Nâng chuẩn giáo viên mầm non: Song hành bằng cấp và đạo đức nghề nghiệp
Theo chuyên gia, ngoài bằng cấp thì đạo đức nghề nghiệp mới là điều mà bất cứ cơ sở GD nào cũng cần để nâng cao chất lượng đội ngũ và giáo dục trẻ.

Cô trò Trường Mầm non Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) trong hoạt động thể thao ngoài trời.
Bỏ tư tưởng “vơ bèo gạt tép”
Số liệu từ Bộ GD&ĐT cho thấy, toàn quốc hiện còn khoảng 33.000 giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định của Luật Giáo dục 2019, tức giáo viên phải có bằng cao đẳng sư phạm. Tại các cơ sở mầm non ngoài công lập, hơn 16.000 giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm chuẩn theo Luật Giáo dục 2005 chưa được hỗ trợ kinh phí để đào tạo đạt chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Cùng đó, thời gian qua, cơ quan chức năng nhiều lần vào cuộc xác minh và xử lý vụ việc liên quan đến hành vi không chuẩn mực với trẻ tại một số cơ sở mầm non ở Quảng Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh… sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân. Từ góc nhìn thực tế, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - giảng viên cao cấp Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là giáo viên thiếu kỹ năng chuẩn khi chăm sóc và giáo dục trẻ.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, bằng cấp chỉ là điều kiện cần khi tuyển dụng. Với giáo viên mầm non, các cô phải đáp ứng đủ về kiến thức, trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm và ứng xử sư phạm. Ngoài ra, do hệ thống giáo dục mầm non công lập ở nước ta hiện chưa đáp ứng được hết nhu cầu về số lượng trẻ nên sự ra đời của các cơ sở ngoài công lập, tư thục rất cần thiết. Chưa kể, công tác quản lý nhà nước với các đơn vị mầm non ngoài công lập nhiều nơi làm chưa tốt.
“Giáo dục mầm non ngoài công lập gồm các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ tự phát. Do đó, tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc giao cho chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn sau khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Chỉ người ở địa phương mới nắm chắc và sát nhất hoạt động của từng cơ sở giáo dục và tăng cường cơ chế giám sát chặt chẽ”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng bày tỏ.
Về mặt chuyên môn, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh, trường công lập hay ngoài công lập khi tuyển giáo viên phải đảm bảo về bằng cấp. Dù vậy, nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập đang tuyển theo kiểu “vơ bèo gạt tép”. Nhiều người nghĩ, với trẻ mầm non thì ai cũng có thể chăm sóc giáo dục - đây là sai lầm lớn.
Bởi giáo dục mầm non ngoài cần chương trình rõ ràng để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, điều quan trọng cần đội ngũ để giáo dục, chăm sóc trẻ. Do vậy, sau khi được đào tạo, giáo viên cần thuần thục các kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ với tình yêu thương thực sự. Muốn vậy, giáo viên phải có khả năng kiềm chế cảm xúc bản thân. Một khi các cô không làm chủ được cảm xúc sẽ dễ dẫn tới hành vi bột phát hay tác động tiêu cực đến trẻ.

Trẻ tại Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) làm bánh trôi dịp Tết Hàn thực.
Nâng cao vai trò người đứng đầu
Bà Trịnh Thùy Linh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ đồng tình với quan điểm giáo viên phải nâng chuẩn, không chỉ ở bằng cấp mà còn cả vấn đề chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và cần mức lương đãi ngộ đảm bảo đời sống cho giáo viên yên tâm công tác. Từ đó mới lựa chọn được giáo viên vừa “hồng” vừa “chuyên” để dẫn dắt, hướng dẫn trẻ ở giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình phát triển.
“Chúng tôi mong các cấp lãnh đạo có cơ chế đãi ngộ đặc thù với giáo viên mầm non về mức lương, tuổi nghỉ hưu tối đa là 55, đầu tư nguồn kinh phí, bồi dưỡng nâng chuẩn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Việc đào tạo nâng chuẩn phải thực chất, không hình thức chỉ là tấm bằng, hay tranh thủ học mà phải học tập nghiêm túc, tổ chức chuyên sâu trực tiếp vào các ngày thứ 7, Chủ nhật với sự đào tạo từ các chuyên gia có kinh nghiệm, tâm huyết trong nghề”, bà Linh đề xuất.
Từ thực tế đơn vị, vị Hiệu trưởng cho rằng, vai trò của đạo đức nghề nghiệp cần phát huy mạnh mẽ trên mọi phương diện. Việc giữ hình ảnh người thầy, ứng xử văn minh, bảo mật thông tin cá nhân của trẻ và gia đình, làm gương trước trẻ, sử dụng công nghệ đúng mục đích, có đạo đức, hiểu biết trong không gian mạng… là những điều giáo viên muốn trụ được với nghề phải tự hoàn thiện bản thân.
Tại Trường Mầm non Trực Thắng (Trực Ninh, Nam Định), với 31 giáo viên, 470 trẻ ở 15 nhóm lớp, công tác bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ luôn là ưu tiên của nhà trường. Nhờ đó, 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ và được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, tham gia nhiều lớp đào tạo tập huấn nội dung các mô đun bồi dưỡng thường xuyên.
Nhấn mạnh vai trò của tự học, Hiệu trưởng Đỗ Thị Lụa trao đổi, giáo viên trong thời đại công nghệ số cần nâng cao khả năng tự học. Tuy nhiên, để làm tốt việc này các cô phải xác định được đâu là quy chuẩn… để biết cách chọn lọc thông tin, dữ liệu. Khi trình độ và kỹ năng luôn được trau dồi, dù công việc có áp lực, các cô luôn làm chủ được cảm xúc, đem hết tình yêu thương, tâm huyết vào từng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng khẳng định, trách nhiệm của hiệu trưởng/chủ cơ sở giáo dục mầm non phải được phát huy tối đa trong khâu tuyển dụng giáo viên. Bằng cấp đương nhiên cần thiết, nhưng không phải là tất cả để nhìn nhận về trình độ chuyên môn của nhà giáo. Trong quá trình làm việc, tiếp xúc với trẻ hằng ngày, thái độ của giáo viên có niềm nở hay cáu gắt phải được nhìn nhận để điều chỉnh kịp thời.
“Với sự phát triển của khoa học công nghệ, giáo viên mầm non có thêm nhiều công cụ để hỗ trợ cho việc soạn giảng, hướng dẫn trẻ học các kỹ năng cần thiết phù hợp với lứa tuổi. Dù vậy, việc rèn luyện cảm xúc và tạo sự gắn kết với trẻ bằng tình yêu thương mới là yếu tố cốt lõi để lành mạnh hóa môi trường học đường, đặc biệt ở bậc mầm non. Đồng thời, các trường có thể lấy ý kiến phản hồi từ phụ huynh về thái độ của giáo viên với trẻ, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nêu quan điểm.