Phố Wall 'bốc hơi' sau 2 phiên tăng liền; Dầu lùi nhẹ
Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ vào thứ Ba (15/4), khi nhà đầu tư phân tích loạt báo cáo lợi nhuận quý đầu tiên mới nhất và trong bối cảnh thị trường biến động gần đây. Giá dầu giảm, sau khi IEA cắt giảm dự báo nhu cầu dầu, mặc dù đà giảm giá dầu đã bị kìm hãm bởi đề xuất của Mỹ về một số miễn trừ thuế quan mới.

Cổ phiếu ngân hàng khởi sắc
Kết phiên, chỉ số Dow Jones trượt 155,83 điểm, tương đương 0,38% còn 40.368,96 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,17% xuống 5.396,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,05% xuống 16.823,17 điểm. Cả 3 chỉ số đều vừa ghi nhận 2 phiên tăng liên tiếp.
Biến động khá nhẹ nhàng trong ngày thứ Ba hoàn toàn trái ngược với những biến động bất ổn trong các phiên gần đây. Chỉ số đo lường mức độ biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, đã giảm xuống mức 30 sau khi đạt mức cao 60 vào tuần trước.
Cổ phiếu Bank of America và Citigroup lần lượt tăng 3,6% và 1,8%, sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 1 vượt kỳ vọng của các chuyên gia phân tích. Nhìn chung, các cổ phiếu ngành ngân hàng đã tạo ra động lực tăng, với chứng chỉ quỹ SPDR S&P Bank ETF (KBE) cộng hơn 1%.
Các báo cáo quan trọng khác sẽ được công bố trong tuần này bao gồm United Airlines và Netflix. Trước khi công bố báo cáo lợi nhuận, cổ phiếu Boeing đã “bốc hơi” hơn 2% sau khi Bloomberg đưa tin Bắc Kinh đã ra lệnh cho các hãng hàng không Trung Quốc không được tiếp nhận thêm máy bay Boeing.
Chứng khoán Mỹ được hỗ trợ trong tuần này sau khi hướng dẫn vào ngày 11/4 từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ tiết lộ các miễn trừ thuế quan đối ứng đối với các sản phẩm điện từ như điện thoại thông minh, máy tính và chất bán dẫn. Tuy nhiên, bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick vào ngày 13/4 cho thấy việc miễn thuế này có thể chỉ là tạm thời.
IEA hạ triển vọng nhu cầu
Khép phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent lùi 21 xu, tương đương 0,32% xuống 64,67 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 20 xu, tương đương 0,33% còn 61,33 USD/thùng.
Các chính sách thương mại dao động của Mỹ đã tạo ra sự bất ổn cho thị trường dầu toàn cầu và khiến OPEC hạ triển vọng nhu cầu vào ngày 14/4.
IEA vào thứ Ba cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu xuống 730.000 thùng/ngày trong năm nay từ mức 1,03 triệu thùng/ngày và xuống 690.000 thùng/ngày vào năm tới, với lý do căng thẳng thương mại leo thang.
BNP Paribas đã giảm dự báo giá trung bình trong năm nay và năm tới từ 65 USD/thùng xuống còn 58 USD/thùng.
Trong những nhận định giúp hỗ trợ giá dầu, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright cho biết vào ngày 11/4 rằng Mỹ có thể ngừng xuất khẩu của Iran như một phần trong kế hoạch của ông Trump nhằm gây sức ép với Tehran về chương trình hạt nhân của nước này.
Dữ liệu vào ngày 14/4 cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước, do lượng dầu nhập khẩu từ Iran tăng mạnh.
Các tài sản rủi ro như chứng khoán và dầu cũng nhận được một số hỗ trợ sau khi ông Trump cho biết ông đang cân nhắc sửa đổi mức thuế quan 25% áp dụng đối với ô tô nhập khẩu từ Mexico và các nơi khác.