Năm 2025, các trường thành viên của ĐHQGHN sử dụng 3 phương thức xét tuyển
Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Quy chế tuyển sinh đại học chính quy mới áp dụng từ năm 2025.
Quy chế gồm 03 chương, 24 điều quy định những nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình, quy định cụ thể về xét tuyển, quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác tuyển sinh đại học chính quy tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác tuyển sinh đại học chính quy vào các chương trình đào tạo do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng trường thành viên cấp bằng và các chương trình đào tạo liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng, hai bên cùng cấp bằng. Quy chế này không áp dụng đối với tuyển sinh các chương trình đào tạo liên kết do các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng.
3 phương thức xét tuyển

Ảnh minh họa: Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo đó, năm nay, các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng các phương thức xét tuyển sau: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kết quả thi đánh giá năng lực HSA.
Ngoài ra, các trường có thể dùng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, ACT. Những trường có chương trình, ngành đặc thù có thể xét kết hợp điểm thi năng khiếu hoặc phỏng vấn với học bạ, điểm thi tốt nghiệp, kết quả thi đánh giá năng lực hay chứng chỉ quốc tế.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp hay học bạ, các trường có thể quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thành điểm ngoại ngữ trong tổ hợp với trọng số không quá 50%.

Bảng quy đổi điểm chứng chỉ tiếng Anh sang thang điểm 10 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Danh sách các chứng chỉ ngoại ngữ được trong tuyển sinh đại học chính quy tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh chụp màn hình
Đối tượng nào được ưu tiên xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội?
Ngoài các thí sinh thuộc diện xét tuyển theo Điều 8 của Quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên xét tuyển thêm các đối tượng sau:
Đối với thí sinh diện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển học sinh trung học phổ thông vào bậc đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, ngoài các thí sinh thuộc diện theo quy định tại Điều 8 Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn có các đối tượng sau:
Học sinh trung học phổ thông trên toàn quốc có học lực giỏi trong cả 3 năm học, tốt nghiệp trung học phổ thông và đoạt giải tại các kỳ thi phù hợp với ngành, tổ hợp xét tuyển, bao gồm: Giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi Olympic bậc trung học phổ thông do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; Giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi trung học phổ thông cấp Đại học Quốc gia Hà Nội; Giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố.
Học sinh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia Chương trình VNU 12+, tích lũy tối thiểu 3 học phần đại học trước khi tốt nghiệp trung học phổ thông (trong đó có ít nhất 2 học phần bắt buộc thuộc khối kiến thức ngành, nhóm ngành hoặc khối kiến thức liên quan), theo Quyết định số 2008/QĐ-ĐHQGHN ngày 16/5/2024, cũng được ưu tiên xét tuyển vào đại học.
Các trường hợp đạt giải trong thời gian học trung học phổ thông sẽ được bảo lưu kết quả để xét tuyển trong vòng 3 năm kể từ thời điểm đoạt giải.
Hằng năm, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ công bố hướng dẫn chi tiết về điều kiện, nguyên tắc và tiêu chí phụ trong xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.
Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 20.285 chỉ tiêu cho 12 đơn vị đào tạo, tăng 2.285 chỉ tiêu so với năm 2024. Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng giao 1.500 chỉ tiêu tuyển sinh hệ vừa làm vừa học và 810 chỉ tiêu bằng kép cho một số cơ sở đào tạo.

Bảng thống kê chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy, vừa làm vừa học và bằng kép năm 2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh chụp màn hình