Phòng, chống tội phạm trong thanh, thiếu niên: Đừng để quá muộn - Kỳ 2: Dựng 'lá chắn', ngăn hành vi lệch chuẩn, phạm pháp
Để phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ gia đình, nhà trường, xã hội cho đến cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, gia đình đóng vai trò nền tảng quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho con em mình. Từ đó, giúp thanh, thiếu niên tuân thủ quy định của pháp luật mọi lúc, mọi nơi, góp phần xây dựng thế hệ tương lai có ích, xã hội ổn định, văn minh và phát triển bền vững...
Phòng ngừa là gốc rễ
Nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên, theo các cơ quan chức năng, giải pháp chủ động phòng ngừa là then chốt, là biện pháp trước mắt và lâu dài, giúp thanh, thiếu niên có nhận thức đúng đắn, từ đó tự tránh xa các hành vi sai trái.
Tại không ít địa phương đã xây dựng mô hình phát hiện và hỗ trợ kịp thời các em có hành vi, tư tưởng lệch chuẩn, tiềm ẩn vi phạm pháp luật. Tháng 5/2024, xã Đạo Trù (Tam Đảo) xây dựng mô hình “Phối hợp quản lý thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật”.
Qua triển khai mô hình, đã có 15 thiếu niên trên địa bàn xã đến cùng ăn, ở, cùng lao động với lực lượng công an xã. Các em đã được cán bộ công an kèm học tập, dạy những điều hay, lẽ phải.
Người thân của những thiếu niên này đánh giá, các em đã có thay đổi rõ rệt, từ những cậu bé nghịch ngợm, mải chơi nay đã ý thức hơn trong việc học tập, biết giúp đỡ mọi người, tránh xa tệ nạn xã hội.
Từ hoạt động của mô hình, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn xã giảm mạnh; không có thanh, thiếu niên bỏ học và liên quan đến tệ nạn xã hội ở mức thấp nhất. Mô hình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng ngừa vi phạm trong thanh, thiếu niên và đang được nhiều đơn vị học tập để triển khai tại địa phương mình...

Trường THPT Đội Cấn (Vĩnh Tường) thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh, giúp các em hình thành kỹ năng phòng, tránh tội phạm, ngăn ngừa vi phạm pháp luật.
Trước tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), gây rối trật tự công cộng đáng báo động, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với ngành giáo dục triển khai quyết liệt nhiều giải pháp ngăn chặn.
Trong năm học 2024 - 2025, Công an tỉnh đã ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh. Từ năm 2024 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh đã tổ chức hơn 6.000 ca tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường, cổng trường; qua đó, phát hiện và xử lý gần 3.000 học sinh vi phạm TTATGT.
Lực lượng công an các địa phương đã thành lập các tổ, chốt tuần tra tại tuyến đường, phố, tập trung vào buổi tối và ban đêm, kiểm tra, vây ráp, xử lý các trường hợp thanh, thiếu niên có biểu hiện lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe.
Từ năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng đã ngăn chặn kịp thời 12 vụ, với hàng trăm đối tượng điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, sử dụng hung khí nguy hiểm cố ý gây thương tích…
Nhiều trường học trên địa bàn đã chủ động phối hợp với lực lượng công an trong việc ngăn chặn học sinh vi phạm TTATGT và phạm pháp. Thường xuyên phối hợp với lực lượng công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức, trang bị kiến thức cho học sinh về TTATGT; phòng, chống ma túy; bạo lực học đường; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống mua bán người; tác hại của thuốc lá… để các em nâng cao nhận thức phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật…
Cô giáo Vũ Thị Thái, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đội Cấn (Vĩnh Tường) chia sẻ: Vi phạm TTATGT là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông. Do đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức ký cam kết giữa học sinh - gia đình - nhà trường; yêu cầu học sinh chấp hành nghiêm quy định về TTATGT. Các mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, “Đội cờ đỏ” cũng được các nhà trường duy trì thực hiện có hiệu quả nhằm hướng dẫn giao thông.

Gia đình là “vắc xin” hiệu quả
“Con tôi ở nhà ngoan lắm” - đó là câu nói trong nước mắt của nhiều phụ huynh khi làm việc với cơ quan công an, nhà trường do con của họ vi phạm pháp luật. Nhiều bậc cha mẹ không ngờ được con của họ có thể thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật manh động, liều lĩnh, thậm chí vô nhân tính.
Thượng tá Trịnh Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh chia sẻ: “Yếu tố then chốt phòng ngừa tội phạm trong thanh, thiếu niên chính là gia đình, vì đó là nơi đầu tiên gieo hạt giống nhân cách, cần yêu thương, nhưng không nuông chiều.
Nếu mỗi gia đình hạnh phúc, văn minh, biết yêu thương và giáo dục con cái tốt thì xã hội sẽ ổn định, văn minh và phát triển bền vững. Gia đình không chỉ là nơi nuôi dưỡng thể chất mà còn là nơi hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống cho mỗi con người.
Những giá trị như tình yêu thương, hiếu thảo, lòng nhân ái, sự tôn trọng… đều bắt nguồn từ cách mỗi người được nuôi dạy trong gia đình. Cha mẹ cần quan tâm, lắng nghe và đồng hành cùng con cái trong cuộc sống hằng ngày. Quản lý thời gian sử dụng internet, mạng xã hội, không giao xe hoặc cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông; định hướng các giá trị sống tích cực; xây dựng môi trường gia đình ấm áp, không bạo lực…
Bản thân thanh, thiếu niên khi được sống trong môi trường giáo dục tốt, luôn tuân thủ các chuẩn mực đạo đức thì sẽ không xảy ra vi phạm pháp luật. Từ đó, các em tích cực tham gia các phong trào thi đua, hoạt động tình nguyện, rèn luyện kỹ năng sống trong các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên… Xây dựng môi trường sinh hoạt lành mạnh, sáng tạo, giúp thanh, thiếu niên phát triển toàn diện.