Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán
Tiếp tục Phiên họp thứ 37, chiều 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước.
Kiểm toán có trọng điểm, cắt giảm các nhiệm vụ trùng lặp với kế hoạch thanh tra
Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước bao gồm 121 nhiệm vụ kiểm toán, được tổ chức thành 166 đoàn kiểm toán. Đến ngày 30/8/2024, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức xét duyệt 109 kế hoạch kiểm toán, triển khai 100 đoàn kiểm toán, trong đó 65 đoàn kiểm toán đã kết thúc; hoàn thành và tổ chức xét duyệt 85 dự thảo Báo cáo kiểm toán và đã phát hành chính thức 81 báo cáo kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước đã sớm ban hành nhiều văn bản triển khai hoạt động kiểm toán. Theo kế hoạch kiểm toán năm 2024, bên cạnh kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách 33 bộ, cơ quan trung ương (83%), 57 địa phương (90%), Kiểm toán Nhà nước tổ chức kiểm toán một số chuyên đề bám sát nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Đối với kế hoạch kiểm toán năm 2025, dự kiến tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 120 nhiệm vụ (giảm 1 nhiệm vụ so với năm 2024), đồng thời phải bảo đảm kiểm toán quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 90% số bộ, cơ quan trung ương, địa phương; kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin phấn đấu mục tiêu tỷ lệ 30% tổng số cuộc kiểm toán năm 2025.
Đồng thời, dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề (chưa bao gồm 2 chuyên đề trong lĩnh vực an ninh quốc phòng); kiểm toán hoạt động 7 chủ đề, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý chất thải bệnh viện, rác thải sinh hoạt đô thị...
Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày tại phiên họp, việc triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2024 đảm bảo tiến độ theo phương án tổ chức kiểm toán đã được phê duyệt. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra, số đoàn kiểm toán triển khai, kết thúc, xét duyệt Báo cáo kiểm toán 8 tháng đầu năm còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn, thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Để đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Kiểm toán Nhà nước làm rõ lý do việc đến ngày 30/8/2024 mới xét duyệt được 109 kế hoạch kiểm toán, bằng 63% kế hoạch đề ra; bổ sung thông tin kết quả kiểm toán chủ yếu và các đề xuất, kiến nghị; bổ sung phụ lục danh mục các đoàn kiểm toán đã triển khai thực hiện, đã ban hành Báo cáo kiểm toán chính thức.
Về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy phù hợp với yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021 - 2030).
Tuy nhiên, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp; đồng thời nhiều địa phương phải tập trung khắc phục hậu quả rất lớn do bão lũ gây ra để phục hồi phát triển kinh tế sau bão lũ. Theo đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, cắt giảm các nhiệm vụ và các cuộc kiểm toán chưa thật sự cần thiết, trùng lặp với các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành để bảo đảm kế hoạch kiểm toán trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, hiệu lực.
Khắc phục hạn chế trong xây dựng phương án tổ chức kiểm toán
Qua nghe báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Kiểm toán Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, hoạt động đã có nhiều đổi mới theo hướng đổi mới toàn diện, có đột phá, bám sát các quy định của Luật Kiểm toán, chiến lược phát triển của Kiểm toán Nhà nước và các chủ trương của Đảng về lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước.
Cơ bản nhất trí với nguyên tắc, mục tiêu, định hướng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm toán năm 2023 còn tồn đọng, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng phương án tổ chức kiểm toán, xác định nội dung, phương pháp kiểm toán; việc đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước cần chủ động phương án trong kết nối thông tin, dữ liệu giữa Kiểm toán Nhà nước với cơ quan liên quan nhằm giúp Kiểm toán Nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ; tiếp tục đôn đốc các ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm kiến nghị kiểm toán.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Kiểm toán Nhà nước làm rõ thêm kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng như nguyên nhân; báo cáo cần bổ sung danh mục cụ thể, nêu rõ cơ quan, đơn vị nào chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận kiến nghị kiểm toán. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cần nêu rõ kết quả thực hiện Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước thời gian qua.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Kiểm toán nhà nước tiếp tục duy trì, phát huy tốt kết quả đạt được, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch công tác năm 2024; tổ chức, thực hiện tốt các nhóm giải pháp đề ra; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán và các kiến nghị, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, tiền tệ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Đối với các đề xuất, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và sẽ có chỉ đạo để đảm bảo hoạt động nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ đã xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2025 đến hết năm 2023”.