Phụ nữ ASEAN không những tham gia chuyển đổi số mà còn phải đóng vai trò tiên phong

Sáng 25/2, tại Học viện Ngoại giao đã diễn ra Tọa đàm 'Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Chuyển đổi số vì hòa bình bền vững' trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025.

Các diễn giả tại tọa đàm 'Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Chuyển đổi số vì hòa bình bền vững' sáng 25/2 tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Hòa)

Các diễn giả tại tọa đàm 'Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Chuyển đổi số vì hòa bình bền vững' sáng 25/2 tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Hòa)

Tọa đàm có sự tham dự của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia, Trưởng SOM ASEAN Campuchia Kung Phoak; Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao; cùng các Đại sứ, đại diện Đại sứ quán các nước thành viên ASEAN và ngoại giao đoàn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tọa đàm còn thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, học giả, diễn giả, chuyên gia và đại diện các tổ chức liên quan lĩnh vực phụ nữ, hòa bình và an ninh cùng đông đảo học giả, sinh viên, giới truyền thông quan tâm.

Tọa đàm thảo luận về tầm quan trọng của hòa nhập số đối với việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột. Việc phụ nữ tham gia vào không gian số một cách hiệu quả sẽ giúp xây dựng các thỏa thuận hòa bình mang tính bao trùm hơn, cũng như xây dựng các cộng đồng vững mạnh hơn tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa)

Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa)

Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, TS. Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh, sự hội tụ của quá trình chuyển đổi số và tiến trình hòa bình đem lại cả cơ hội và thách thức cho chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việc triển khai các kế hoạch hành động quốc gia về WPS trên khắp ASEAN thể hiện cam kết của khu vực trong việc tăng cường sự tham gia tích cực của phụ nữ vào các sáng kiến hòa bình. Việt Nam đã tích cực ủng hộ chương trình nghị sự về WPS, đặc biệt là dẫn đầu việc thông qua Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Kế hoạch hành động quốc gia về WPS trong giai đoạn 2024-2030, cùng với các sáng kiến tương tự của các thành viên ASEAN khác, cung cấp một khuôn khổ kịp thời để xem xét cách thức chuyển đổi số có thể củng cố các cơ chế hòa bình và an ninh khu vực.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Lan Anh chỉ ra rằng, khoảng cách giới trong kỹ thuật số vẫn đặt ra một thách thức đáng kể, đặc biệt là đối với phụ nữ ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột, những người gặp phải trở ngại trong việc tiếp cận các công cụ kỹ thuật số, đồng thời, các mối đe dọa an ninh mạng có thể cản trở sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình hòa bình.

Trong bối cảnh đó, chủ đề của tọa đàm rất kịp thời và có ý nghĩa trong việc thúc đẩy đối thoại khu vực và đóng vai trò là cầu nối giữa nghiên cứu học thuật và thực hiện chính sách.

Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao mong rằng, các cuộc thảo luận sẽ đưa ra những khuyến nghị cụ thể để cải thiện sự hòa nhập kỹ thuật số trong việc triển khai chương trình nghị sự về WPS trên toàn ASEAN, thu hút thanh niên tham gia định hình chương trình nghị sự ASEAN-WPS và đề xuất các chiến lược thiết thực để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình hòa bình ứng dụng kỹ thuật số.

Từ trái sang phải: Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam; Quốc vụ khanh Campuchia Kung Phoak, Trưởng SOM ASEAN Campuchia; TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, tại tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa)

Từ trái sang phải: Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam; Quốc vụ khanh Campuchia Kung Phoak, Trưởng SOM ASEAN Campuchia; TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, tại tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa)

Tại tọa đàm, Quốc vụ khanh Campuchia Kung Phoak nhấn mạnh, ASEAN đã có một khuôn khổ để triển khai thực hiện WPS của LHQ ở cấp độ khu vực, với việc lồng ghép vấn đề về giới trong giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai hay đại dịch Covid-19... và hiện tại là thời khắc tối quan trọng để xem xét kế hoạch hành động hướng về tương lai.

Nhấn mạnh việc thực hiện bao trùm số có ích cho không chỉ WPS mà còn hỗ trợ cho phát triển bền vững, ông Kung Phoal cho biết, đã có một kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN vào năm 2025. Theo đó, kế hoạch sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ những công cụ về số và đẩy mạnh quá trình số hóa để họ không chỉ tập trung vào việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em khỏi những đe dọa về an ninh hoặc cho phép họ tham gia đầy đủ hơn vào các hoạt động này mà còn mang lại lợi ích về mặt kinh tế.

