Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản ra sao?

Trên địa bàn Đồng Nai vừa tiếp tục ghi nhận 2 ca bệnh viêm não Nhật Bản, nâng tổng ca bệnh viêm não Nhật Bản từ đầu năm 2024 đến nay lên 3 ca.

Tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ nhỏ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: A.Yên

Tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ nhỏ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: A.Yên

Cụ thể, với bệnh nhân N.A.D. (13 tuổi, ngụ xã Sông Thao, huyện Trảng Bom), người nhà cho biết, sau sinh bé được tiêm chủng 2 mũi vaccine ngừa lao và viêm gan B, cùng các mũi vaccine khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với vaccine viêm não Nhật Bản, người nhà cho hay, bé được tiêm năm một tuổi nhưng không nhớ rõ đã tiêm đủ số mũi chưa. Ngày 9-6, bé D. sốt cao 390C, gia đình tự mua thuốc cho bé uống 3 ngày nhưng không hết. Ngày 12-6, bé được đưa đi khám tại phòng khám tư nhân gần nhà, được chỉ định truyền dịch và cho thuốc về nhà uống. Sau khi truyền dịch, bé có hạ sốt nhưng người nhà thấy bé ngủ li bì, nhận thức kém, mệt nên đưa đến Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom khám. Bác sĩ sau đó chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản. Đến nay, bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện, không sốt nhưng chưa nói chuyện được.

Trường hợp thứ 2 là bé M.D.A. (3 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa). Do cha mẹ đi làm ăn xa nên trước đó không có thời gian đưa bé A. đi tiêm vaccine ngừa viêm não Nhật Bản. Ngày 21-6, bé có triệu chứng sốt cao, ăn uống ít, mệt nhiều nên gia đình đưa đi khám tại phòng khám tư nhân. Sau 2 ngày điều trị, bé vẫn sốt cao và mệt, ngủ li bì, hay giật mình, có triệu chứng gồng cứng người nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé A. bị bệnh viêm não Nhật Bản. Đến nay, bệnh nhi hết sốt, đỡ mệt nhưng chưa đi lại được.

Ngay sau khi ghi nhận 2 ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tuyên truyền cho 2 gia đình biết về bệnh viêm não Nhật Bản. Đồng thời, bệnh viện đề nghị theo dõi sức khỏe những người trong gia đình, nếu có triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau bụng, nôn ói... phải đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa đã thực hiện công tác xử lý ổ dịch tại nơi bệnh nhân sinh sống.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, Trạm Y tế xã Sông Thao, Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa, Trạm Y tế phường Tân Hòa điều tra các đối tượng trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn chưa được tiêm, tiêm chưa đủ liều vaccine ngừa viêm não Nhật Bản để dự trù vaccine, lập kế hoạch tiêm bù, tiêm vét. Những gia đình có con trong độ tuổi trên cần khẩn trương đưa con đi tiêm phòng nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều theo hướng dẫn.

An Yên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202407/phong-ngua-benh-viem-nao-nhat-ban-ra-sao-55c51d8/
Zalo