Dòng tiền nội thận trọng giữa kỳ vọng hồi phục
Trong phiên giao dịch ngày 17/4/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều diễn biến trái chiều khi VN-Index phục hồi tích cực trở lại vào cuối phiên, chủ yếu nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechips). Tuy nhiên, điểm trừ rõ rệt lại đến từ lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại và đặc biệt là nhóm tự doanh công ty chứng khoán (CTCK). Đây là yếu tố đang đặt ra dấu hỏi lớn về động lực hồi phục bền vững của thị trường.
Trái ngược với trạng thái thận trọng và lình xình đầu phiên, thị trường đảo chiều tích cực về cuối ngày, khi các cổ phiếu trụ cột tăng giá mạnh, kéo VN-Index vượt ngưỡng tham chiếu và đóng cửa tại đỉnh trong ngày tăng 6,95 điểm, đạt 1.217,25 điểm. Riêng chỉ số VN30 cũng ghi nhận mức tăng gần 10 điểm, lên 1.303,03 điểm với 18 mã tăng giá, trong đó có nhiều mã tăng trên 2% như: VIC, VHM, LPB, GEX, DIG hay HVN.

Cổ phiếu Vingroup đã tăng gần 70% trong khoảng hơn một tháng qua
Trong đó, cặp VIC - VHM đã có màn ngược dòng ngoạn mục. Tại thời điểm 14h15, VHM giảm tới 2,3% nhưng đến cuối phiên lại quay đầu tăng 0,53%. VIC thậm chí bứt phá mạnh, kết phiên tăng 4,57%. FPT, LPB, MSN cũng lần lượt tăng ấn tượng 1,39%, 2,91%, và 2,68%.
Chuyên gia phân tích Lê Hữu Nghĩa - Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt cho rằng: “Phiên đảo chiều mạnh vào cuối ngày cho thấy thị trường vẫn có điểm tựa từ nhóm trụ, đặc biệt trong phiên đáo hạn phái sinh. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là thanh khoản không gia tăng tương ứng với giá, phản ánh phần nào sự dè dặt của dòng tiền nội”.
Thanh khoản toàn thị trường trong phiên 17/4 tuy tăng nhẹ 10,99% về giá trị nhưng khối lượng lại giảm 0,24% so với phiên liền trước. Tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 21.614 tỷ đồng, nhưng phần lớn lực mua đến từ nỗ lực kéo trụ hơn là dòng tiền lan tỏa.
Đáng chú ý, trong khi mặt bằng giá được cải thiện rõ rệt với 261 mã tăng/174 mã giảm (so với 156 mã tăng/285 mã giảm ở đáy 14h15), thì khối lượng giao dịch vẫn thấp hơn 25,3% so với bình quân 20 phiên. Tình trạng này cho thấy sự nghi ngại từ nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ mới và áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn tiềm ẩn.
Một điểm đáng chú ý khác là động thái bán ròng khá quyết liệt từ nhóm tự doanh CTCK – nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp vốn thường có vai trò "điều tiết" dòng tiền trên thị trường. Tổng giá trị bán ròng trong phiên đạt 186 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu lớn như: FPT: Bị bán ròng mạnh nhất với 79 tỷ đồng - dù cổ phiếu này ghi nhận mức tăng tốt 1,39%. STB và E1VFVN30: Bị bán ròng lần lượt 48 tỷ và 37 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các mã khác như KOS, GEX, PNJ, VIB cũng bị tự doanh thoái vốn.
Ở chiều ngược lại, tự doanh CTCK chỉ mua ròng khiêm tốn tại HPG (32 tỷ), FUEVFVND (12 tỷ) cùng một số mã như VIC, MBB, VHM. Trên HNX và UPCoM, giao dịch của tự doanh khá hạn chế, với tổng giá trị mua ròng dưới 1 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Huy Phương - Trưởng phòng cao cấp Trung tâm phân tích, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): “Việc tự doanh bán ròng mạnh ở các cổ phiếu đang có dấu hiệu phục hồi là điều bất thường. Có thể đây là hoạt động cơ cấu danh mục định kỳ hoặc phản ánh quan điểm thận trọng với đợt hồi phục hiện tại. Nếu xu hướng này kéo dài, thị trường sẽ thiếu đi một lực đỡ kỹ thuật quan trọng.”
Bên cạnh tự doanh, khối ngoại tiếp tục là "tâm điểm tiêu cực" khi bán ròng tổng cộng 4.585 tỷ đồng - mức cao nhất trong nhiều tuần trở lại đây. Trong đó, VIC bị xả ròng đột biến tới 4.446 tỷ đồng qua thỏa thuận. Các cổ phiếu khác cũng chịu áp lực lớn như VNM (-120 tỷ), HPG (-98 tỷ), STB (-85 tỷ)...
Ở chiều mua, cổ phiếu FPT là tâm điểm với giá trị mua ròng 117 tỷ đồng - dù bị tự doanh bán ra. Ngoài ra, VCI, MWG, VHM và HVN cũng thu hút lực mua ngoại ở mức khá.
Tình trạng "vênh" trong hành vi của khối ngoại và tự doanh với phần còn lại của thị trường khiến bức tranh dòng tiền trở nên khó đoán hơn. Một mặt, lực kéo trụ cuối phiên thể hiện kỳ vọng hồi phục; mặt khác, lực xả từ nhà đầu tư tổ chức lại phản ánh sự dè dặt và chưa xác tín xu hướng tăng mới.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index hiện vẫn giữ được vùng hỗ trợ quan trọng 1.200 điểm. Chỉ báo MACD đang dần thu hẹp khoảng cách với đường tín hiệu, cho thấy khả năng xuất hiện tín hiệu mua trở lại nếu thị trường giữ được đà tích cực trong vài phiên tới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Hàn Hữu Hậu Công ty cổ phần Chứng khoán PVS: “Thị trường vẫn tiềm ẩn yếu tố rủi ro khi dòng tiền chưa quay lại rõ nét, đặc biệt là từ khối ngoại và tự doanh. VN-Index cần một phiên bứt phá về cả điểm số lẫn thanh khoản để xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn”.
Dù thị trường ghi nhận phiên hồi phục ấn tượng nhờ lực kéo từ nhóm bluechips, dòng tiền tổ chức mà cụ thể là tự doanh CTCK và khối ngoại - vẫn giữ thế bán ròng mạnh mẽ. Đây là yếu tố cản trở đà phục hồi bền vững của chỉ số trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư nên quan sát sát sao diễn biến thanh khoản, dòng tiền nội và hành động tiếp theo từ nhóm cổ phiếu trụ cột. Việc VN-Index giữ vững mốc 1.200 điểm và MACD xác nhận tín hiệu mua sẽ là cơ sở quan trọng để xác lập xu hướng mới trong thời gian tới.