Mặc dù vậy, việc bao trùm số cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro, đòi hỏi chúng ta cần phải giải quyết và đưa ra nhiều giải pháp khác nhau.

Tiếp lời Quốc vụ khanh Campuchia, Quản lý khu vực Chương trình về quản trị và WPS tại ASEAN của Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Ryce Chanchai đề cập một số thách thức trong giai đoạn chuyển đổi số và bao trùm số, trong đó lưu ý sự phát triển của các hành vi phạm tội xuyên quốc gia sử dụng công nghệ Deepfake.

Bà cho rằng, cần tăng cường hợp tác xuyên biên giới để giải quyết các tình trạng lừa đảo, nô lệ trên mạng; kết hợp lăng kính giới và xã hội vào chiến lược tăng cường an ninh mạng; đẩy mạnh sự cộng hưởng nỗ lực của các quốc gia để bảo đảm trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng có hiệu quả trong việc xây dựng hòa bình, đặc biệt là tăng cường tiếng nói của các quốc gia đang dẫn đầu trong lĩnh vực an ninh mạng như Singapore, Philippines và Việt Nam.

Cuối cùng, cần xây dựng sự đa dạng về kỹ năng và các chuyên môn trong STEM để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong việc định hình các chính sách.

Đại úy Sa Minh Ngọc (giữa), Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa)

Đại úy Sa Minh Ngọc (giữa), Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa)

Chia sẻ những kinh nghiệm ở lĩnh vực quân đội, Đại úy Sa Minh Ngọc, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, từng là thành viên Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan từ tháng 4/2015-10/2018, cho rằng, trong quá trình đổi mới sáng tạo, Big Data cũng như AI là những biện pháp mang tới chuyển đổi nhiều nhất.

Những công cụ này có thể tạo ra sự khác biệt ở những khu vực xung đột, nơi phụ nữ phải chịu đựng bạo lực nhiều hơn, bằng cách tích hợp nhiều nguồn dữ liệu và một giao diện duy nhất, cho phép các lực lượng gìn giữ hòa bình trực quan hóa, phân tích và ứng phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa an ninh.

Ngoài ra, công nghệ mang lại cơ hội cho phụ nữ đảm nhận những vị trí lãnh đạo để đưa ra các quyết định, tham gia các cuộc đàm phán và đóng góp vào các kế hoạch hòa bình cũng như tham gia mạnh mẽ vào việc xây dựng cộng đồng.

Mặc dù vậy, phụ nữ cũng có thể đối mặt với những nguy cơ gia tăng từ các mối đe dọa mạng như thông tin sai lệch, quấy rối trực tuyến hay AI có thể mang tính thiên lệch nếu không được thiết kế bao trùm về giới. Theo Đại úy Sa Minh Ngọc, quá trình chuyển đối số cần phải bao trùm phụ nữ, phải trao quyền cho họ để có thể không chỉ tham gia mà còn đóng vai trò tiên phong và lãnh đạo, nếu không, phụ nữ chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau.

Tại tọa đàm, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Anh tại ASEAN Sarah Tiffin và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Canada tại ASEAN Vicky Singmin đã chia sẻ kinh nghiệm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng an ninh, chính sách; những hỗ trợ hiệu quả của các nước đối tác với ASEAN trong triển khai chương trình WPS và đưa ra một số gợi ý nhằm tăng cường vai trò phụ nữ trong cơ chế khu vực, trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức, giáo dục và xây dựng các kế hoạch hành động.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga phát biểu kết luận tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa)

Đại sứ Nguyễn Phương Nga phát biểu kết luận tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa)

Kết luận tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Phương Nga bày tỏ ấn tượng với các đề xuất thiết thực để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình hòa bình, an ninh thông qua kỹ thuật số, cũng như việc thu hẹp khoảng cách giới trong chuyển đổi số, đồng thời tin tưởng rằng, trong tương lai, phụ nữ ASEAN sẽ đóng một vai trò lớn hơn, hiệu quả hơn nữa, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định cho khu vực.

Hà Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phu-nu-asean-khong-nhung-tham-gia-chuyen-doi-so-ma-con-phai-dong-vai-tro-tien-phong-305521.html
Zalo