Hiệu ứng Donald Trump với thị trường tài chính, chứng khoán
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống đã khiến các thị trường bị chi phối lớn bởi yếu tố tâm lý như tài chính, chứng khoán, tiền số… bật tăng mạnh trong ngắn hạn do hưng phấn với triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ sắp tới. Tuy nhiên, đà hưng phấn này khó kéo dài lâu do kinh tế toàn cầu, nhất là thương mại, sẽ gặp nhiều thách thức trong trung và dài hạn.
Cú hích ngắn hạn với thị trường
Kinh tế được xem là thế mạnh, ưu thế vượt trội của cựu Tổng thống Donald Trump trong suốt quá trình tranh cử với đối thủ của đảng Dân chủ - đương kim Tổng thống Joe Biden trước đó và Phó Tổng thống Kamala Harris sau này. Thế nên, rất dễ hiểu vì sao thị trường tài chính, chứng khoán Mỹ và thế giới lại khởi sắc như vậy khi ông Donald Trump được xướng tên là ứng cử viên giành chiến thắng trước bà Kamala Harris trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Ngay từ khi giới truyền thông Mỹ tuyên bố ông Donald Trump lần thứ hai tái đắc Tổng thống Mỹ, 3 chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ là S&P 500 (chỉ số được tính toán và tổng hợp dựa trên số liệu của 500 công ty sở hữu mức vốn hóa lớn nhất, chiếm tới 70% thị trường chứng khoán nước Mỹ); Nasdaq Composite (chỉ số của các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ) và chỉ số Dow Jones (chỉ số trung bình của 30 công ty có giá trị cổ phiếu lớn nhất của Mỹ, phản ánh sức khỏe nền kinh tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới này) đều bật tăng mạnh. Trong đó, chốt phiên giao dịch ngày 6-11 (ngày đầu tiên sau khi có tin ông Donald Trump giành chiến thắng), chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều ghi nhận phiên tăng mạnh nhất 2 năm. Theo đó, chỉ số Dow Jones tăng 3,5% lên kỷ lục 1.508 điểm và chỉ số S&P 500 lên 5.929 điểm; còn chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa tại 18.983 điểm, mức cao nhất từ tháng 2 năm nay.
Trong phiên giao dịch ngày 7-11, các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lại tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite dẫn đầu với đà tăng 1,5% lên mức cao kỷ lục là 19.269,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,7% lên 5.973,10 điểm, cũng là mức cao kỷ lục. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở mức 43.729,34 điểm.
Cũng tại phiên giao dịch ngày 7-11, giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn như Meta và Apple đều tăng mạnh, giúp thúc đẩy đà tăng của thị trường chứng khoán. Cổ phiếu hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk - người ủng hộ mạnh mẽ ông Donald Trump trong chặng đua nước rút bầu cử Tổng thống Mỹ - cũng tăng hơn 14%.
Tất nhiên, sự khởi sắc mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ còn đến từ quyết định cắt giảm lãi suất điều hành tới 25 điểm xuống còn 4,5-4,75%/năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sau cuộc họp kéo dài 2 ngày 6 và 7-11. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tác động lớn từ việc ông Donald Trump giành chiến thắng trước ứng cử viên Kamala Harris - “phó tướng” của Tổng thống Joe Biden vốn không được cử tri, nhất là giới kinh doanh, đánh giá cao về thành tích kinh tế.
Các nhà đầu tư kỳ vọng rằng, sau khi đắc cử Tổng thống, ông Donald Trump sẽ giảm thuế doanh nghiệp và nới lỏng các quy định từng khiến 3 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt. Các nhà đầu tư tin tưởng ông Donald Trump vốn là một tỷ phú và luôn theo đuổi những chính sách thực dụng, hiệu quả sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn so với hiện nay.
Một diễn biến khác đáng chú ý là việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống lần thứ hai cũng tạo ra cú hích mạnh đối với thị trường tiền số. Trong đó, giá đồng Bitcoin liên tiếp lập hết đỉnh này tới đỉnh khác trong những ngày qua để vọt lên 80.000 USD/đồng tối 10-11 (theo giờ Việt Nam) và lên tới mức đỉnh kỷ lục hơn 81.858 USD vào sáng 11-11 (theo giờ Việt Nam). Chiến thắng của ông Donald Trump được xem là động lực chính cho đợt tăng giá mới của các đồng tiền số. Tổng thống đắc cử Donald Trump trước đó đã nhiều lần cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng, sẽ biến nước Mỹ trở thành “thủ đô tiền số của hành tinh”.
