Trang Thế Hy: Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn

Dẫu Trang Thế Hy không đi hết 'trăm năm trong cõi người ta' nhưng đối với một nhà văn khuất núi đã 9 năm mà tác phẩm còn được trân trọng in, đọc và tiếp tục tìm cho mình lớp độc giả mới, hẳn những con chữ của nhà văn Nam bộ đã vượt qua quãng ngắn ngủi 'mua vui cũng được một vài trống canh'.

Xin bắt đầu bài viết này bằng việc nhắc lại tên một truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn. Truyện ngắn này cũng là truyện cuối cùng được in trong Tuyển tập truyện ngắn Trang Thế Hydo NXB Trẻ vừa ấn hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn.

Văn hào Nga Chekhov từng tin người ta chỉ còn đọc truyện ngắn của ông trong vòng vài năm sau khi ông qua đời. Thì việc một tác giả vẫn có sách tái bản sau khi mất là một lời đánh giá: ít nhất, trên trang viết này, họ đã chiến thắng được thời gian, chiến thắng cái chết, đem một điều thường bị số đông công chúng đánh giá là hư vô, phù phiếm trở thành thứ có đời sống riêng dài lâu, bất tử trong cõi hữu hạn và hữu tử.

Nhắc đến Chekhov ở đây không có ý so sánh hai nhà văn của hai đất nước thuộc về hai thời đại khác nhau mà chỉ muốn nhấn mạnh cũng như Chekhov, nhà văn Trang Thế Hy được độc giả biết đến nhiều nhờ truyện ngắn. Dù trong “lời tự bạch” ông có nói sự nghiệp của mình “chưa đầy hai mươi bài thơ, khoảng trên dưới nửa trăm truyện ngắn, chừng bốn hay năm tiểu thuyết, truyện vừa in nhiều kỳ trên nhật báo, tạp chí tại Sài Gòn trước 1975”.

Nhà văn Trang Thế Hy bên chân dung của ông, được vẽ bởi họa sĩ Nguyễn Trung. Ảnh: CRN

Nhà văn Trang Thế Hy bên chân dung của ông, được vẽ bởi họa sĩ Nguyễn Trung. Ảnh: CRN

“Bảng kiểm kê” tác phẩm này được ông lập năm 2011, in vào phần “Thay lời nói đầu” cho tập Vết thương thứ 13 cũng do NXB Trẻ ấn hành. Đây là nơi đã ký hợp đồng sử dụng trọn đời tác phẩm của nhà văn Trang Thế Hy, ký ngày 20.7.2014. Một năm sau (2015) Trang Thế Hy qua đời, an tâm rằng tác phẩm của mình đã tìm được nơi chăm sóc kỹ càng cả sau khi mình không còn tại thế. Như một người già từ khi còn rất trẻ, ông biết mọi thứ sẽ trôi qua, như năm tháng trôi qua, và tất cả những gì mình viết ra rồi cũng chỉ là một khoảnh khắc giành được từ bàn tay lạnh lùng của thời gian.

Đã có lúc, hình như ông xác quyết văn chương mình được sinh ra để phụng sự cái đẹp nên đã gửi gắm vào bút danh Văn Phụng Mỹ và có thể là cả bút danh Vũ Ái Văn - người họ Võ yêu văn chương (?).

Trang Thế Hy tiếp nối mạch “văn dĩ tải đạo” của các văn nhân Việt Nam thời trước, cái mạch của cụ Đồ mù Nguyễn Đình Chiểu cài vào câu “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” với những con người bình thường của miền sông nước, chân thật, trượng nghĩa, dẫu cho thời thế Trang Thế Hy đặt họ vào là cuộc chiến tranh kháng Pháp (và sau này là kháng Mỹ). Như nhân vật anh Thơm trong truyện Anh Thơm râu rồng hay chị Ba Hường của Nợ nước mắt. Họ đôn hậu, can trường và nhẫn nhục chịu đựng. Nhưng không phải vì thế mà họ không có tâm hồn sâu sắc, thấu tỏ lẽ đời. Nhưng họ biết hòa tan cái “lọc lõi” ấy đi vì ý thức được mình là một phần của điều gì đó chừng như đại mệnh, như thời cuộc. Họ sống chết cho một cái tốt đẹp chung nhất để rồi khi mọi chuyện đã qua, họ biết quên đi, biết rằng cuộc đời này vẫn tiếp tục trôi và họ phải tiếp tục sống.

Những nhân vật của Trang Thế Hy làm chúng ta nhớ đến mấy câu thơ của Lưu Quang Vũ trong bài Người cùng tôi:

Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô, người cùng Quang Trung đi đánh giặc
Quang Trung ngồi trên bành voi, người cầm giáo xông lên phía trước
Quang Trung lên làm vua, người về nhà cày ruộng
Bị lão trương tuần quát nạt cũng run

Họ là những người thường được Trang Thế Hy chọn để phát ngôn cho lý tưởng, cho lẽ sống và thường là những nhân vật nữ.

Các nhân vật nữ trong truyện Trang Thế Hy mạnh mẽ, bao dung và sắc sảo một cách dịu hiền. Nhưng chính sự dịu dàng đó còn mạnh mẽ gấp nhiều lần những lời đao to búa lớn nhân danh đủ thứ chuyện trên đời.

Tôi xin mạo muội và trân trọng cầu mong rằng nồi cháo đầu heo mới nấu bằng đầu heo cũ đã luộc rồi của ông đầu bếp già “lão lai tài tận”này được đón tiếp bằng một nhận xét bao dung: “Còn ăn được” (trích lời tựa của Trang Thế Hy cho tập truyện Vết thương thứ 13)

“Giận anh chớ giận ai! Anh đặt cái chuyện cô y tá viết giùm cái thơ báo tử giả cho anh chiến thương gởi về quê nhà xí gạt người vợ chưa cưới kỳ cục quá” (Tuyển tập Trang Thế Hy) - Cái giận của chị Ba Hường khi đọc bản thảo của người kể chuyện là cái giận mà thiết nghĩ tác giả nào cũng muốn nhận. Bởi độc giả không chỉ tiếp nhận tác phẩm suông mà có sự phản hồi và nhiều khi còn có những “đặt hàng” cho chính tác giả.

Trong các truyện của Trang Thế Hy, các nhân vật tương tác với nhau rất chặt, họ đối thoại nhiều và trực diện đến mức có cảm giác nhân vật đang nói kia nhìn người đọc qua trang giấy. Như chị bán thuốc lá trong truyện Tiếng khóc và tiếng hát: “Lúc nghèo khổ, hễ mở miệng ra là binh vực người nghèo khổ, tới khi ngồi nhà hàng, uống rượu Tây, đi xe hơi, nghĩa là khi đã chen lấn, bươi quào thoát ra khỏi cái kiếp nghèo rồi thì những người nghèo khổ không còn có mặt trong cuộc đời nầy nữa. Hóa ra cái khối người nghèo khổ trước kia đâu lưng lại làm diễn đàn để họ đứng lên đó mà kêu ca rên xiết cho cái thân phận riêng của chính họ mà thôi”.

Đây là truyện không có trong tuyển tập in lần này. Người viết bài có cơ duyên đọc từ trước, cách đây chắc cũng phải 5-6 năm khi được đặt hàng cho một mục tạm gọi là đọc lại tác phẩm cũ. Lúc đó, người viết bài đã viết gì, kỳ thực không còn nhớ rõ, bài viết đó đã đăng, tới nay cũng chưa tìm lại được. Lần theo trí nhớ, chỉ ấn tượng mấy lời của chị bán thuốc lá, về cuộc đời, về phận người, và cả về trách nhiệm, nghĩa vụ của người viết: “Nhưng họ không nói. Tiếng la ớ ớ của một cô gái điếm câm dẫu sao cũng là những âm thanh để cậu nghe mà phân biệt cô khóc hay cô hát. Một người nghèo khổ biết nói mà làm thinh không nói đưa cho cậu mảnh giấy ghi câu đố: “Đố ông thầy tuồng biết trong bụng tôi đang khóc hay đang hát?”. Đó mới là chuyện hiểm hóc… Cậu em à, hôm nọ em nói rằng nghề viết tuồng của em là một nghề bạc bẽo. Chị biết em không nói thật lòng đâu mà em nói lẫy. Bây giờ chị nói thật lòng với em đây: nếu như em thật sự yêu nghề… thì em phải lắng nghe cho được ngôn ngữ lặng thầm của người đau khổ biết nói mà làm thinh không nói”.

Tuyển tập được NXB Trẻ phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Trang Thế Hy. Ảnh: CTV

Tuyển tập được NXB Trẻ phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Trang Thế Hy. Ảnh: CTV

Truyện này Trang Thế Hy viết năm 1990, chỉ ít năm sau ông rời thành phố về quê nhà Bến Tre và hầu như không viết gì nữa, mà nói như ông là “đi chỗ khác chơi”.

Trang Thế Hy là nhà văn rất hay nói về nghề viết, quan niệm viết thông qua phát ngôn của các nhân vật trong truyện. Cái cụm “đi chỗ khác chơi” đó cũng là lời một nhân vật trong truyện Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn của ông: “Khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để những người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo, nhớ chưa?” (sách đã dẫn)

Và Trang Thế Hy đã sống đúng với những gì mình viết, chân thật, chân xác, không “bẹo hình bẹo dạng” như lời của chú Tư Chơi trong truyện. Không rõ vì sao tôi thấy Trang Thế Hy trong bóng hình chú Tư Chơi. Sinh thời, nhà văn được bạn bè đồng nghiệp hậu bối trìu mến gọi là chú Tư Sâm.

Chú Tư Sâm đã bước vào trăm năm, nếu chỉ là “cái khối nát vụn chẳng còn chút hình thù gì rõ nét của một vì sao rụng” (sách đã dẫn) thì vẫn để lại cho đời chút lấp lánh của những con chữ chắt lọc từ “đắng và ngọt”(*) của cuộc đời.

Trang Thế Hy tên khai sinh là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29.10.1924 tại Châu Thành, Bến Tre. Ông còn có các bút danh Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái Văn, Minh Phẩm...

Trang Thế Hy được xem là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu của văn chương Nam bộ nửa sau thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Gần 50 năm cầm bút, ông từng nhận các giải thưởng: Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam (1960-1965) cho truyện ngắn Anh Thơm râu rồng; tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát; tặng thưởng loại A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2001 cho tập truyện Nợ nước mắt. Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận xét Trang Thế Hy là “một người hiền của văn chương Nam bộ”.

Ông qua đời ngày 8.12.2015 tại nhà riêng ở cố hương Bến Tre.

Huỳnh Trọng Khang

_________________

(*) Tên tập thơ xuất bản năm 2014 của Trang Thế Hy

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/trang-the-hy-chut-hao-quang-tu-manh-vo-cua-mot-ngoi-sao-buon-46271.html
Zalo