Khai mạc AFF 2025: hướng tới một ASEAN tự chủ, đổi mới và đoàn kết
Với sự tham dự của hơn 600 đại biểu tầm cỡ trong và ngoài nước, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trong hành trình 30 năm đồng hành cùng ASEAN, mà còn mở ra tầm nhìn mới đầy tính tự cường và sáng tạo cho khu vực.
Sáng 25/2, tại Hà Nội, đã khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 (AFF 2025) - một trong những sự kiện đa phương lớn nhất do Việt Nam chủ trì tổ chức trong năm nay.
Diễn đàn Tương lai ASEAN là sáng kiến được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 (Jakarta, Indonesia, tháng 9/2023). Tiếp nối thành công của Diễn đàn lần thứ nhất năm 2024, Diễn đàn năm nay với chủ đề “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động” với sự góp mặt của đông đảo lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác, lãnh đạo ban, bộ, ngành và địa phương của Việt Nam cùng nhiều học giả uy tín trong và ngoài nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN (ASEAN Future Forum - AFF) lần thứ 2 năm 2025. Ảnh: Facebook/Thông tin Chính phủ
Phát biểu định hướng tại phiên Khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu bật ý nghĩa của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025. Diễn đàn năm nay được tổ chức vào thời điểm kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng ASEAN, 30 năm Việt Nam gia nhập mái nhà chung ASEAN và cũng là năm ASEAN sẽ thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 để đưa ASEAN bước vào kỷ nguyên mới, hướng tới một Cộng đồng "tự cường, đổi mới sáng tạo, và lấy người dân làm trung tâm".
Thủ tướng nhấn mạnh, từ 5 thành viên sáng lập ban đầu, trải qua 60 năm phát triển, ASEAN ngày nay đã trở thành Cộng đồng 10 quốc gia thống nhất trong đa dạng. Là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tốc độ tăng trưởng hàng đầu; là trung tâm của các tiến trình liên kết khu vực và toàn cầu; là cầu nối của đối thoại, hợp tác vì hòa bình và phát triển ở khu vực, góp phần tích cực vào định hình một trật tự thế giới mới.
Để ASEAN duy trì đà phát triển mạnh mẽ, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất 3 ưu tiên chiến lược, bao gồm: củng cố ASEAN tự chủ về chiến lược thông qua tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN; xây dựng một ASEAN tự cường về kinh tế thông qua đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, nhất là về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; giữ vững giá trị và bản sắc của ASEAN như tinh thần hài hòa, thống nhất trong đa dạng, và tôn trọng sự khác biệt.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, ASEAN cũng cần đột phá trong hành động, cụ thể là: xây dựng cơ chế ra quyết định linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm hơn; đẩy mạnh hợp tác công-tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển khu vực; tăng cường hơn nữa kết nối trong ASEAN, nhất là về kết nối hạ tầng, về giao lưu nhân dân, và hài hòa hóa về thể chế cho thông thoáng.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, ba thập kỷ đồng hành cùng ASEAN đã khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Việt Nam. ASEAN đã trở thành không gian chiến lược và môi trường phát triển tự nhiên của Việt Nam. Về phần mình, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong củng cố đoàn kết, tăng cường vai trò trung tâm và thúc đẩy phát triển bền vững của ASEAN.
Dẫn câu tục ngữ Việt Nam "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", Thủ tướng nhấn mạnh sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần hợp tác, sức sống và giá trị chiến lược của ASEAN; đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thành viên, đối tác và bạn bè quốc tế “viết tiếp những trang sử mới đầy tự hào trong hành trình phát triển của ASEAN”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 ưu tiên chiến lược và 3 đột phá hành động để ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới. Ảnh: Facebook/Thông tin Chính phủ
Phát biểu tại phiên khai mạc, các đại biểu đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025; khẳng định chủ đề "Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm, và tự cường trong một thế giới biến động" rất phù hợp với bối cảnh quốc tế hiện nay. Tổng thống Timor-Leste José Ramos-Horta nhấn mạnh, ASEAN là “chất kết dính gắn liền các nền văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo đa dạng, các hệ thống chính trị khác nhau, cùng với những môi trường kinh tế-xã hội và chính trị năng động”. Trong thời gian tới, ASEAN cần tập trung vào thúc đẩy gắn kết về an ninh, hội nhập về kinh tế, nắm bắt chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bao trùm và công bằng.
Phó Thủ tướng Lào Saleumxay Kommasith nhấn mạnh ASEAN đã trở thành một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế thông qua các cơ chế gắn kết với các đối tác bên ngoài và các cường quốc. Trong bối cảnh mới, ASEAN phải "sẵn sàng cho tương lai" thông qua tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên và với các đối tác.
Về phần mình, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh, ASEAN cần “duy trì sự thống nhất và kiên cường của nội khối, trong khi hợp tác bao trùm với các đối tác bên ngoài”; đề xuất củng cố ba trụ cột của ASEAN và thúc đẩy kết nối ASEAN theo cách tiếp cận tổng thể và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Tổng thống Timor-Leste Jose Ramos-Horta phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025. Ảnh: Facebook/Thông tin Chính phủ
Ngày mai (26/02), chương trình sẽ tiếp tục với Phiên toàn thể cấp cao và Phiên toàn thể thứ ba về "Hợp tác tiểu vùng hướng tới thúc đẩy tính tự cường và phát triển bền vững" vào buổi sáng. Trưa mai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì phiên ăn trưa làm việc với chủ đề "ASEAN đón đầu tương lai - Làm chủ công nghệ mới nổi". Buổi chiều cùng ngày, hai phiên toàn thể cuối cùng của Diễn đàn sẽ thảo luận "Quản trị các công nghệ mới nổi nhằm đảm bảo an ninh toàn diện" và "Vai trò gắn kết và thúc đẩy hòa bình của ASEAN trong một thế giới phân mảnh". Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 sẽ bế mạc vào chiều tối mai.
Diễn đàn năm nay có hơn 600 đại biểu tham dự trực tiếp, trong đó có trên 230 đại biểu quốc tế, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2024. Đặc biệt, Diễn đàn năm nay vinh dự có sự hiện diện của Tổng thống Timor Leste José Ramos-Horta, Thủ tướng Malaysia, Chủ tịch ASEAN 2025 Dato’ Seri Anwar bin Ibrahim, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn; cùng thông điệp ghi hình của Thủ tướng Thái Lan, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc; trên 10 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các nước tham dự trực tiếp và gửi thông điệp ghi hình, 160 đại biểu ngoại giao đoàn (trong đó có 40 Đại sứ), và 230 đại biểu trong nước (gồm 20 lãnh đạo Bộ ngành, 10 lãnh đạo tỉnh thành). Đây là những “con số biết nói”, thể hiện sự quan tâm, hưởng ứng của các quốc gia thành viên ASEAN cũng như bạn bè quốc tế đối với AFF.