Phong tục mua vàng ngày vía Thần Tài: Nét đẹp văn hóa hay hiệu ứng đám đông?
Theo quan niệm dân gian, mua vàng ngày vía Thần Tài để ước nguyện một năm hanh thông và phú quý, đủ đầy. Tuy nhiên, liệu thói quen này thực sự mang lại lợi ích cho người mua hay chỉ đơn thuần là hiệu ứng tâm lý đám đông?
Mua vàng cầu may
Ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) hàng năm là ngày người dân Việt Nam nô nức đi mua vàng với hy vọng một năm mới may mắn, tài lộc, phú quý, đủ đầy. Phong tục này xuất phát từ tín ngưỡng thờ Thần Tài, vị thần cai quản tài lộc, tiền bạc trong văn hóa dân gian. Theo truyền thuyết, Thần Tài được cho là người mang lại sự thịnh vượng, giàu có, giúp gia chủ làm ăn phát đạt.
Vào ngày vía Thần Tài, người kinh doanh, buôn bán thường cúng lễ và mua vàng với mong muốn công việc làm ăn được thuận lợi, phát đạt. Thói quen này dần dần phổ biến ở cả những người không làm kinh doanh, trở thành một nét văn hóa trong mỗi dịp đầu năm mới.
“Cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tôi thường có thói quen mua một vài chỉ vàng, vừa để cầu may mắn, tài lộc cho cả năm, vừa để tích trữ cho các con”, chị Nguyễn Thị H. Tr. (Ba Đình, Hà Nội) vừa xếp hàng mua vàng tại một cửa hàng trên phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội) vừa hồ hởi chia sẻ.
![Người dân xếp hàng mua vàng tại một cửa hàng trên "phố vàng" Trần Nhân Tông.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_113_51412349/a3b0dc0be4450d1b5454.jpg)
Người dân xếp hàng mua vàng tại một cửa hàng trên "phố vàng" Trần Nhân Tông.
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, hầu hết các cửa hàng, đơn vị kinh doanh vàng trong mấy ngày trước ngày vía Thần Tài đều "tăng cường" kéo dài thời gian kinh doanh, dù vậy vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Nhiều cửa tiệm lớn trưng bày các ông Thần Tài "khổng lồ" bằng thú nhồi bông, bóng bay cùng tiếng trống, tiếng nhạc rộn rã thu hút khách hàng. Không những vậy, các cửa hàng vàng bạc còn không ngừng tung ra những mẫu mã mới, độc đáo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Nhiều người dân vẫn xếp hàng từ sớm để mua vàng mong cầu may bất chấp việc giá vàng mấy ngày gần đây bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Cập nhập đầu phiên chiều 6/2, giá vàng nhẫn, vàng miếng (bán ra) đang quanh ngưỡng 90 triệu đồng/lượng.
![Giá vàng tăng cao nhưng nhiều người vẫn chờ đợi để mua vàng cầu may.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_113_51412349/40a4331f0b51e20fbb40.jpg)
Giá vàng tăng cao nhưng nhiều người vẫn chờ đợi để mua vàng cầu may.
“Năm nào dịp vía Thần Tài cũng đông nên tôi đã xác định tinh thần là phải xếp hàng, chờ đợi. Giá vàng tăng lên cao quá, tôi chỉ mua 2 chỉ vàng để lấy may mắn trong năm nay chứ không mua nhiều", chị Nguyễn Thị Bích L. (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Nét văn hóa đẹp nhưng cẩn trọng rủi ro “mũ vàng”
Không chỉ mang ý nghĩa cầu tài lộc, may mắn cho khách hàng, ngày vía Thần Tài còn giúp kích cầu tiêu dùng, đóng góp vào sự phát triển của ngành kim hoàn.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, nhiều người chưa hiểu về vàng, chỉ mua theo tâm lý đám đông, nghĩ rằng cứ mua là sẽ gặp may mắn mà không dựa trên kế hoạch hay khả năng tài chính cá nhân. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người chen lấn mua vàng để lấy may nhưng không hiểu được nguồn gốc sâu xa của tín ngưỡng này.
Hơn nữa, vào ngày này, nhu cầu mua vàng tăng đột biến, khiến giá vàng thường được đưa lên cao hơn so với ngày thường. “Mũ vàng" là thuật ngữ chỉ hiện tượng giá vàng tăng vọt do nhu cầu mua cao vào một thời điểm nhất định, nhưng ngay sau đó, giá xuống dốc khi sức mua giảm. Thực tế cho thấy, sau ngày vía Thần Tài, giá vàng thường có xu hướng điều chỉnh giảm, dẫn đến việc nhiều người mua vàng bị “lỗ” ngay sau khi vừa mua.
Không những vậy, lợi dụng nhu cầu mua vàng tăng cao, một số cơ sở kinh doanh vàng nhỏ lẻ có thể bán vàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng hoặc vàng pha tạp với giá cao hơn thực tế. Điều này tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng nếu không tìm hiểu kỹ trước khi giao dịch.
![Một cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có rất đông người chờ mua vàng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_113_51412349/73c5fb7fc3312a6f7320.jpg)
Một cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có rất đông người chờ mua vàng.
Phong tục văn hóa mua vàng ngày vía Thần Tài có ý nghĩa tốt đẹp về mặt tinh thần, nhưng cần được nhìn nhận một cách tỉnh táo và hợp lý.
Theo TS. Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền, ngày vía Thần Tài thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc; trong quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa, đã được tiếp nhận một cách chủ động và sáng tạo cho phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Mua vàng cầu may giống như một "điểm tựa" tâm linh để có thể cho mình niềm tin, năng lượng tích cực, hướng tới điều may mắn, hanh thông để vận hành và phát triển. TS Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, việc làm này không có gì xấu cả; miễn đừng biến nó thành một "điểm tựa" quá đà đến chấp mê, chấp ngộ, mê tín.
"Chung quy lại, mua vàng trong ngày vía Thần Tài tạo cho chúng ta động lực, thôi thúc, khơi gợi sự chủ động vận động và chịu trách nhiệm với chính hành vi của mình trong việc kiến tạo nên các giá trị kinh tế, chứ không phải vàng đó đưa về nó sẽ tự sinh sôi, nảy nở", TS Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ.
Cũng theo TS Nguyễn Ánh Hồng, ngày vía Thần Tài là dịp để mọi người mong cầu sự may mắn tài lộc đủ đầy trong năm. Vì vậy, mọi người cũng không cần quá khắt khe để phải mua được những món đồ giá trị mà hãy lựa chọn sản phẩm phù hợp với điều kiện tài chính và nhu cầu sử dụng của mình.