây, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư vào triển vọng của nền kinh tế đang gia tăng. Xu hướng này là rất tích cực.
Tất nhiên là trong bối cảnh chung hiện nay, kinh tế - xã hội Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng tôi cho rằng, chúng ta có quyền tự hào về những thành quả đã đạt được trong năm 2024. Chúng ta thuộc top các nền kinh tế có tăng trưởng cao trong khu vực và toàn cầu và có thể nói, đã giành “thắng lợi kép”, khi không chỉ đạt tốc độ tăng trưởng cao, mà còn kiểm soát tốt lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế cũng được đảm bảo, sức chống chịu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế từng bước được nâng lên.
Kết quả của năm 2024 là rất tích cực. Đó sẽ là nền tảng để nền kinh tế tiếp tục bước vào năm 2025 với kỳ vọng sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn trong năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Nhưng mục tiêu mà Chính phủ đặt ra không chỉ là tăng trưởng 8%, mà là tăng trưởng 2 con số, theo như Công điện vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngay trước thềm năm mới 2025. Thứ trưởng nghĩ sao về mục tiêu này?
Mặc dù Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt và mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, thậm chí cao hơn, đó là tăng trưởng 2 con số. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam được dự báo là còn nhiều yếu tố bất định, khó khăn, thách thức còn lớn hơn cả thuận lợi. Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu lớn là cần thiết, bởi như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc. Mà để bước vào kỷ nguyên mới, thì tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng.
Hơn nữa, chúng ta cũng đang hướng đến các mục tiêu cường thịnh vào các dấu mốc quan trọng của đất nước - năm 2030 và năm 2045. Muốn đạt được các mục tiêu dài hạn như vậy, chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ, bắt đầu từ việc đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao vào năm 2025 này.
Đặt mục tiêu cao là cần thiết, nhưng điều quan trọng là, làm sao để đạt được mục tiêu đó, thưa Thứ trưởng? Chúng ta có cơ sở nào không để có thể tự tin rằng, mục tiêu đó là trong tầm với?
Năm 2025 được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để chúng ta có thể tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Tôi cho rằng, chúng ta có nhiều cơ sở để kỳ vọng, để tin tưởng vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng này. Đà tăng trưởng mà chúng ta có được từ 2024, bao gồm trên tất cả các lĩnh vực và động lực tăng trưởng của nền kinh tế, như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng…, là yếu tố quan trọng đầu tiên.
Ngoài ra, chúng ta có nhiều nhân tố mới, với các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là về thể chế, chính sách. Chẳng hạn, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XV vừa qua, nhiều dự luật quan trọng đối với các hoạt động đầu tư, kinh doanh, như Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, và Luật Đấu thầu… đã được thông qua. Các tư tưởng lớn, đột phá trong các luật này, với tinh thần “kiến tạo phát triển”, sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực lâu nay bị ách tắc, qua đó góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư - kinh doanh và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Hay một ví dụ khác, lâu nay, chúng ta vẫn nói nhiều về các động lực tăng trưởng mới, nhưng phát huy ra sao, tác động như thế nào đến nền kinh tế thì lại chưa thể sớm đong đếm. Lần này, chúng ta đã thấy rõ ràng hơn, khi các dự án trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch… đang được thúc đẩy. Khi các dự án này được triển khai và phát huy hiệu quả, sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, thậm chí còn có thể kỳ vọng là sẽ tạo được sự bứt phá trong tương lai.
Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng. Tương tự như vậy, việc chúng ta dự kiến tái khởi động dự án điện hạt nhân, chuẩn bị xây dựng các dự án hạ tầng chiến lược, trong đó có Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, rồi chuẩn bị cho Trung tâm Tài chính quốc tế và khu vực ở TP.HCM và Đà Nẵng, cũng như thành lập các khu thương mại tự do tại một số địa phương… cũng sẽ góp phần mở rộng không gian phát triển mới cho các địa phương, cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.
Vậy đâu là giải pháp quan trọng cần phải thực hiện, để nền kinh tế có thể tăng tốc, bứt phá trong năm 2025, thưa Thứ trưởng?
Để thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP, và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, theo tôi, có nhiều việc phải làm.
Chẳng hạn, tiếp tục “làm mới”, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống, như đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, đồng thời tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Để thúc đẩy tăng trưởng, phải xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, từ đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách… để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, tập trung xây dựng các dự án hạ tầng chiến lược… và đặc biệt là thực hiện quyết liệt và hiệu quả chủ trương tinh gọn bộ máy…
Để thúc đẩy tăng trưởng, các ngành, các địa phương động lực, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM, cũng phải phấn đấu tăng trưởng bứt phá, phát huy vai trò đầu tàu hơn nữa.
Sau kỳ nghỉ lễ, dự kiến, sang tuần sau, Chính phủ sẽ họp bàn với các bộ, ngành, địa phương để tìm ra các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá. Tôi tin là sau cuộc họp này, các chủ trương, định hướng và giải pháp quan trọng, và cả các kịch bản tăng trưởng kinh tế sẽ được ban hành trong các Nghị quyết số 01 và 02, như thường niên.
Nhiệm vụ là nặng nề, thách thức là lớn lao, nhưng tôi tin là, nếu chúng ta nỗ lực, nếu cả hệ thống chính trị đều quyết tâm, thì chúng ta có thể hoàn thành tốt nhất các mục tiêu của Kế hoạch năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo đà để nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo 2026-2030.