Phố Wall chìm trong sắc đỏ vì sợ thuế quan gây suy thoái kinh tế
Các chỉ số chứng khoán Mỹ ghi nhận mức giảm phần trăm một ngày lớn nhất trong nhiều năm vào 3/4 khi các mức thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại và suy thoái kinh tế toàn cầu…

Kết phiên 3/4, chỉ số Dow Jones giảm 1.682,61 điểm (-3,98%) xuống 40.542,71 điểm, S&P 500 mất 275,05 điểm (-4,85%) thành 5.395,92 điểm, và Nasdaq Composite lao dốc 1.053,60 điểm (-5,99%) còn 16.547,45 điểm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ hứng chịu làn sóng bán tháo lớn. Cổ phiếu Apple gần “rơi tự do” vì mức thuế khổng lồ áp lên hàng hóa Trung Quốc, nơi sản xuất chính của iPhone. Nvidia và Amazon cũng bị tổn thất lớn.
Ngành bán lẻ cũng bị áp lực, với Nike và Ralph Lauren giảm mạnh do hàng loạt mức thuế mới đánh vào các trung tâm sản xuất chính như Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc. Nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu là điểm sáng hiếm hoi, nhờ tính phòng thủ của ngành và nhờ cổ phiếu Lamb Weston tăng cao sau báo cáo lợi nhuận tích cực.
Các ngân hàng lớn như Citigroup, Bank of America và JPMorgan Chase không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực do lo ngại rủi ro kinh tế.
Tương tự, Exxon Mobil và Chevron giảm mạnh khi giá dầu thô lao dốc 6,8% do tác động từ thuế quan và OPEC+ đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng.
Chỉ số Russell 2000, theo dõi các doanh nghiệp nhỏ, lao đao; phản ánh mối lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế nội địa.
"Các công ty vốn hóa nhỏ thường là nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn, vì vậy khi các công ty lớn gặp khó do thuế quan, họ cũng sẽ gây áp lực lớn lên các nhà cung ứng nhỏ”, ông Steven DeSanctis, chiến lược gia về cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tại Jefferies Financial Group
Các nhà đầu tư đã ồ ạt rời khỏi nhóm tài sản rủi ro để tìm đến sự an toàn của trái phiếu chính phủ sau khi chính quyền Donald Trump tuyên bố áp thuế lên hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Những mức thuế này, có khả năng làm gián đoạn trật tự thương mại toàn cầu, đánh dấu sự thay đổi rõ rệt so với vài tháng trước khi kỳ vọng về những chính sách thân thiện với doanh nghiệp từng giúp chứng khoán Mỹ lập kỷ lục.
Thị trường còn bày tỏ quan ngại về cách các quốc gia khác sẽ phản ứng với loạt biện pháp thuế quan mới nhất. Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa, trong khi Liên minh châu Âu cũng có động thái tương tự khi đối mặt với mức thuế 20%. Hàn Quốc, Mexico, Ấn Độ và một số đối tác thương mại khác tạm thời chờ đợi để thương thuyết trước khi mức thuế có hiệu lực vào ngày 9/4.
Những ngày tới dự kiến sẽ đầy biến động khi thị trường dõi theo diễn biến và tác động kinh tế từ các biện pháp thuế quan của ông Donald Trump. Chỉ số biến động CBOE, còn gọi là "thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall", chạm mức cao nhất trong ba tuần.
"Vẫn còn nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời”, ông Steven DeSanctis của Jefferies Financial Group nhận xét.
Ở một diễn biến khác, giới giao dịch đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm nay, bắt đầu với đợt giảm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 6. "Fed vẫn có nhiều công cụ để hỗ trợ thị trường”, ông George Bory, chiến lược gia đầu tư tại Allspring Global Investments lưu ý và cho rằng việc hạ lãi suất vào tháng 6 gần như là chắc chắn, thậm chí có thể diễn ra ngay trong tháng 5.
Điều này làm tăng tầm quan trọng của báo cáo việc làm và bài phát biểu vào 4/4 của Chủ tịch Fed Jerome Powell, những sự kiện có thể cung cấp những tín hiệu quan trọng về sức khỏe nền kinh tế Mỹ và chính sách tiền tệ sắp tới.
GIÁ DẦU MẤT HƠN 6%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu chứng kiến mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ năm 2022 sau khi OPEC+ bất ngờ thông báo tăng sản lượng ngay một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt thuế nhập khẩu mới.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 4,81 USD, tương đương 6,42%, xuống 70,14 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ mất 4,76 USD, tương đương 6,64%, còn 66,95 USD/thùng.
Brent đang hướng tới mức giảm lớn nhất kể từ 1/8/2022, trong khi WTI có phiên giảm sâu nhất kể từ 11/7/2022.
Tại cuộc họp bộ trưởng vào 3/4, OPEC+ quyết định đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng, với mục tiêu bổ sung 411.000 thùng/ngày vào thị trường trong tháng 5, thay vì 135.000 thùng/ngày như kế hoạch ban đầu.
"Kinh tế và nhu cầu dầu luôn có mối liên hệ chặt chẽ. Thị trường vẫn đang “tiêu hóa” tin tức thuế quan, nhưng sự kết hợp giữa việc tăng sản lượng và triển vọng kinh tế suy yếu đang gây áp lực giảm giá dầu và có thể mở ra một chương mới đầy biến động”, ông Angie Gildea, lãnh đạo mảng năng lượng tại KPMG Mỹ, cho biết.
Giá dầu đã giảm khoảng 4% trước khi cuộc họp của OPEC+ diễn ra, do các nhà đầu tư lo lắng rằng thuế quan sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại toàn cầu, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu nhiên liệu.