Phụ nữ Bắc Kạn phát huy vai trò trong phát triển kinh tế gia đình
Phụ nữ Bắc Kạn ngày càng khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế gia đình thông qua nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Từ tận dụng đất vườn để chăn nuôi, trồng trọt đến mạnh dạn thành lập hợp tác xã, nhiều chị em đã chủ động vươn lên làm kinh tế, tạo việc làm cho người thân, góp phần cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Mô hình chăn nuôi gà của chị Hà Thị Bưởi, thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn).
Tận dụng diện tích đất vườn rộng, chị Hà Thị Bưởi, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn đã mạnh dạn xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gà siêu đẻ trứng và gà thịt thương phẩm, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình và nâng cao thu nhập. Sau khi tìm hiểu kỹ thị trường và tự học hỏi kỹ thuật chị mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống gà Ai Cập siêu đẻ kết hợp với giống gà ta địa phương về nuôi.
Hiện nay, trang trại của gia đình chị duy trì quy mô khoảng 500 con gà thịt và gà đẻ trứng, thời điểm cao nhất từng lên đến 1.500 con. Mỗi năm, chị xuất bán hai lứa gà thịt với tổng số khoảng 1.000 con. Riêng gà đẻ trứng, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn 1.500 quả trứng sạch, được khách hàng trong và ngoài xã tin tưởng đặt mua thường xuyên.
Chị Hà Thị Bưởi cho biết: “Những lúc cao điểm, các thành viên trong gia đình đều tham gia phụ giúp từ việc chăm sóc gà, dọn chuồng trại đến thu gom trứng và đóng gói sản phẩm. Ai cũng có việc làm, cùng nhau chung sức phát triển kinh tế”.
Trong chuyến công tác tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, chúng tôi có dịp ghé thăm Hợp tác xã (HTX) Quý Hợp - một trong những mô hình tiêu biểu do phụ nữ làm chủ, đang phát huy hiệu quả rõ nét trong phát triển kinh tế nông nghiệp và tạo sinh kế ổn định cho nhiều hộ dân địa phương.
HTX được thành lập ngày 25/10/2022, hiện có 15 thành viên chính thức, hoạt động kinh doanh tập trung vào sản xuất các loại nấm như nấm sò tươi, nấm hương và mộc nhĩ khô. Hệ thống 3 nhà xưởng, một lò hấp bịch nấm công suất 2,5 tấn cùng với máy móc được đầu tư đã giúp cho quy trình sản phẩm nấm của HTX ngày càng hiệu quả, chất lượng và an toàn, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng sử dụng. HTX Quý Hợp trở thành điểm sáng về tạo việc làm tại chỗ ổn định, tăng thu nhập cho thành viên và các hộ dân liên kết. Tính đến cuối năm 2024, đã có 06 hộ dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất với HTX đã thoát nghèo bền vững.

Mô hình trồng nấm của HTX Quý Hợp, xã Đôn Phong (Bạch Thông) tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ.
Theo bà Tô Thị Mai Hồng, Giám đốc HTX Quý Hợp, hiện nay HTX đang phối hợp với các hộ dân trong xã để chuyển giao kỹ thuật, mở rộng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. HTX sẽ bao tiêu toàn bộ đầu ra và tiếp tục đầu tư chế biến sâu nhằm nâng tầm sản phẩm, hướng tới đạt OCOP 3 sao trở lên, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ và người dân địa phương.
Đồng hành cùng hội viên phụ nữ trong phát triển kinh tế, năm 2024 Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 52 lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm, cây dược liệu, lúa nếp Tài, chè, đào, lê…, cho 1.341 hội viên và người dân; mở 33 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 1.325 lượt hội viên phụ nữ. Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật, các cấp Hội còn duy trì và quản lý tốt các nguồn vốn vay ưu đãi, triển khai các mô hình thiết thực như “Ngân hàng bò”, “Lục lạc vàng”… hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có thể thấy, với sự năng động, sáng tạo của bản thân và sự đồng hành kịp thời từ các cấp Hội Phụ nữ, nhiều chị em trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và đang từng bước khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.