Phòng ngừa các biến chứng của cúm bằng tiêm vaccine
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), diễn biến thời tiết đặc trưng mùa Đông-Xuân, khí hậu gió mùa nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
![Các bác sĩ khuyến cáo người có bệnh lý nền, người cao tuổi không chủ quan với bệnh cúm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_14_51409630/fb957e674629af77f638.jpg)
Các bác sĩ khuyến cáo người có bệnh lý nền, người cao tuổi không chủ quan với bệnh cúm.
Do vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do virus, các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa lễ hội xuân và các bệnh truyền nhiễm phổ biến như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại, cúm…; tăng cường công tác kiểm dịch y tế và chủ động triển khai hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.
Liên quan đến đợt bùng phát dịch cúm tại Nhật Bản, Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời và cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại với thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan; đồng thời cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
![Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo dõi, điều trị cho một ca nhiễm cúm biến chứng nặng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_14_51409630/0e999c6ba4254d7b1434.jpg)
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo dõi, điều trị cho một ca nhiễm cúm biến chứng nặng.
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lưu ý, những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí tử vong. Thế nhưng có người vẫn chủ quan khi mắc cúm không đi khám sớm, khi bệnh diễn tiến nặng mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh; thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Trong các biện pháp nêu trên, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm và các biến chứng nguy hiểm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiêm phòng vaccine cúm làm giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70-80% và có hiệu lực bảo vệ lên tới 80%-90%. Tính riêng với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, tiêm vaccine có thể giảm 35% tỷ lệ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân tim mạch, giảm 58% tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường, giảm 70% tỷ lệ tử vong ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
![Người dân cần tiêm vaccine để phòng ngừa cúm và các biến chứng nguy hiểm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_14_51409630/b87b188920c7c99990d6.jpg)
Người dân cần tiêm vaccine để phòng ngừa cúm và các biến chứng nguy hiểm.
Theo bác sĩ Lê Thanh Khôi, Trưởng hội đồng Y khoa, hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu cho biết, cúm gây các triệu chứng nặng hơn cảm lạnh thông thường và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi. Để bảo vệ sức khỏe cá nhân, đặc biệt đối với những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh nền, việc chủ động tiêm vaccine cúm là rất quan trọng và nên thực hiện càng sớm càng tốt.
Thông thường, cúm thường diễn biến biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và phục hồi trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết. Các nhóm như người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường… có nguy cơ cao trở nặng hơn.
Hiện nay, hệ thống trung tâm tiêm chủng Long Châu cung cấp hai loại vaccine cúm, gồm Vaxigrip Tetra, được sản xuất tại Pháp bởi hãng Sanofi, và Influvac Tetra, sản xuất tại Hà Lan bởi hãng Abbott. Nguồn cung vaccine cúm được đảm bảo thông qua các kế hoạch nhập khẩu, phân phối từ các nhà sản xuất và bảo quản đúng quy định của Bộ Y tế, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân.