Phụ huynh, học sinh 'chờ' giáo viên hợp thức hóa dạy thêm

Giáo viên ngưng dạy thêm, nhiều phụ huynh ở TP.HCM phải tìm lớp học cho con, nhất là học sinh các lớp cuối cấp, trong khi chờ giáo viên hợp thức hóa việc dạy thêm đúng quy định.

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là tới kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT, việc các thầy cô ngưng dạy thêm theo đúng quy định Thông tư 29 đã khiến nhiều học sinh các lớp cuối cấp hoang mang. Trong lúc chờ đợi, một số em tự học, ôn tập trực tuyến hoặc tìm gia sư qua các trung tâm.

Nhiều học sinh cuối cấp chờ giáo viên hợp thức hóa việc dạy thêm sớm (ảnh minh họa)

Nhiều học sinh cuối cấp chờ giáo viên hợp thức hóa việc dạy thêm sớm (ảnh minh họa)

Yến Nhi, học sinh lớp 12 tại một quận trung tâm TP.HCM cho biết, em được thầy cô cho nghỉ học 2 tuần nay và vẫn chưa có thông tin khi nào sẽ đi học thêm trở lại. Nhi đang học Toán, tiếng Anh và Vật lý do các thầy cô trong trường giảng dạy, không phải giáo viên dạy trên lớp. Dù biết tự học sẽ tốt, nhưng với khối lượng kiến thức khá lớn, cộng thêm tâm lý thi theo chương trình mới nên Nhi cho rằng nếu học thêm sẽ yên tâm hơn.

“Lúc đầu nhận thông tin ngưng học thêm em cũng khá hoang mang, vì mình là học sinh cuối cấp, lại chuẩn bị thi theo chương trình mới. Lúc cho nghỉ thì cả thầy cô lẫn ba mẹ em cũng đều bất ngờ", Nhi nói.

Lo lắng là tâm lý chung của cả học sinh lẫn phụ huynh có con học cuối cấp thời gian này. Chị Thúy Vân (quận Bình Thạnh), cho biết, con chị ngưng học thêm từ sau Tết đến nay để chờ các thầy cô đăng ký trung tâm. Tuy nhiên việc con ngưng học 1 thời gian khiến chị khá lo lắng vì hiện chỉ còn một khoảng thời gian nữa con thi vào lớp 10, theo chương trình mới. Chị cũng tính đến phương án nếu thầy cô cũ chưa kịp dạy ở trung tâm, chị sẽ thuê gia sư về dạy tại nhà, chi phí này sẽ cao hơn so với trước đây.

Chị Vân đã tham khảo một số trung tâm, mỗi lớp ở đây từ 20-25 học sinh, không biết chất lượng giảng dạy ra sao. Hiện tại, chị Vân đang chờ giáo viên đăng ký kinh doanh hoặc tham gia dạy tại các trung tâm rồi mới quyết định: “Quy định về dạy thêm, học thêm là đúng chứ không sai, nhưng cần cho các con và thầy cô một khoảng thời gian để chuẩn bị vì năm nay các con thi theo chương trình mới. Việc này quá nhanh, làm tâm lý con rất hoang mang", chị Thúy Vân nói thêm.

Còn chị Bích Thủy (Quận 3) cho hay, con chị chỉ học thêm môn Toán, các môn còn lại đều tự học. Dù khả năng tự học của con khá tốt, nhưng chị Thủy cho biết, có những bài toán khó, yêu cầu vận dụng cao thì con chị vẫn muốn học thêm để được hướng dẫn. Trường hợp thầy cô không kịp mở trung tâm hoặc đăng ký kinh doanh, chị Thủy đành cho con học online ở nhà: “Trung tâm thì xa quá, con không tự đi được. Tôi cũng như các con, mong cô giáo xin được giấy phép để dạy được ở nhà", chị Thủy cho biết thêm.

Hiện nay, một số giáo viên ở TP.HCM tổ chức học không thu phí, học online nhằm đảm bảo cho việc ôn tập của học sinh cuối cấp được thuận lợi.

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị phổ biến rõ Thông tư 29, không để xảy ra việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định trong và ngoài nhà trường. Đồng thời, tăng cường việc ôn tập, bồi dưỡng học sinh có kết quả học tập chưa đạt, học sinh cuối cấp, ôn thi tốt nghiệp.

Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1) cho biết, trong Thông tư 29 cũng quy định rõ việc phụ đạo, bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ của giáo viên, không thu phí hay phát sinh hình thức có thu tiền. Tuy nhiên, việc dạy cho học sinh lớp 9, lớp 12 ôn tập sau khi đã học hết chương trình, nếu quy định không được thu phí thì hơi khó cho giáo viên.

“Theo tôi nghĩ nếu được nên có chính sách cho lực lượng giáo viên ôn tập cho học sinh cuối cấp . Nên có chính sách cụ thể hơn, có khoản kinh phí hỗ trợ nào đó, có thể không nhiều nhưng cũng là động lực để thúc đẩy tinh thần của họ", ông Khoa đề xuất.

Vũ Hường/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phu-huynh-hoc-sinh-cho-giao-vien-hop-thuc-hoa-day-them-post1155615.vov
Zalo