Phú Bình (Thái Nguyên): OCOP - Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương ngay từ cơ sở
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án 'Mỗi xã, phường một sản phẩm', đến nay trên địa bàn huyện Phú Bình đã có 33 sản phẩm được công nhận OCOP. Các sản phẩm này đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mới đây, tại Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc - Thái Nguyên và Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Gà đồi Phú Bình và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2024, diễn ra từ ngày 27/11 – 1/12/2024, được tổ chức tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút trên 200 gian hàng của 30 tỉnh/thành phố trong cả nước.
Hội chợ quy tụ hàng trăm sản phẩm đặc trưng tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền của các địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Riêng huyện Phú Bình đã đ tham gia trưng bày, quảng bá, tiêu thụ nhiều sản phẩm đặc trưng, thể hiện thế mạnh của địa phương, trong đó có 33 sản phẩm OCOP như: Gà đồi Phú Bình, Tương nếp Úc Kỳ, Cơm cháy, Trám đen muối, Nham trám, Dầu mè, Dầu đậu nành, Cao hươu, Thịt hươu sấy, Nem bùi Hải Tuyết, Dầu lạc, Gạo nếp Thầu Dầu, Cao ngựa bạch Trường Nguyên, Dăm bông lợn, Khô bò, Gạo TH 3-7 Vạn Xuân…
Đây đều là các sản phẩm OCOP được chế biến từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có chất lượng cao, được các Hợp tác xã đầu tư thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại, tạo ra những sản phẩm phong phú, đa dạng từ hình thức, bao bì, mẫu mã, chủng loại đến chất lượng. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài địa phương ngay tại hội chợ.
Đặc biệt, Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Gà đồi Phú Bình và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2024 không chỉ là dịp quảng bá, khẳng định các thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của Phú Bình với bạn bè, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Ban tổ chức còn tiến hành đấu giá thành công ngay tại Chương trình và thu về tổng số tiền 975 triệu đồng từ 6 đôi gà đẹp, trong đó đôi gà đẹp giải Nhất của xã Tân Khánh được đấu với giá 400 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đấu giá sẽ được ủng hộ Quỹ Người nghèo huyện Phú Bình năm 2024.
Hiện tại, trong tổng số 33 sản phẩm được công nhận OCOP của Phú Bình, có 1 sản phẩm cao ngựa bạch Trường Nguyên (xã Dương Thành) được công nhận đạt OCOP 4 sao, còn lại là 3 sao. Qua theo dõi, đánh giá của huyện, đa số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đều phát huy được lợi thế để phát triển, mở rộng thị trường, doanh tăng từ 13-300% so với thời điểm trước khi được công nhận OCOP. Các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng giúp Phú Bình đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo xây dựng Phú Bình hoàn thành huyện nông thôn mới, tiến tới trở thành thị xã trước năm 2030.
Bí thư Huyện ủy Phú Bình Nguyễn Thị Loan cho biết: Phát huy những lợi thế của địa phương, Phú Bình tiếp tục duy trì, triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, để phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho nhân dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Để sản phẩm OCOP Phú Bình vươn xa hơn nữa, ngoài chú trọng ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong OCOP. Huyện sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu cho sản phẩm OCOP tại các hội chợ, triển lãm cũng như thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến… để sản phẩm OCOP của Phú Bình phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn.
Như vậy, cùng với 33 sản phẩm OCOP của Phú Bình, đến thời điểm này, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 240 sản phẩm được xếp hạng đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao, bằng 200% chỉ tiêu Đề án phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2019-2025 của tỉnh. Trong đó, 155 sản phẩm 3 sao, 83 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên.