Phủ Tây Hồ: Điểm đến văn hóa tín ngưỡng linh thiêng của Hà Nội

Phủ Tây Hồ không chỉ mang trong mình giá trị lịch sử truyền thống Việt, mà còn là điểm đến văn hóa tín ngưỡng linh thiêng để người dân Thủ Đô và tứ xứ về đây cầu một năm mới bình an, thuận lợi.

Phủ Tây Hồ là một trong những điểm đến mang đậm nét lịch sử-văn hóa truyền thống của người Việt. Hằng năm, vào các dịp lễ và ngày rằm, đầu tháng, người dân Hà Nội và tứ xứ đổ về đây tham quan vãn cảnh, tìm hiểu lịch sử văn hóa và đi lễ để cầu mong sự bình an, mọi sự thuận buồm xuôi gió...

 Tam quan vào cổng Phủ Tây Hồ đắp đao lửa, mái làm giả ngói ống, dưới diềm khắc 4 chữ Hán "Phong đài nguyệt các" (Đài gió gác trăng) (Nguồn: Thái Hà/Vietnam+)

Tam quan vào cổng Phủ Tây Hồ đắp đao lửa, mái làm giả ngói ống, dưới diềm khắc 4 chữ Hán "Phong đài nguyệt các" (Đài gió gác trăng) (Nguồn: Thái Hà/Vietnam+)

Về lịch sử

Đến nay, vẫn chưa thể khẳng định Phủ Tây Hồ được xây dựng thời gian nào, song có những đánh giá dự đoán Phủ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 hoặc có thể muộn hơn.

Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh - người được triều nhà Nguyễn phong là “mẫu nghi thiên hạ”, một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, và Chử Đồng Tử).

Theo Truyền thuyết, Chúa Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, vì làm vỡ ly ngọc quý mà bị đày xuống trần gian. Sau khi ngao du khắp nơi dưới hạ giới, bà bị thu hút bởi vẻ đẹp của Hồ Tây nên quyết định dừng chân tại đây, và giúp nhân dân diệt trừ yêu ma, tiêu diệt tham quan, để người dân có cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

 Phủ chính-nơi thờ tam tòa Thánh Mẫu kín người vào ngày 9/2 (tức ngày 12/1 âm lịch).(Nguồn: Thái Hà/Vietnam+)

Phủ chính-nơi thờ tam tòa Thánh Mẫu kín người vào ngày 9/2 (tức ngày 12/1 âm lịch).(Nguồn: Thái Hà/Vietnam+)

Mang trong mình những giá trị văn hóa, tâm linh, lịch sử to lớn, vào ngày 13/2/1996, Phủ Tây Hồ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa.

Hội Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ là nơi người dân đi lễ đông nhất vào các ngày mùng 1 và ngày Rằm hằng tháng. Ngày 3/3 Âm lịch là ngày giỗ Mẫu Liễu Hạnh. Người dân sẽ tổ chức lễ rước kiệu các Mẫu từ Phủ Tây Hồ qua đường Yên Phụ, Cổ Ngư sau đó ngược lại đường Quán Thánh đến đền Nghĩa Lập tại số 32 phố Hàng Đậu lấy mã rồi quay lại.

Ngày 6-7/3, tại Phủ tổ chức các cuộc thi văn nghệ, hát chầu văn ở chùa Phổ Linh thuộc thôn Tây Hồ thu hút rất nhiều người tham dự.

 Người dân Thủ Đô và du khách thập phương đổ về đi lễ Phủ Tây Hồ (Nguồn: Thái Hà/Vietnam+)

Người dân Thủ Đô và du khách thập phương đổ về đi lễ Phủ Tây Hồ (Nguồn: Thái Hà/Vietnam+)

Phủ Tây Hồ mở cửa từ 5 giờ sáng đến tầm 7 giờ tối. Vào những ngày lễ, rằm, Phủ Tây Hồ sẽ đóng cửa muộn hơn vì rất đông người tới dâng hương tại phủ, đặc biệt vào ngày 13/8 và mùng 3/3 âm lịch, ngày lễ bà chúa Liễu Hạnh.

Cũng bởi vẻ đẹp độc đáo và nguồn gốc linh thiêng đó, Phủ Tây Hồ ngày càng nổi tiếng và trở thành điểm đến thường xuyên của người dân Hà thành.

 Người dân Thủ Đô và du khách thập phương đổ về đi lễ Phủ Tây Hồ (Nguồn: Thái Hà/Vietnam+)

Người dân Thủ Đô và du khách thập phương đổ về đi lễ Phủ Tây Hồ (Nguồn: Thái Hà/Vietnam+)

Kiến trúc và không gian tâm linh tại phủ

Phủ Tây Hồ nổi bật với lối kiến trúc cổ kính, đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam, mang đến không gian linh thiêng giữa lòng Hà Nội.

Cổng tam quan của phủ mở ra một khuôn viên rộng rãi, kết nối với hồ Tây thơ mộng, tạo nên sự giao thoa giữa kiến trúc truyền thống và cảnh quan thiên nhiên. Các bức tranh đắp nổi, điêu khắc tứ linh, tứ quý cùng hình tượng long phượng tạo nên nét đẹp trang nghiêm, kỳ vĩ, khắc họa đậm chất Việt.

 Kiến trúc cổ kính, đậm nét văn hóa dân gian Việt (Nguồn: Thái Hà/Vietnam+)

Kiến trúc cổ kính, đậm nét văn hóa dân gian Việt (Nguồn: Thái Hà/Vietnam+)

Điểm nhấn trong kiến trúc của phủ là mật cung và động Sơn Trang với ba gian lớn, chất liệu bê tông giả cổ sắc nâu bền vững, thể hiện vẻ đẹp trường tồn cùng thời gian. Khu vực sân vườn phủ Tây Hồ còn được che mát bởi những cây xanh tươi tốt, nổi bật là cây si cổ thụ - một di sản của Việt Nam giúp tỏa bóng mát quanh năm.

Không gian thanh bình với làn gió từ hồ Tây thổi vào, phủ Tây Hồ không chỉ là nơi hành hương linh thiêng mà còn là chốn thư thái, giúp lòng người tìm lại sự an nhiên sau những bộn bề của cuộc sống.

 Hồ Tây nhìn từ Phủ Tây Hồ (Nguồn: Thái Hà/Vietnam+)

Hồ Tây nhìn từ Phủ Tây Hồ (Nguồn: Thái Hà/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phu-tay-ho-diem-den-van-hoa-tin-nguong-linh-thieng-cua-ha-noi-post1011500.vnp
Zalo