Thông tin chi tiết thỏa thuận khoáng sản và những đảm bảo với Kiev

Ukraine và Mỹ đã ký một thỏa thuận thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Mỹ -Ukraine với sự tham gia bình đẳng của các bên. Các khoản tiền sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án mới của Ukraine, từ khai thác mỏ đến cơ sở hạ tầng, trong khi Ukraine vẫn giữ toàn quyền kiểm soát khoáng sản.

Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko (trái) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent Ảnh: Facebook Yulia Svyrydenko

Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko (trái) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent Ảnh: Facebook Yulia Svyrydenko

Theo hãng tin RBC Ukraine, ngày 30/4, hai nước đã ký Thỏa thuận về Thành lập Quỹ đầu tư Tái thiết Mỹ - Ukraine (US-Ukraine Reconstruction Investment Fund) tại Washington sau nhiều tháng đàm phán có khi căng thẳng, và sự không chắc chắn vẫn ám ảnh cho đến phút cuối cùng. Thỏa thuận được ký bởi Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, bà Yulia Svyrydenko, và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessent.

Chính phủ Ukraine cho biết, theo thỏa thuận, một Quỹ đầu tư tái thiết Ukraine sẽ được thành lập, nhằm cung cấp tài chính cho các dự án quan trọng trong lĩnh vực phát triển khoáng sản, từ đó sẽ thúc đẩy đổi mới, phát triển công nghệ và phục hồi.

"Thỏa thuận sẽ có lợi cho cả hai quốc gia. Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine thu hút cả các nhà đầu tư tư nhân và công cộng vào quá trình phục hồi của Ukraine - bao gồm các quỹ quốc tế, các công ty và các chính phủ đã liên tục hỗ trợ Ukraine trong suốt cuộc chiến toàn diện", trang web của Nội các cho biết.

Các công ty Mỹ sẽ có quyền tiếp cận các cơ hội mới do sự phát triển chung về tài nguyên thiên nhiên và sự phục hồi của Ukraine mang lại.

Các đảm bảo chính cho Ukraine

Tuân thủ Hiến pháp và lộ trình gia nhập EU của Kiev: Thỏa thuận này phù hợp với luật hiện hành và các nghĩa vụ quốc tế của Ukraine.

Ukraine được quyền kiểm soát hoàn toàn các nguồn tài nguyên: Tất cả các khoáng sản, vùng biển lãnh thổ và tài nguyên vẫn là tài sản của Ukraine. Chỉ có Ukraine quyết định các điều kiện và địa điểm khai thác.

Bảo tồn tài sản nhà nước của Ukraine: Các công ty nhà nước vẫn thuộc quyền sở hữu của Ukraine. Thỏa thuận này không ảnh hưởng đến các quy trình tư nhân hóa. Các công ty như Ukrnafta hoặc Energoatom vẫn thuộc sở hữu nhà nước.

Những thay đổi tối ưu về mặt lập pháp: Chỉ cần sửa đổi một số hạn chế đối với Bộ luật Ngân sách của Ukraine để quỹ có thể hoạt động. Thỏa thuận sẽ phải được Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) phê chuẩn.

Thỏa thuận không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh cụ thể nào của Mỹ đối với Ukraine, như Kiev đã nhấn mạnh ban đầu. Tuy nhiên, một chiến thắng ngoại giao quan trọng đối với các nhà đàm phán Ukraine là thực tế là thỏa thuận đã ký không yêu cầu bồi thường hoặc bất kỳ nghĩa vụ nào phải trả nợ cho khoản viện trợ quân sự mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần công khai tuyên bố rằng Ukraine phải bồi thường cho khoản viện trợ do Mỹ cung cấp. Ông đã đưa ra nhiều con số khác nhau, và thường xuyên thay đổi chúng. Lúc đầu, ông nói về 500 tỷ USD mà Washington được cho là đã chi để hỗ trợ Kiev. Sau đó, ông giảm con số xuống còn 350 tỷ, và sau đó là 100 tỷ.

Quỹ Tái thiết sẽ hoạt động như thế nào?

Thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine tập trung vào viện trợ quân sự của Mỹ trong tương lai, không phải trong quá khứ. Tài liệu không đề cập đến bất kỳ nghĩa vụ nợ nào của Kiev đối với Washington.

Quỹ tái thiết Ukraine sẽ đầu tư vào các dự án và bảo đảm mua sản phẩm thương mại theo nguyên tắc "take or pay" - tức là bên mua phải thanh toán cho một lượng hàng hóa tối thiểu, dù saud dó có nhận hàng hay không. Chẳng hạn, một công ty Mỹ ký hợp đồng mua khoáng sản từ Ukraine với điều khoản take-or-pay, mỗi năm cam kết mua 1 triệu tấn lithium. Nếu năm đó họ chỉ lấy 700.000 tấn, công ty vẫn phải trả tiền cho toàn bộ 1 triệu tấn.

Bản đồ phân bố các khoáng sản ở Ukraine. Ảnh: Kyiv Independent

Bản đồ phân bố các khoáng sản ở Ukraine. Ảnh: Kyiv Independent

Quỹ Tái thiết sẽ được rót đẩy bằng các khoản đóng góp từ Mỹ và Ukraine. Ngoài các khoản tiền trực tiếp, Mỹ có thể đóng góp viện trợ mới, chẳng hạn như hệ thống phòng không cho Ukraine.

