Nhà thầu Việt chinh phục những đỉnh cao mới

Phát huy tối đa nội lực, lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá, ngành xây dựng đang chuyển mình mạnh mẽ, nhất là khi các nhà thầu xây dựng Việt Nam được trao gửi trọn niềm tin.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị kiểm tra công tác thi công lắp đặt của Tổng công ty Lilama tại dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị kiểm tra công tác thi công lắp đặt của Tổng công ty Lilama tại dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Trong tương lai, Việt Nam sẽ có thêm nhiều công trình quy mô và tầm cỡ quốc tế, ghi danh tên tuổi nhà thầu Việt vào danh sách các nhà thầu tên tuổi trên thế giới; góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, sau năm 2025, Chính phủ ưu tiên cho dự án đường sắt tốc độ cao cũng là cơ hội để các nhà thầu xây dựng Việt Nam tiếp tục phát huy trí lực, vật lực, có thêm công ăn việc làm, tiếp tục khai thác nguồn lực sẵn có về nhân công, máy móc, trang thiết bị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Hơn 40 năm qua, có trên 120 công trình quy mô lớn, quan trọng quốc gia; trong đó, có nhiều công trình sử dụng kết cấu mới, kỹ thuật xây dựng mới, công nghệ hiện đại, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam hoặc có tầm cỡ khu vực được Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu hoặc trực tiếp nghiệm thu đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. Các công trình này đã phát huy hiệu quả to lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiêu biểu có thể kể đến một số công trình như: Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Yaly, Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, cầu Cần Thơ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cầu Bãi Cháy, cảng Cái Lân, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương, cầu Nhật Tân, hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả, các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn... Gần đây có thể kể đến dự án cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông. Hiện các công trình trọng điểm quốc gia sẽ tiếp tục được Chính phủ quan tâm đôn đốc hoàn thành đúng tiến độ nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phát huy hiệu quả đầu tư; đặc biệt là với các công trình đường cao tốc, đường sắt đô thị, Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Dưới góc độ nhà thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) chia sẻ, khoảng 20 năm qua, thị trường xây dựng Việt Nam là nơi “thống lĩnh” của các công ty đến từ châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc với việc trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia nhiều dự án. Thời gian đó, các công ty xây dựng trong nước đã học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng quản lý của các tổng thầu xây dựng cung cấp các loại hình dịch vụ (E&C) hàng đầu bằng cách hợp tác dưới nhiều hình thức như thành lập tập đoàn với tư cách là đối tác, thầu phụ…

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Nhưng gần đây, các công ty xây dựng Việt Nam đã vươn lên giữ vai trò dẫn dắt quá trình xây dựng các công trình lớn trong nước. Nổi bật như hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, Tòa nhà Landmark 81 ở Tp. Hồ Chí Minh hay Nhà máy của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Bình Dương và “siêu dự án” Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Kết quả thực tế này chính là cơ sở để Chính phủ đặt nhiều kỳ vọng vào sự lớn mạnh của nhà thầu trong nước, nhất là khi chọn trao gửi niềm tin cho các doanh nghiệp Việt. Nếu được tạo cơ chế, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể làm được nhiều dự án lớn có quy mô và tầm cỡ quốc tế như dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây cũng sẽ là một cuộc "cách mạng làm thay da đổi thịt" đối với các nhà thầu xây dựng” - ông Nguyễn Quốc Hiệp khẳng định.

Bởi theo ông Hiệp, trước đây, khi làm cầu dây văng, Việt Nam phải thuê nước ngoài từ thiết kế đến thi công, nhưng hiện nay doanh nghiệp trong nước đã làm được. Cho đến cả việc doanh nghiệp nội đang thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam cũng như đã xây dựng tòa nhà cao 81 tầng chưa từng có trước đó... Từ các dự án công trình biểu tượng quốc gia được xây dựng bởi những doanh nghiệp trong nước, Việt Nam có thể kỳ vọng lớn vào năng lực thi công dự án hạ tầng như sân bay của nhà thầu Việt...

Thị trường xây dựng Việt Nam được các chuyên gia đánh giá vẫn là “miếng bánh béo bở” của các nhà thầu quốc tế. Do đó, thúc đẩy nội địa hóa xây dựng chính là tầm nhìn lâu dài cho chiến lược huy động nguồn lực nội địa, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam. Việc được trao quyền xây dựng các dự án hạ tầng và cạnh tranh với các nước tiên tiến trên thị trường quốc tế bằng kinh nghiệm có được trong nước chính là “cơ hội vàng” dành cho các doanh nghiệp xây dựng Việt.

Các chuyên gia nhận định: Trong khoảng thời gian 10 năm tới doanh nghiệp xây dựng vẫn còn nhiều cơ hội phát triển lớn. Liên tục trong mấy năm gần đây, GDP tăng vượt mức yêu cầu, từ 6 đến hơn 7%; trong đó, tỷ lệ đóng góp của ngành xây dựng cũng ở mức khá, thường từ 11 - 12% bởi nhu cầu nhà ở, hạ tầng đô thị so với các nước đang phát triển trong khu vực thì Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục cải thiện.

Dư địa phát triển lớn, giàu tiềm năng, nhiều thử thách đang chờ nhà thầu Việt chinh phục. Điều này cũng tạo động lực rất lớn cho ngành xây dựng tiếp tục phát triển mạnh. Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết: Không chỉ xây dựng nhà ở, công trình cao tầng mà năng lực tổng thầu, quản lý thi công của nhà thầu Việt Nam đã vượt qua doanh nghiệp trong khu vực.

Những nhà thầu lừng danh thế giới của Nhật Bản, Hàn Quốc… đã ghi nhận sự tiến bộ vượt trội về năng lực của nhà thầu Việt Nam. Đơn cử như 30% công trình của Nhà thầu Hòa Bình áp dụng triệt để tiêu chuẩn BIM (tiêu chuẩn quốc tế về quản lý thông tin trong suốt vòng đời của tài sản xây dựng bằng mô hình thông tin công trình) trong khi Nhà thầu Hyundai (Hàn Quốc) là 5% - ông Hải chia sẻ.

Nhà thầu khẩn trương thi công xuyên đêm hạng mục đường lăn của máy bay, trên đại công trường Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Quốc Khánh – TTXVN

Nhà thầu khẩn trương thi công xuyên đêm hạng mục đường lăn của máy bay, trên đại công trường Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Quốc Khánh – TTXVN

Thời gian tới, Chính phủ dồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, giai đoạn 2020 - 2025 khoảng 470 nghìn tỷ đồng và năm 2030 khoảng 900 nghìn tỷ đồng với mục tiêu mở rộng không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp trong nước bứt phá.

Để tận dụng cơ hội khi dự án đường sắt tốc độ cao triển khai, các nhà thầu trong nước cần nhìn nhận, định hướng, phải đi trước, đón đầu. Ngay từ lúc này, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị về vật lực, đào tạo kỹ sư, lao động, vận hành, làm chủ các trang thiết bị xây dựng... Từ đó, tạo tiền đề cho cơ hội trở thành nhà thầu chính trong các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, là điểm cộng khi tham gia đấu thầu dự án trọng điểm lớn.

Thu Hằng/Bnews/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nha-thau-viet-chinh-phuc-nhung-dinh-cao-moi/358693.html
Zalo