Phụ nữ Chăm An Giang bằng tất cả tâm huyết giữ nghề truyền thống
Khi nhắc đến người Chăm An Giang, không khó để liên tưởng ngay đến hình ảnh những phụ nữ thoăn thoắt bên khung dệt thổ cẩm hay khéo tay với từng đường nét thêu thùa trên chiếc khăn Matơra truyền thống.
Trong quá trình hội nhập và phát triển, đồng bào Chăm vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình, trong đó có nghề truyền thống và các làng nghề truyền thống hiện vẫn đang tồn tại và phát triển.
Từ năm 14 tuổi, chị Phatymah (ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) đã được mẹ truyền nghề thêu truyền thống của dân tộc mình. Suốt hơn 40 năm gắn bó với nghề, qua thăng trầm của năm tháng, chị vẫn miệt mài chỉ dạy cho những người con, cháu trong gia đình, ở xóm để cùng nhau gìn giữ nét đẹp bao đời nay.
Chị Phatymah chia sẻ: “Hầu như, cô gái Chăm nào khi lớn lên, cũng đều được người bà, người mẹ truyền lại nghề thêu, dệt, làm bánh. Đó là những tiêu chí đánh giá sự khéo tay, giỏi giang của người phụ nữ khi đến tuổi dựng vợ, gả chồng…”.
Không còn chạy hàng như trước, nhưng các sản phẩm thêu của phụ nữ Chăm ở Châu Phong vẫn được nhiều người trong và ngoài nước lựa chọn. Có lẽ, nó không đa dạng mẫu mã, màu sắc nhưng người ta yêu thích vì tất cả các họa tiết, dù nhỏ nhất cũng được làm bằng tay. Người thợ phải đếm từng sợi chỉ của chiếc khăn, sau đó sẽ đi những nét đứng, nét xiên đều nhau. Choàng trên đầu chiếc khăn mas-pok màu trắng, điểm một vài họa tiết đơn giản, nhưng khi phối cùng trang phục lại giúp người phụ nữ Chăm thêm phần sang trọng, xinh đẹp khi đi tiệc cưới, lễ hội. Hiện nay, vì là loại hàng cao cấp, nên chiếc khăn mas-pok chủ yếu để xuất khẩu, tùy theo tay nghề của từng người mà từ 10 – 15 ngày mới hoàn thành. Đó là do phải trải qua nhiều công đoạn, từ thêu chân khăn, họa tiết và công phu nhất là đường viền.
“Bây giờ chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, nên các họa tiết trên khăn đều có sẵn mẫu. Nhìn nhiều đường nét, nhưng với người trong nghề, chỉ cần nhìn sơ qua là nhớ ngay. Trước đây, chỉ cần nói ý thích chiếc khăn như thế nào, người thợ sẽ chế tác, sáng tạo thêm đường nét, hoa văn để tạo ra một chiếc khăn thật đẹp…”, chị Phatymah nói.
Còn chị Saphynah (con gái út của nghệ nhân Mohamad – Chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Mohamad) ở ấp Phủm Soài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), sau nhiều năm đi du học và làm việc ở nước ngoài, quyết định quay về quê hương, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống cùng gia đình.
Chị Saphynah cho biết: “Lúc trước, để làm ra một sản phẩm ba mẹ rất cực, vì hoàn toàn bằng thủ công, nhưng thu nhập rất ít, bấp bênh, khó tiêu thụ, nên mình hoàn toàn không muốn theo nghề này. Tuy nhiên, sau những lần về thăm nhà, được gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu những sản phẩm truyền thống cho bạn bè, du khách trong và ngoài nước đã khiến tôi có suy nghĩ khác. Từ đây, tinh thần trách nhiệm tiếp nối nghề của ông cha, góp công sức cùng với cộng đồng gìn giữ nghề truyền thống đã không ngừng thôi thúc tôi”.
Hiện tại, chị và gia đình bố trí khung dệt ngay tại cơ sở, sẵn sàng trình diễn cho du khách tham quan các công đoạn hoàn thành một sản phẩm khăn rằn, thổ cẩm. Số còn lại được đặt ở nhà người dân để gia công. Vì là sản phẩm thủ công, nên mỗi tháng chị chỉ xuất bán được vài trăm đến 1.000 sản phẩm, thu nhập trừ chi phí cũng không còn là bao. Tuy nhiên, chị Saphynah vẫn quyết tâm với nghề, bởi du khách và đặc biệt là khách nước ngoài rất trân quý những sản phẩm được làm thủ công của gia đình và bà con trong làng nghề.
Cũng như chị Saphynah, cô gái Chăm Hứa Thị Rokya ở ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) con của ông Hứa Hoàng Vũ (tiếng Chăm là Salếch) – chủ cơ sở Tung lò mò ANAS, sau khi tốt nghiệp đại học và có cuộc sống ổn định ở TP. Hồ Chí Minh cũng trở về quê khởi nghiệp với nghề truyền thống của gia đình. Từ những ngày thơ ấu, Rokya đã được theo cha đến các hội chợ bán Tung lò mò (Lạp xưởng bò), một sản phẩm vốn nổi tiếng xưa nay trong cộng đồng người Chăm Islam ở An Giang, khiến nhiều thực khách phương xa tìm đến, mong một lần nếu thử hương vị đặc trưng của món ăn này.
Nghĩ đây là sản phẩm tiềm năng, lại được nhiều người ưa chuộng, chị quyết tâm ngược xuôi từ Nam ra Bắc, từ trong nước ra các nước Đông Nam Á. Miễn có cơ hội quảng bá sản phẩm là chị không ngần ngại tham gia. Để vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa giữ được chất lượng sản phẩm truyền thống, chị đã tìm tòi nghiên cứu đầu tư máy móc để tăng sản lượng, đồng thời hoàn thiện các công đoạn cho ra sản phẩm gần như nguyên bản với sản phẩm truyền thống.
Nhờ vậy, mỗi tháng trung bình cơ sở gia đình cho ra lò 1.000 đến 1.200kg thành phẩm. Ngoài ra, để nâng cao giá trị sản phẩm và quảng bá văn hóa Chăm đến với nhiều người hơn, chị đã mạnh dạn kết nối các tour tuyến du lịch tham quan trải nghiệm văn hóa ẩm thực Chăm tại cơ sở.
"Mình đang cho ra thị trường một số sản phẩm mới để làm phong phú các món ăn, để người Hồi giáo Islam có thêm nhiều lựa chọn. Đi nhiều nơi, nhưng mình rất say mê với ẩm thực của dân tộc mình. Nó thôi thúc mình phải nghiên cứu, học hỏi để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc, lan tỏa được nét văn hóa đặc sắc của người Chăm đến mọi người”, chị Rokya chia sẻ.
Tin rằng, bằng tất cả tâm huyết và tình yêu mà các chị Phatymah, Saphynah, Rokya... dành cho truyền thống văn hóa dân tộc sẽ là câu chuyện truyền cảm hứng đến đồng bào Chăm, nhất là giới trẻ. Qua đó, mỗi cá nhân sẽ góp phần giữ gìn và xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp hơn.