Quỹ được thành lập dựa trên quan hệ đối tác bình đẳng, 50/50. Không bên nào có được đa số phiếu quyết định để đảm bảo hợp tác lâu dài trong nhiều thập kỷ tới.

Ukraine sẽ phân bổ 50% doanh thu trong tương lai từ tiền cấp phép cho các giấy phép mới cho các lĩnh vực mới (trong lĩnh vực nguyên liệu thô quan trọng, dầu và khí đốt) cho quỹ. Doanh thu từ các dự án hiện tại hoặc doanh thu theo ngân sách không được đưa vào quỹ. Ukraine cũng có thể đóng góp thêm ngoài khoản đóng góp cơ bản này nếu thấy cần thiết.

Sau đó, quỹ đầu tư vào các dự án khai thác mỏ và dầu khí, cũng như cơ sở hạ tầng hoặc chế biến liên quan. Ukraine và Mỹ sẽ cùng nhau xác định các dự án đầu tư cụ thể mà quỹ sẽ được phân bổ.

Quỹ Tái thiết được đầu tư độc quyền vào Ukraine, vào các dự án thượng nguồn hoặc cơ sở hạ tầng Trong 10 năm đầu tiên, lợi nhuận không được phân phối mà được tái đầu tư hoàn toàn vào nền kinh tế Ukraine (vào các dự án mới hoặc tái thiết). Sau đó, chúng có thể được phân phối giữa các đối tác. Các điều kiện cụ thể sẽ được thảo luận thêm.

Ngoài ra, theo thỏa thuận, Mỹ sẽ giúp thu hút thêm đầu tư và công nghệ vào nền kinh tế Ukraine. Nghĩa là, quỹ được chính phủ Mỹ hỗ trợ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), cơ quan này sẽ giúp thu hút đầu tư và công nghệ từ các quỹ và công ty tại Mỹ, EU và các quốc gia khác ủng hộ cuộc chiến của Ukraine. Chuyển giao công nghệ là một thành phần quan trọng của thỏa thuận, vì Ukraine không chỉ cần đầu tư mà còn cần cả đổi mới.

Thỏa thuận cũng cung cấp các bảo đảm về thuế, thu nhập và đóng góp của quỹ không bị đánh thuế tại Mỹ hoặc Ukraine.

Quan điểm từ giới chức Mỹ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết thỏa thuận hợp tác kinh tế này cho phép cả hai nước cùng nhau hợp tác và đầu tư để đảm bảo rằng các tài sản, nhân tài và năng lực chung có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của Ukraine.

Theo Bộ trưởng Bessent, Bộ Tài chính Mỹ và DFC sẽ hợp tác với chính phủ Ukraine để hoàn thiện việc quản lý chương trình và thúc đẩy quan hệ đối tác.

"Thỏa thuận này báo hiệu rõ ràng với Nga rằng Chính quyền Tổng thống Trump cam kết thực hiện tiến trình hòa bình tập trung vào một Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng trong dài hạn", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý rằng Tổng thống Mỹ coi mối quan hệ đối tác này giữa người dân Mỹ và Ukraine là minh chứng cho mong muốn chung về hòa bình và thịnh vượng lâu dài ở Ukraine.

"Và để nói rõ, không một quốc gia hoặc cá nhân nào tài trợ hoặc cung cấp cho cỗ máy chiến tranh của Nga sẽ được hưởng lợi từ quá trình tái thiết Ukraine", ông Bessent tóm tắt.

Bản thân ông Trump, khi bình luận về thỏa thuận khoáng sản, đã nói rằng thỏa thuận sẽ bảo vệ các khoản đầu tư và hỗ trợ tài chính của Mỹ dành cho Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio gọi thỏa thuận với Ukraine là một bước quan trọng trong việc chấm dứt xung đột.

Những diễn biến tiếp theo

Theo Thứ trưởng Bộ Kinh tế Ukraine, Taras Kachka, bước tiếp theo sẽ là phê chuẩn thỏa thuận tại Quốc hội Ukraine.

Đáng chú ý là ngày 30/4, trước khi ký kết thỏa thuận, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, trong ngày 1/5, chính phủ sẽ tổ chức tham vấn với những người đứng đầu các phe phái, nhóm và ban lãnh đạo Verkhovna Rada về việc phê chuẩn thỏa thuận khoáng sản với Mỹ.

"Đây là một thỏa thuận đòi hỏi sự đồng ý của Verkhovna Rada. Điều này được nêu trực tiếp trong chính thỏa thuận. Do đó, rõ ràng là chúng tôi sẽ bắt đầu tham vấn với Quốc hội và trình bày một cách minh bạch nhất có thể”, Thứ trưởng Kachka giải thích.

Theo Thứ trưởng Kachka, sau khi thỏa thuận được phê chuẩn, quỹ sẽ được thành lập giữa DFC Mỹ và một cơ quan của Ukraine hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Kinh tế.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thong-tin-chi-tiet-thoa-thuan-khoang-san-va-nhung-dam-bao-voi-kiev-20250502000006182.htm
Zalo