Phụ nữ trước làn sóng thương chiến toàn cầu
Thế giới đang rung chuyển bởi cuộc chiến thuế quan do Mỹ khởi xướng, kéo theo những căng thẳng mới trong thương mại quốc tế. Giữa những con số về tăng trưởng, chuỗi cung ứng và cán cân thương mại, ít ai chú ý đến những bàn tay lặng lẽ trên dây chuyền sản xuất giày da, may mặc, điện tử - nơi phần lớn là phụ nữ. Trong mọi cuộc khủng hoảng toàn cầu, họ thường chịu ảnh hưởng đầu tiên nhưng lại là những người cuối cùng được phục hồi.

Khoảng 75% lao động ngành dệt may ở Bangladesh là phụ nữ. Ảnh: IGC
Sóng ngầm
Thương chiến toàn cầu đang tác động mạnh mẽ đến các ngành xuất khẩu chủ lực của một số quốc gia với lực lượng lao động nữ chiếm đa số. Điển hình như ngành dệt may, giày dép, lắp ráp điện tử… vốn phụ thuộc nhiều vào đơn hàng từ các thương hiệu lớn.
Khi các quốc gia Đông Nam Á hay Nam Á - nơi những "ông lớn" thuộc lĩnh vực dệt may, da giày đặt cơ sở sản xuất tập trung - bị áp mức thuế đối ứng cao từ chính quyền Mỹ, tác động dây chuyền sẽ xảy ra, nhất là khi đơn hàng giảm hoặc bị điều chỉnh bất ngờ.
Một ví dụ điển hình là Bangladesh - nơi 75% lực lượng lao động ngành dệt may là phụ nữ. Chỉ một cú sốc như đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu lao động nữ mất việc. Thương chiến, với quy mô và tốc độ lan rộng, có thể tạo ra hiệu ứng tương tự, nếu không có sự chuẩn bị.
Phụ nữ thường là đối tượng bị cắt giảm đầu tiên trong các ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn - vốn dễ bị thay thế và tự động hóa. Không ít phụ nữ thiếu kỹ năng chuyển đổi nghề, lại gặp trở ngại trong tiếp cận thông tin đào tạo và cơ hội việc làm mới.
Đáng nói hơn, phần lớn lao động nữ trong ngành chế biến xuất khẩu thuộc khu vực phi chính thức - hợp đồng ngắn hạn, điều kiện lao động thiếu ổn định, không có bảo hiểm hay tổ chức Công đoàn đại diện…
Điều này khiến lao động nữ khu vực này trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương khi khủng hoảng kinh tế xảy ra.

Khoảng 75% lao động ngành dệt may ở Bangladesh là phụ nữ Ảnh: IGC
Những hệ lụy không dừng lại ở mất việc hay giảm thu nhập mà cả hệ an sinh đi theo người phụ nữ đó cũng chao đảo. Giáo dục con cái bị gián đoạn, việc chăm sóc y tế bị cắt giảm và gánh nặng tâm lý kéo dài. Những điều này sẽ làm tăng nguy cơ đứt gãy an sinh ở hộ gia đình và cộng đồng.
Ảnh hưởng đến doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Không chỉ lao động nữ, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khi thương chiến toàn cầu "leo thang".
Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất gia công, có chi phí khởi nghiệp thấp, nhưng khả năng chống chịu rủi ro rất hạn chế. Họ thiếu đội ngũ chuyên gia để phân tích, dự báo thị trường; thiếu khả năng tiếp cận thông tin chính sách, tín dụng, đặc biệt là thiếu mạng lưới hỗ trợ.
Dữ liệu quốc tế cho thấy, doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu có xu hướng tăng trưởng doanh thu chậm hơn, ít tham gia xuất khẩu và gặp nhiều rào cản hơn trong tiếp cận tài chính. Khi cạnh tranh toàn cầu gia tăng, yêu cầu về chuyển đổi số, nâng cấp công nghệ càng khiến các doanh nghiệp quy mô nhỏ dễ bị bỏ lại phía sau.

Các chủ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Campuchia Ảnh: She Investments
Trong khủng hoảng, nếu không có chiến lược hỗ trợ cụ thể, nhóm doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ dễ bị "chìm" - không phải vì năng lực yếu kém, mà vì thiếu điều kiện tiếp cận công bằng với các nguồn lực phát triển dẫn đến sức chống chọi trước biến động của thị trường kém hơn.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Thương mại toàn cầu không phải là một "sân chơi" trung tính. Khi thương chiến xảy ra, những người ở vị trí dễ tổn thương - đặc biệt là phụ nữ - cần được lắng nghe và hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, việc thiếu dữ liệu phân tách theo giới trong lĩnh vực thương mại và lao động đã khiến các nhà hoạch định chính sách không có đủ cơ sở để điều chỉnh kịp thời.
Do vậy, cần một cách tiếp cận toàn diện và quan tâm đến góc nhìn giới trong hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô. Từ việc giảm thiểu tác động của hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm do phụ nữ sản xuất, đến việc tăng khả năng tiếp cận tài chính, công nghệ số, giáo dục - đào tạo cho nữ doanh nhân và lao động nữ.
Các chương trình điều chỉnh thị trường lao động cũng cần nhạy cảm giới, nhằm giúp phụ nữ chuyển đổi nghề, nâng cao kỹ năng và phát triển trong bối cảnh mới. Điều quan trọng hơn cả, cần có sự tham gia thực chất của phụ nữ trong quá trình ra quyết định - từ chính sách thương mại đến hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo và an sinh xã hội.
Khi thế giới bước vào những chu kỳ biến động mới, việc đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau - đặc biệt là phụ nữ - không chỉ là yêu cầu về công bằng, mà còn là nền tảng cho sự phục hồi và phát triển bền vững.
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới, với mức thuế cơ bản 10% và mức thuế đối ứng cao áp lên hơn 60 quốc gia. Trong đó, mức thuế đối ứng dành cho Việt Nam là 46%, cao thứ hai chỉ sau Campuchia (49%).
Thống kê cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 120 tỷ USD, trong đó dệt may chiếm 13,5%. Nếu chính sách thuế đối ứng được thi hành sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử - vốn sử dụng nhiều lao động nữ.
Ngay sau khi chính quyền Mỹ công bố mức thuế đối ứng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài.