Hà Nội: Sẵn sàng nguồn cung nông sản phục vụ Tết năm 2025
Sức tiêu thụ nông sản thực phẩm dịp cuối năm trên thị trường Hà Nội có thể tăng 20 - 30%, để đáp ứng như cầu này, Hà Nội sớm chủ động xây dựng nguồn nông sản, không để xảy ra tình trạng thiếu - thừa cục bộ.
Hà Nội là một trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, sản lượng một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản của thành phố mới đáp ứng 20 - 70% nhu cầu người dân (tùy loại). Lượng còn lại, Hà Nội phải nhập từ nhiều tỉnh, thành phố và nước ngoài.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng nông lâm thủy sản thiết yếu của thành phố hiện nay rất lớn. Cụ thể, trung bình mỗi tháng, Hà Nội cần khoảng 20 nghìn tấn thịt lợn hơi; khoảng 6,7 nghìn tấn thịt gà, vịt. Mỗi tháng Hà Nội cũng cần khoảng 5,5 nghìn tấn thủy, hải sản tươi đông lạnh; hơn 5,5 nghìn tấn thực phẩm chế biến. Nhu cầu về rau, củ hang tháng vào khoảng 110,5 nghìn tấn và khoảng 132 triệu quả trứng gia cầm…
Trong bối cảnh thị trường cuối năm, sức tiêu thụ có thể tăng 20-30%, để chủ động sản xuất, cân đối nguồn hàng, Hà Nội sớm chủ động xây dựng nguồn nông sản, không để xảy ra tình trạng thiếu - thừa cục bộ.
Đến nay, nhiều chuỗi cung ứng nông sản đã chủ động liên kết đưa nguồn hàng tới thị trường Thủ đô. Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho biết, BigGreen có hàng chục cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội với khoảng 1.000 loại sản phẩm bán hằng ngày. Chủ động nguồn hàng cuối năm, Biggreen đã ký hợp đồng tiêu thụ với hàng chục cơ sở sản xuất.
Bên cạnh đó, các ngành công thương, nông nghiệp của Hà Nội cũng đã chủ động ký kết, tổ chức nhiều hội chợ, gian hàng nhằm giới thiệu nông sản các tỉnh, thành phố tới người dân Thủ đô. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ tới, nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu gồm: gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau, củ, đường, dầu ăn, gia vị… UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Công thương chủ trì công tác nắm bắt thông tin, tổ chức, điều phối hàng hóa của các đơn vị khi thị trường có biến động, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Về phía ngành Nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại biết, kịch bản sản xuất đã được ngành xây dựng từ sớm và tùy tình hình thực tế sẽ điều chỉnh phù hợp. Đối với nguồn nông sản, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công thương và các địa phương dự kiến nhu cầu và xây dựng phương án liên kết, cung ứng, đáp ứng nhu cầu dịp Tết.
Ngành Nông nghiệp còn phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng tăng cường khảo sát nguồn cung từ các chuỗi cửa hàng của Hà Nội. Toàn thành phố hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 453 chợ, 137 siêu thị, 29 trung tâm thương mại, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 34 sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng đa phương tiện cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa...
"Với sự chủ động trong sản xuất, chủ động liên kết xây dựng các chuỗi, đặc biệt là chuỗi liên kết với các tỉnh, thành phố, dịp Tết này, Hà Nội sẽ bảo đảm nguồn cung nông sản chất lượng tốt phục vụ người dân Thủ đô” - ông Nguyễn Xuân Đại khẳng định./.
Đến nay, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố, phát triển 946 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ - quảng bá nông sản, đặc sản vùng miền; hỗ trợ lưu thông hàng hóa...