Ninh Bình tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế
Ngày 28/11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024.
Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh; Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thành phố và 140 đại biểu là cán bộ Hội Nông dân cơ sở, Chi Hội trưởng nông dân, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đại diện cho hơn 133.000 hội viên nông dân, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác,chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với tinh thần xây dựng và dân chủ, các cán bộ, hội viên, nông dân đã đặt ra các câu hỏi, kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải đáp, tháo gỡ các vấn đề liên quan đến các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; chính sách quản lý đất đai, tài nguyên môi trường; Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện và an sinh xã hội để nông dân yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, đời sống.
Các đại biểu nêu các ý kiến, mong muốn, kiến nghị về chính sách nhân rộng mô hình nuôi con đặc sản; công tác đào tạo, tập huấn, hỗ trợ cho việc khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư hoặc chuyển đổi các ngành nghề khác, phát triển sản xuất kinh doanh và dịch vụ; giải pháp để có nhiều hơn nữa các sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao, đặc biệt là sản phẩm từ các mô hình phát triển kinh tế của nông dân...
Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị tỉnh có quy định cụ thể về “Đất xây dựng công trình gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp gồm đất xây dựng nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ cho người lao động; đất xây dựng công trình để bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ khác”; việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 313; mong muốn thời gian đấu thầu tăng lên 5 năm đến 10 năm để người dân có cơ sở cải tạo đất, đầu tư giống vốn, cơ sở vật chất; sớm có phương án giải quyết đất tồn tại trước năm 2000 do chính quyền xã giao đất trái thẩm quyền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân theo quy định; hỗ trợ chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao…
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã trả lời, giải đáp thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên, nông dân, đồng thời, thông tin các chủ trương, quan điểm, cơ chế, chính sách của tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện; một số chính sách mới trong thời gian tới sẽ triển khai.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình khẳng định, tỉnh luôn ghi nhận, quan tâm chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nông dân và lắng nghe các ý kiến phản ánh, đề xuất, đóng góp của hội viên, nông dân trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội.
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo cơ chế, chính sách cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành bảo đảm công khai, minh bạch để tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để hội viên, nông dân chủ động xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất kinh doanh và liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị hàng hóa của nông dân làm ra.
Đối với các ý kiến chưa được giải đáp trực tiếp tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội Nông dân tỉnh tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản giao cho các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ, khẩn trương xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo nguyện vọng chính đáng của cán bộ, hội viên, nông dân.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc cũng đề nghị Hội Nông dân tỉnh tiếp tục quan tâm, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bà con nông dân; chủ động theo dõi, kịp thời phản ánh, kiến nghị với cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, góp phần hỗ trợ nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững.