Phố Wall đổ dồn chú ý vào dịp Black Friday
Mùa mua sắm Black Friday đang đến gần mang theo những kỳ vọng lớn về sức tiêu dùng và ngành bán lẻ Mỹ.
Black Friday là dịp mua sắm quan trọng giúp đánh giá cách người tiêu dùng thích nghi với giá cả tăng cao, theo Reuters.
Trước dịp mua sắm lớn nhất trong năm của người Mỹ, chỉ số S&P 500 đã tăng 1,7% trong tuần qua, tiệm cận mức cao nhất lịch sử. Lợi nhuận của của các công ty trong rổ chỉ số này dự kiến tăng khoảng 9% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh gần đây của 2 nhà bán lẻ lớn tại Mỹ lại cho thấy triển vọng trái ngược.
Đầu tuần này, chuỗi siêu thị lớn nhất nước Mỹ - Walmart - đã nâng dự báo doanh thu và lợi nhuận lần thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, cổ phiếu của Target lại giảm mạnh sau khi dự báo doanh số và lợi nhuận quý III thấp hơn kỳ vọng.
Mùa mua sắm cuối năm sẽ cung cấp thêm thông tin về chi tiêu tiêu dùng, yếu tố đóng góp hơn 2/3 vào hoạt động kinh tế Mỹ, hiện vẫn đang là bài toán lớn khi giá cả cao đè nặng lên túi tiền của người tiêu dùng.
Theo Abby Roach, chuyên gia tại Allspring Global Investments, dù lạm phát đã giảm sâu so với mức đỉnh 40 năm ghi nhận vào 2 năm trước, áp lực tài chính vẫn còn rõ rệt với người Mỹ. “Người tiêu dùng cảm thấy đồng tiền của họ không còn giá trị như trước đây”.
Việc chi tiêu tăng mạnh vào cuối năm có thể củng cố loạt dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng vượt kỳ vọng. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn lo ngại nguy cơ lạm phát tăng trở lại, ảnh hưởng đến kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong những tháng tới.
Theo khảo sát của Morgan Stanley với khoảng 2.000 người tiêu dùng, người Mỹ đang có cái nhìn tích cực hơn về mùa mua sắm năm nay so với 2 năm trước. Khoảng 35% người được hỏi dự kiến chi tiêu nhiều hơn so với năm ngoái.
“Các công ty có thể hưởng lợi từ không khí mua sắm năm nay, nhưng chi tiêu sẽ không tăng đồng đều trên mọi danh mục vì người tiêu dùng vẫn mua sắm chọn lọc”, các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định.
Năm 2024 cũng chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ trong nhóm cổ phiếu bán lẻ. Cổ phiếu Walmart đã tăng hơn 70% từ đầu năm, Costco tăng 46%, trong khi Amazon với danh mục kinh doanh đa dạng, bao gồm cả điện toán đám mây đã tăng 30%.
Ngược lại, Dollar General và Dollar Tree giảm lần lượt 40% và 50% từ đầu năm do chịu tác động từ nhóm khách hàng thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Tương tự, cổ phiếu chuỗi bán lẻ Target cũng giảm 12%.
Hai nhóm ngành liên quan bán lẻ trong rổ chỉ số S&P 500 là tiêu dùng không thiết yếu và tiêu dùng thiết yếu đã tăng lần lượt 23% và 16% trong năm nay, thấp hơn so với mức tăng 25% của toàn chỉ số.
Tuần tới, các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ các báo cáo tài chính từ Best Buy, Macy's, Nordstrom và Urban Outfitters. Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát yêu thích của Fed - sẽ được công bố.
Theo Michael O’Rourke, chiến lược gia trưởng tại JonesTrading, nền kinh tế Mỹ vẫn ở trạng thái ổn định, nhưng thách thức nằm ở việc xử lý dư âm của nhiều năm lạm phát cao.
“Với các nhà bán lẻ, điều cốt yếu là cân bằng giữa bảo vệ biên lợi nhuận và cung cấp giá trị đủ hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng”.