Phong cách vàng Thụy Sĩ

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ dự trữ 13,2 ounce (411 gram) vàng cho mỗi người dân, cao gấp 11 lần so với mức nắm giữ bình quân đầu người của quốc gia dự trữ vàng lớn nhất là Mỹ!

Thế Chiến II bùng nổ đã làm gián đoạn chuỗi ngày tươi đẹp độc chiếm thị trường vàng thế giới của London. Từ năm 1939 đến năm 1954, thị trường vàng London buộc phải đóng cửa trong cơn khói lửa chiến tranh và sự hỗn loạn của thời kỳ hậu chiến.

Nếu sau Thế Chiến I, Vương quốc Anh vẫn có thể miễn cưỡng duy trì vị thế là trung tâm tài chính của thế giới, thì những tổn thất chưa từng có trong Thế Chiến II, đặc biệt là việc đế chế thuộc địa của Anh bị Mỹ tiến hành cưỡng đoạt và phá hủy, đã khiến London phải mãi mãi đánh mất cơ hội khôi phục quyền bá chủ tài chính. Trên thị trường vàng, một đối thủ đáng gờm khác đã âm thầm xuất hiện, đó chính là Thụy Sĩ.

 Mỗi quốc gia lại có một phong cách riêng về vàng. Ảnh: The Daily Star.

Mỗi quốc gia lại có một phong cách riêng về vàng. Ảnh: The Daily Star.

Thụy Sĩ là trung tâm của các giao dịch thương mại bí mật giữa Đức Quốc xã và phe Đồng minh trong Thế Chiến II. [...]. Sổ cái tổng hợp do các ngân hàng Thụy Sĩ nộp cho Bộ Tài chính Thụy Sĩ cho thấy tổng lượng vàng dự trữ ở Thụy Sĩ đã tăng vọt từ 332 triệu đô-la năm 1941 lên 846 triệu đô-la năm 1945, với ít nhất 500 triệu đô-la trong số đó đến từ Đức Quốc xã.

Con số này trùng khớp với báo cáo điều tra của Quốc hội Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Clinton. Báo cáo chỉ ra rằng trong Thế Chiến II, tổng giá trị của số vàng mà Thụy Sĩ nhận được từ Đức Quốc xã lên đến 440 triệu đô-la [...].

Từ năm 1945 đến năm 1954, tận dụng cơ hội thị trường vàng ở Anh vẫn ở trạng thái đóng cửa, các ngân hàng Thụy Sĩ bắt đầu hoạt động khắp nơi, tích hợp các kênh tiếp thị và cung ứng vàng trên khắp thế giới, cố gắng thiết lập một thị trường vàng toàn cầu với Thụy Sĩ làm trung tâm.

Về kênh cung ứng, người Thụy Sĩ chẳng bận tâm tới vấn đề ý thức hệ [...]. Về kênh tiêu thụ, lần mở rộng thành công nhất của người Thụy Sĩ là khi họ phát hiện ra nhu cầu mua vàng khổng lồ tại thị trường châu Á; đặc biệt, họ đã kiếm được bộn tiền tại thị trường Trung Quốc.

Năm 1949, giá vàng ở Bắc Kinh và Thượng Hải tăng vọt lên 50-55 đô-la, trong khi giá vàng trên thị trường châu Âu chỉ có 38 đô-la. Đồng thời, tín dụng của các ngân hàng Thụy Sĩ đã ăn sâu bám rễ trong tâm trí của người Trung Quốc.

Đà mở rộng nhanh chóng của thị trường vàng Thụy Sĩ đã giúp họ nhanh chóng lôi kéo được sự tham gia của các đơn vị giao dịch vàng thuộc mọi quy mô trên các thị trường toàn thế giới.

Vào đầu những năm 1970, 80% vàng của Nam Phi đã được chuyển đến Thụy Sĩ thay vì Vương quốc Anh. Từ năm 1972 đến 1980, 2.000 tấn vàng do Liên Xô xuất khẩu đã được đưa sang Thụy Sĩ. Giai đoạn giữa những năm 1970, để tiến hành “phi tiền tệ hóa” triệt để đối với vàng, Mỹ và IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) đã bán tháo một lượng lớn vàng miếng trên thị trường, và những người Thụy Sĩ thông minh đã lặng lẽ mua vào 1/3 số đó.

Mỗi năm, Thụy Sĩ cũng xuất khẩu 500 tấn vàng cho ngành công nghiệp trang sức ở Ý và Trung Đông. Những miếng vàng tinh chế của Thụy Sĩ xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ Rome đến Tehran, từ Istanbul đến Riyadh, từ Singapore đến Hồng Kông.

Thị trường vàng khổng lồ đã cung cấp cho Thụy Sĩ nguồn dự trữ vàng hết sức dồi dào, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ dự trữ 13,2 ounce (411 gram) vàng cho mỗi người dân, cao gấp 11 lần so với mức nắm giữ bình quân đầu người của quốc gia dự trữ vàng lớn nhất là Mỹ! Mỗi tờ tiền franc Thụy Sĩ đang lưu hành được đảm bảo bằng lượng vàng miếng có giá trị lên tới 1,1 lần, khiến đồng franc Thụy Sĩ trở thành đồng tiền mạnh nhất trong toàn bộ thế giới phương Tây.

Trước những thách thức mạnh mẽ từ Thụy Sĩ, nước Anh cuối cùng đã đánh mất ngôi vị trung tâm phân phối vàng của thế giới mà họ nắm giữ suốt hơn 300 năm và từng bước suy thoái thành một trung tâm giao dịch thuần túy.

Tuy nhiên, ưu thế của London trong việc định giá vàng vẫn không hề bị suy giảm. Người Anh đã nhìn thấy một xu thế mạnh mẽ hơn nhiều. Do đồng đô-la rơi vào tình trạng phát hành quá mức suốt một thời gian dài nên xét về thực lực tài chính, các tổ chức tài chính và nhà đầu cơ đang nắm giữ lượng tiền khổng lồ trên thị trường vàng đã bỏ xa rất nhiều người có nhu cầu mua vàng vật chất.

Chỉ cần người Anh nắm chắc được nhu cầu đầu tư vốn tài chính thì họ sẽ thu được lợi ích lớn hơn rất nhiều so với việc kiểm soát các kênh cung ứng và tiêu thụ vàng. Thay vì trở thành “phu khuân vác” vàng vật chất trên thế giới, họ muốn trở thành người định giá đối với vàng quốc tế hơn.

Song Hong Bing/Bách Việt Books-NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://znews.vn/phong-cach-vang-thuy-si-post1552967.html
Zalo