Làm tốt công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
Người khuyết tật thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội rất cần sự quan tâm. Vì vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, tạo việc làm, sinh kế, công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật cũng được chú trọng. Nhiều năm qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động TGPL cho người khuyết tật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, đề cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật.
Thời gian qua, việc thực hiện TGPL cho người khuyết tật thuộc diện được TGPL đã được Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền chú trọng phối hợp thực hiện. Trong đó, tập trung tăng cường truyền thông về TGPL, nâng cao năng lực TGPL và cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người khuyết tật bằng các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình làm việc giữa người thực hiện TGPL với người khuyết tật còn có những hạn chế do các yếu tố khác, nhất là sự khó khăn trong vận động, giao tiếp của người khuyết tật. Một số người khuyết tật chưa biết về quyền được TGPL do phương pháp truyền thông chưa phù hợp với các dạng tật khác nhau, mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền qua tờ gấp và đài phát thanh, các hội nghị TGPL.
Bên cạnh đó, đối với người khuyết tật, việc đi lại, nghe, nói, tiếp xúc, trao đổi rất khó khăn, vì vậy họ không thể đến nơi tổ chức hội nghị TGPL hay trung tâm để yêu cầu TGPL trong khi các phương thức đặc thù dành cho người khuyết tật chưa có... Để khắc phục những hạn chế trên và nhằm bảo đảm quyền được TGPL cho người khuyết tật, theo ông Phạm Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thị xã Kim Bảng, hội thường xuyên cử cán bộ trực tại văn phòng hội cũng như bám sát cơ sở, kịp thời tiếp nhận những vướng mắc, ý kiến, kiến nghị của hội viên, người khuyết tật trên địa bàn. Với những vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật, hội tổng hợp và liên hệ với các đơn vị có liên quan, như: phòng Tư pháp, phòng Nội vụ… để kịp thời trả lời, giải quyết những vấn đề thắc mắc của hội viên; kết nối hội viên với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh để nhận sự hỗ trợ kịp thời về pháp lý.

Các đại biểu tham dự hội nghị truyền thông về TGPL cho người khuyết tật tại thị xã Kim Bảng.
Nhằm tạo điều kiện cho người được TGPL nói chung và người khuyết tật nói riêng đang sinh sống trên địa bàn tỉnh được tiếp cận các quy định pháp luật về TGPL cũng như pháp luật về người khuyết tật, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh còn tăng cường phối hợp với Hội Người khuyết tật tỉnh tổ chức nhiều hoạt động truyền thông TGPL hướng về cơ sở. Theo đó, trong tháng 3 và tháng 4/2025, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã phối hợp với Hội Người khuyết tật tỉnh tổ chức 6 hội nghị truyền thông, tập huấn kiến thức pháp luật về TGPL và các chính sách cho người khuyết tật ngay tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tại các hội nghị, hơn 600 hội viên và người khuyết tật ở các địa phương đã được nghe cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh phổ biến các nội dung cơ bản của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Đất đai; chính sách liên quan trực tiếp tới người khuyết tật trong các lĩnh vực, như: y tế, giáo dục và đào tạo, lao động, việc làm, bảo trợ xã hội...; thủ tục hành chính để hưởng các chế độ liên quan đến khuyết tật.
Cùng với đó, cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cũng đã thực hiện TGPL miễn phí cũng như trực tiếp giải đáp hơn 30 lượt hội viên có vướng mắc về những quy định pháp luật về đất đai, thừa kế tài sản; chính sách liên quan đến người khuyết tật. Ngoài các nội dung truyền đạt, trợ giúp trực tiếp tại hội nghị, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh còn phát các tờ gấp giới thiệu tóm tắt nhiều quy định pháp luật thiết yếu cho người khuyết tật, qua đó giúp người khuyết tật có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt sâu hơn các nội dung truyền thông về pháp lý. Ông Nguyễn Trọng Thể, xã Thụy Lôi, thị xã Kim Bảng cho biết: Hội nghị tuyên truyền, tập huấn về TGPL ngay tại cơ sở là rất cần thiết, đặc biệt đối với những người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong vận động, giao tiếp. Qua đó giúp chúng tôi nâng cao hơn hiểu biết đối với các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến người khuyết tật; cũng như hỗ trợ tư vấn kịp thời những vấn đề pháp lý mà người khuyết tật đang quan tâm, gặp phải trong đời sống.
Thời gian tới, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tiếp tục bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ những người trực tiếp thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, TGPL, giúp họ có điều kiện tiếp cận, làm chủ những phương thức, kỹ năng truyền thông đặc thù, phù hợp với các dạng tật của người khuyết tật; triển khai các phương thức truyền thông pháp luật và TGPL đặc thù phù hợp với người khuyết tật; tăng cường truyền thông pháp luật về TGPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua tờ gấp pháp luật với hình thức phù hợp với từng dạng tật. Ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết: Để hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ pháp luật, TGPL cho người khuyết tật đạt được hiệu quả thiết thực, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật thuộc diện được TGPL và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tiếp tục quan tâm đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức, hiệp hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật trong việc tạo điều kiện hỗ trợ người khuyết tật được tiếp cận với những hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, TGPL một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, bảo đảm 100% người khuyết tật được trợ giúp khi có nhu cầu.