Gia giảm liều lượng để hạn chế tác dụng phụ chính sách
Giới quan sát cho rằng, chiến thắng của ông Donald Trump một phần đến từ việc cử tri nước này không hài lòng với nền kinh tế thời Tổng thống Joe Biden, cũng như kỳ vọng ông sẽ điều hành nền kinh tế Mỹ như thời kỳ lạm phát thấp cùng tăng trưởng kinh tế tương đối tốt trong nhiệm kỳ đầu tiên 2016-2020. Theo các chuyên gia, các công cụ kinh tế chủ yếu của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai vẫn sẽ giống như trong nhiệm kỳ trước. Đó là áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu và giảm thuế. Tuy nhiên, cách thức và liều lượng có thể sẽ có sự điều chỉnh và khác biệt so với nhiệm kỳ đầu trước. Thuế quan mà vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ dự tính áp sẽ rộng hơn và cao hơn, trong khi chủ trương giảm thuế lại có phạm vi hẹp hơn.
Các đề xuất bảo hộ thương mại của ông Donald Trump sắp tới được cho sẽ đánh dấu sự chuyển hướng chính sách kinh tế Mỹ sau nhiều thập kỷ. Ông Donald Trump trong quá trình tranh cử đã tuyên bố muốn áp thuế 10-20% với tất cả hàng hóa nhập vào nước này; riêng thuế với hàng hóa của Trung Quốc có thể lên tới 60%. Ông cho rằng, thuế nhập khẩu sẽ bảo vệ việc làm và ngành công nghiệp Mỹ; khẳng định điều đó sẽ khuyến khích sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Donald Trump đã áp thuế 10% và 25% lần lượt với nhôm và thép nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia. Động thái này khiến Canada và Liên minh châu Âu (EU) cũng áp thuế trả đũa lên nông sản Mỹ, khiến nông dân Mỹ chịu thiệt hại không ít. Ông Donald Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên còn phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc từ năm 2018. Khi đó, ông chủ Nhà Trắng đã quyết định áp thuế nhập khẩu lên tới 25% với 350 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong đó có pin năng lượng mặt trời, máy giặt, thép và nhôm dẫn tới sự trả đũa của Trung Quốc bằng các động thái tương tự lên hàng hóa Mỹ.
Các nhà kinh tế lo ngại, việc ông Donald Trump muốn áp thuế nhập khẩu với toàn bộ hàng hóa vào Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai sắp tới có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại mới, tạo ra một chu kỳ căng thẳng leo thang gây hại cho nền kinh tế của cả hai bên. Các chuyên gia kinh tế và giới đầu tư có chung quan điểm rằng, thuế quan sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát, còn việc giảm thuế có thể kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng thâm hụt ngân sách liên bang. Qua đó, các chính sách này sẽ đẩy lãi suất lên cao hơn.
Một báo cáo từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính, nếu các đề xuất tăng thuế khi tranh cử của ông Donald Trump được thực hiện, lạm phát Mỹ có thể lên 6-9,3% năm 2026, so với mức hiện tại là hơn 2%. Trong khi đó, nếu không có chính sách tăng thuế của ông Donald Trump, lạm phát Mỹ có thể về 1,9%. Tăng thuế hàng hóa nhập khẩu còn khiến các sản phẩm hàng ngày, từ điện tử đến thực phẩm thiết yếu ở Mỹ, đều có thể trở nên đắt đỏ hơn. Theo báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, chi phí hàng năm với một hộ gia đình trung bình ở Mỹ có thể tăng thêm khoảng 2.600 USD vì các chính sách của Trump. Trong khi đó, theo một số ước tính khác, con số này có thể còn lên đến 7.600 USD.
Vì thế, giới phân tích cho rằng, ông Donald Trump khi chính thức nắm quyền tại Nhà Trắng từ tháng 1-2025 tới sẽ cân nhắc, điều chỉnh lại các cam kết đưa ra lúc tranh cử để không gây ra tác dụng phụ quá lớn của các chính sách kinh tế, gây hại cho chính người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ.