Phòng vệ thương mại bảo vệ các ngành sản xuất quan trọng trong nước
Số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành điều tra 30 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó đang áp dụng 22 biện pháp, mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, bảo vệ các ngành sản xuất quan trọng trong nước.
Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn và liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua. Cùng với đó, việc Việt Nam kí kết, thực thi và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng tác động mạnh mẽ đến hoạt động ngoại thương.
Các Hiệp định này một mặt mở rộng thị trường, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song cũng đưa ra những cam kết cắt giảm thuế quan cho hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác có FTA, dẫn đến việc lượng hàng hóa này vào thị trường nội địa và cạnh tranh khá quyết liệt với hàng hóa trong nước. Đây là hệ quả tất yếu của việc mở cửa nền kinh tế và hội nhập với thế giới. Và phòng vệ thương mại là một trong những công cụ để có thể cạnh tranh sòng phẳng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính chung 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội. Nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như đường mía, phân bón, sắt thép, sợi...
Phòng vệ thương mại cũng là một trong những công cụ nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết về xóa bỏ hàng rào thuế, hàng rào phi thuế quan.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng và ứng phó với các vụ việc Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã nỗ lực hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng vệ thương mại; cùng với đó Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyền truyền nâng cao nhận thức về lĩnh vực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường… đảm bảo môi trường thương mại công bằng cho các ngành sản xuất trong nước.
Số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành điều tra 30 vụ việc phòng vệ thương mại, bao gồm 21 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó, hiện Việt Nam đang áp dụng 22 biện pháp phòng vệ thương mại.
Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam, bảo vệ các ngành sản xuất quan trọng trong nước như: ngành sản xuất thép (14 biện pháp); thực phẩm (5 biện pháp); hóa chất (4 biện pháp); vật liệu xây dựng (2 biện pháp)…
Nhờ đó, quy mô doanh thu của các doanh nghiệp tham gia phòng vệ thương mại trong các năm qua ước tính đạt 475.000 nghìn tỷ đồng (năm 2023) với trên 36.000 lao động. Thuế chống bán giá, chống trợ cấp thu nộp ngân sách hàng năm hơn 100o tỷ đồng.
Trong năm 2024, cùng với xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại, áp dụng nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại trên toàn cầu, Việt Nam cũng đã tiến hành khởi xướng điều tra mới 3 vụ việc đối với các sản phẩm thép mạ, thép cán nguội và ván sợi gỗ dựa trên hồ sơ đề nghị của ngành sản xuất trong nước.
Đồng thời, hoàn thành điều tra 2 vụ việc chống bán phá giá đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực và tháp điện gió.
Ngoài ra, trong năm 2024, Cục phòng vệ thương mại cũng thực hiện 11 vụ việc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm cả việc rà soát lại mức thuế chống bán phá giá theo đề nghị của các bên liên quan, rà soát nhà xuất khẩu mới và rà soát cuối kỳ để xem xét việc gia hạn áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần bảo vệ công ăn việc làm của người lao động, tác động tích cực đến đời sống của người nông dân, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích của người tiêu dùng. Đồng thời, Cục phòng vệ thương mại cho biết đã chủ động theo dõi, phân tích đánh giá về tình hình nhập khẩu các sản phẩm đang thuộc phạm vi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để kịp thời có báo cáo, kiến nghị xử lý các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng.
Thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án lớn phục vụ công tác thực thi, sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước, trong đó có Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025 (theo Quyết định số 755/QĐ-BCT ngày 28/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương).
Bộ Công Thương đang rà soát, nghiên cứu, giải trình, hoàn thiện Hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại để trình Chính phủ, qua đó tiếp tục triển khai công tác hoàn thiện hệ thống pháp lý, thể chế về phòng vệ thương mại.