Loài chuyên phá hoại mùa màng thành đặc sản đắt đỏ, nhiều người chi tiền triệu mua ăn
Với giá từ 180-210 nghìn đồng/kg, giá loài vật này còn cao hơn cả thịt lợn. Không những thế, ở Hà Nội muốn ăn phải đặt trước cả tuần mới có.
Hơn 5 giờ sáng, khi trời còn tối mịt, chị Khuyên, trú tại Thanh Liêm (Hà Nam) bắt đầu mở cửa hàng, mang cân và lồng để trước cửa để thu mua chuột đồng của người dân xung quanh đi bắt.
Chị Khuyên cho biết, thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, khi những cánh đồng lúa, ngô, khoai, sắn được thu hoạch hết cũng là mùa chuột đồng ngon nhất và béo nhất trong năm.
Từ loài vật phá hoại mùa màng, chuột đồng bỗng thành đặc sản, ngoài việc săn bắt về làm mồi nhậu, nhiều người còn kiếm được cả triệu đồng nhờ bắt chuột đồng đem bán vào thời gian này.
Người dân tại các vùng quê nô nức đi bắt chuột về làm mồi nhậu hoặc bán.
“Có nhiều cách bắt chuột lắm. Người thì đặt bẫy, người thì đào hang, người thì chăng lưới săn nhưng đặt bẫy vẫn là khỏe nhất. Có nhà, hôm nào 4-5 anh em cũng đi bắt từ chiều tối. Hôm nào may, đến sáng được cả 40-50kg, không may thì cũng được 20-25kg. Cứ trung bình mỗi cân từ 70-80 nghìn đồng/kg, mỗi người cũng đút túi một khoản không nhỏ”, chị Khuyên nói.
Theo chị Khuyên, chuột đồng chị cân được bao nhiêu hầu như bán hết bấy nhiêu, đa phần gửi đi các quán nhậu ở Hà Nội. Chuột mua về, chị phải thuê thêm 3-4 người làm sạch, thui vàng, mổ bỏ nội tạng, chân, hạch rồi bán lẻ với giá từ 180-210 nghìn đồng/kg. Bán sỉ tùy số lượng mà giá thành khác nhau. Có người không buôn bán gì cũng mua cả chục cân về ăn dần.
Chuột đồng con nào con nấy béo núc ních, thui rơm vàng ươm, hấp dẫn thực khách.
“Mùa chuột đồng chỉ kéo dài 2 tháng, lại là lúc nông nhàn nên cứ tối đến mọi người kéo nhau đi săn chuột đồng vui lắm. Muốn bắt được nhiều chuột nhất thì phải đi vào chiều tối và ra về vào lúc tờ mờ sáng, vì đây là thời điểm chuột ra khỏi hang kiếm ăn. Nhìn những chiếc hang có chi chít dấu chân là trong đó có chuột, đặt xong cái bẫy cuối cùng thế nào cái bẫy đầu tiên cũng dính”, chị Khuyên cho hay.
Chỉ vào bao chuột đồng nặng hàng yến, anh Vũ Văn Thế cho biết, vào vụ mùa, anh thường đi khắp các cánh đồng, theo chân máy gặt để bắt chuột. Lúc đó, lúa chưa gặt hết, chuột nằm trong ruộng nhiều, đêm lại mang bẫy đi đặt. Có ngày mấy anh em nhà anh bắt được cả tạ chuột.
Vào những ngày cao điểm, mỗi người có thể bắt được hàng chục cân chuột đồng mỗi tối, thu về gần triệu đồng.
“Bây giờ lúa ngô thu hoạch hết rồi nên tôi chỉ đi bắt từ 6 giờ chiều đến 1-2 giờ sáng, ngoài đặt bẫy ra thì thấy con nào chạy ra liền dùng vợt ụp. Nhiều người đi vào ban ngày thì tốn sức hơn vì chuột ở trong hang, phải dùng khói hoặc nước đổ ngập hang cho chuột chạy ra rồi bắt. Không thì phải dùng cuốc để đào hang. Hang nào ít thì 3-4 con, hang nào nhiều thì 20-30 con một hang cũng có”, anh Thế nói.
Theo anh Thế, chuột là loài sinh đẻ rất nhanh và rất khôn, mỗi hang chúng thường đào rất nhiều cửa. Vì vậy, đầu tiên, muốn bắt chuột phải dùng rơm, rạ tạo thành bùi nhùi rồi đốt thành khói, quạt mạnh về phía cửa hang. Thấy khói bay ra chỗ nào thì lấy bùn hoặc đất lấp lại, chỉ để lại 1 cửa duy nhất để khi chuột chạy ra thì dùng vợt bắt lấy.
Chuột đồng có thể chế biến được nhiều món ngon như nướng, chiên, rán, giả cầy...
“Bây giờ chuột đồng vào cuối mùa nên hiếm hơn, giá họ cân cũng cao hơn giữa vụ. Trung bình mỗi ngày chỉ bắt được tầm chục cân, ít bữa nữa thì 2-3 cân một ngày cũng khó. Khi đó thì mình lại không đi bắt nữa mà làm việc khác”, anh Thế chia sẻ.
Coi thịt chuột là món “mỹ vị nhà quê”, là đặc sản của quê lúa Thái Bình nhà mình, anh Phan Hồng Sơn, trú tại Hà Nội cho biết, năm nào anh cũng phải đặt mua vài cân chuột đồng về cất tủ lạnh ăn dần.
Món chuột đồng nướng nồi chiên không dầu khá ngon và bắt mắt do anh Sơn chế biến. (Ảnh: Phan Hồng Sơn).
Chuột đồng nướng thơm ngon, ăn kèm lá chanh thái mỏng, uống cùng bia hơi lạnh được anh Sơn coi là mỹ vị nhà quê. (Ảnh: Phan Hồng Sơn).
“Chuột đồng được bắt từ những thửa ruộng lúa nếp cuối cùng, tích lũy đầy đủ chất béo, được sơ chế làm sạch và thui rơm vàng óng rồi mang ướp với hành, tỏi, sả, dầu hào, bột canh, hạt nêm, đường, tiêu, nước mắm và sa tế trong 30 phút rồi nướng bằng nồi chiên không dầu.
Nướng chín sẽ cắt mỗi con làm 6 miếng, rắc thêm lá chanh thái chỉ và chấm với muối tiêu chanh. Thịt chuột đồng nướng mềm, thơm, béo ngậy, thêm ngụm bia lạnh nữa đúng là sơn hào hải vị không bằng mỹ vị nhà quê”, anh Sơn cười nói.