Chính sách năng lượng của chính quyền Donald Trump có ảnh hưởng tới cuộc đua chuyển đổi xanh?
Là cường quốc hàng đầu về kinh tế và công nghệ, chính sách mới về ngành năng lượng của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ có những tác động đáng kể tới quá trình chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh của quốc gia này cũng như thế giới.
Như đã tuyên bố từ lâu trong những cuộc vận động tranh cử trước đó, Tổng thống Donald Trump sẽ đưa nước Mỹ rời xa khỏi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mặc cho cả thế giới vẫn đang quyết liệt trong hành trình cắt giảm khí thải carbon. Trở lại Nhà Trắng sau 4 năm vắng bóng, Tổng thống Trump sẽ tái tập trung chính sách năng lượng của Mỹ vào sản xuất dầu khí ở mức tối đa. Tuy nhiên, những đường lối và chính sách ưu tiên cho năng lượng hóa thạch có thể làm chậm lại quá trình phát triển năng lượng tái tạo của Mỹ.
Lấy sản xuất năng lượng hóa thạch làm mục tiêu kinh tế chủ đạo
Độc lập về năng lượng là mục tiêu chính hướng tới của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ tới. Ông cam kết sẽ đưa nước Mỹ dẫn đầu trở lại về kinh tế với những dự án mở rộng mạnh mẽ về nhiên liệu hóa thạch.
Trong buổi phát biểu tại thành phố Palm Beach, bang Florida ngày 6/11 vừa qua, Tổng thống Trump tự tin khẳng định, nước Mỹ có “kho vàng lỏng” nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, vượt qua cả Ả Rập Saudi và Nga.
Các chuyên gia cho biết, sản lượng nhiên liệu hóa thạch của Mỹ trong thời gian tới có khả năng sẽ không thay đổi nhiều dưới thời Tổng thống Trump. Trong những năm qua, Mỹ là quốc gia sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới dưới sự lãnh đạo của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Sự bùng nổ trong sản xuất dầu khí đã nhen nhóm bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, sau đó phát triển trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden.
Những chính sách của Tổng thống Trump dự kiến sẽ cản trở quá trình chuyển đổi xanh theo nhiều cách khác nhau. Theo dự đoán điều đầu tiên mà Tổng thống Trump sẽ thực hiện ngay sau khi tái đắc cử đó là cắt giảm Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của Tổng thống Biden. Đây là nền tảng chính sách khí hậu của Mỹ nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Song song với đó là gia tăng cho thuê đất khai thác dầu khí và mở rộng các mỏ khoan dầu ngoài khơi nhiều hơn. Thay đổi này sẽ trực tiếp có lợi cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch của Mỹ.
Thách thức mà Mỹ sẽ gặp phải trong cuộc đua chuyển đổi xanh
Chính sách đảo ngược dưới thời Tổng thống Trump đã gây ra sự sụt giảm lớn của cổ phiếu ngành năng lượng sạch vào thứ Tư ngày 8/11 vừa qua. Theo các nhà phân tích, chính sách thay đổi cho thuê đất công của Tổng thống Trump chỉ có thể làm chậm quá trình chuyển đổi xanh cũng như các vấn đề về ESG, chứ không thể ngăn được xu thế phát triển của chúng. Song song với đẩy mạnh ngành năng lượng hóa thạch, ông Trump vẫn cân nhắc tập trung đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và ô tô điện.
Tốc độ tăng trưởng chậm của ngành năng lượng tái tạo sẽ khiến cho Mỹ gặp bất lợi về mặt cạnh tranh với các quốc gia và khu vực khác như Trung Quốc hay châu Âu đang tăng tốc trong công nghệ carbon thấp, đầu tư xanh và sản lượng tái tạo. Việc Mỹ lùi bước trong cuộc đua chuyển đổi xanh có thể khiến vị thế dẫn đầu trong công nghệ của Mỹ sẽ có nguy cơ thuộc về các đối thủ trên trường quốc tế.
Chỉ tính riêng năm 2022, năng lượng tái tạo đã chiếm tới 80% công suất phát điện mới cho toàn cầu. Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy quyết tâm đồng lòng của cả thế giới trong công cuộc chuyển đổi năng lượng. Vì thế, nếu Mỹ giảm tốc độ trong cuộc đua chuyển đổi xanh có thể dẫn tới hậu quả kinh tế lâu dài, cụ thể là kém thu hút trong lĩnh vực đầu tư năng lượng xanh vốn đang là xu thế của thời đại.