Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Cần có cơ chế doanh nghiệp Nhà nước trả lương như doanh nghiệp tư nhân

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng khi tìm được nhân tài mà doanh nghiệp tư nhân trả lương 100 triệu đồng, doanh nghiệp Nhà nước trả lương 10 triệu đồng thì khó thu hút được.

Chiều 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau

Trình bày báo cáo tiếp thu một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, dự luật đã cơ bản bảo đảm đúng mục đích, quan điểm xây dựng Luật, kế thừa và hoàn thiện nhiều quy định còn giá trị, đang thực hiện ổn định. Dự thảo Luật đã được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của ĐBQH.

“Đến nay, giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan có liên quan về cơ bản thống nhất nhiều nội dung, tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện còn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Thường vụ Quốc hội”, ông Mãi cho hay.

Các vấn đề còn ý kiến khác nhau bao gồm: Hạn chế hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, thẩm quyền quyết định nhân sự, tiền lương, bảo toàn phát triển vốn, quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, lợi nhuận để lại.

Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề cập đến việc can thiệp của chủ sở hữu vốn đối với doanh nghiệp. Ông Định cho rằng doanh nghiệp cũng chịu nhiều thủ tục hành chính, phân tầng, nấc, khiến cho doanh nghiệp có vốn nhà nước khó tự chủ quyết định các vấn đề sản xuất, kinh doanh.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định so sánh Petronas thành lập sau PVN nhưng lại phát triển gấp nhiều lần. Ảnh: QH

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định so sánh Petronas thành lập sau PVN nhưng lại phát triển gấp nhiều lần. Ảnh: QH

Ông Định lấy ví dụ về Tập đoàn Petronas của Malaysia. Tập đoàn này thành lập sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 3 năm, nhưng hiện nay họ đã phát triển, kinh doanh trên 100 nước, doanh thu lớn hơn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rất nhiều. Ông Định cho rằng có thể cách thức điều hành doanh nghiệp của Malaysia khác Việt Nam nên Petronas mới phát triển được như vậy.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thì cho rằng sửa luật lần này phải làm sao để doanh nghiệp có vốn nhà nước mạnh lên, bứt phá được trong bối cảnh kinh tế nhà nước vẫn đang là chủ đạo. Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị phải xem xét cách thức điều hành, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải xem xét cách quản lý đối với các doanh nghiệp mà vốn nhà nước chiếm tỉ lệ dưới 50%.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị làm rõ thêm các cách thức quản lý đối với các công ty F1, F2… cũng như các vấn đề liên quan đến điều hành, đến thẩm quyền của người đại diện phần vốn chủ sở hữu nhà nước.

Luật “đụng chạm” đến nhiều doanh nghiệp

Giải trình, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng đây là một luật rất khó, đụng chạm đến nhiều doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng cho biết đã chủ trì ba cuộc họp với các doanh nghiệp lớn, các UBND có nhiều doanh nghiệp nhà nước, lấy ý kiến chuyên gia…nhưng còn nhiều vấn đề.

Chẳng hạn với ý kiến cần quy định hạn chế đầu tư của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết những vấn đề này đã được quy định trong Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh, thực tiễn điều hành thì Chính phủ cũng quy định bằng các nghị định về đầu tư ngoài ngành.

 Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói luật này phải giải phóng nguồn lực, hạn chế được tiêu cực, thất thoát. Ảnh: QH

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói luật này phải giải phóng nguồn lực, hạn chế được tiêu cực, thất thoát. Ảnh: QH

“Nói như Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội thì luật này phải giải phóng được nguồn lực, hạn chế được tiêu cực, thất thoát”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Về nhân sự của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị giao cho Chính phủ thẩm quyền bổ nhiệm, chỉ định theo luật Tổ chức Chính phủ. Đồng thời, việc thanh tra các doanh nghiệp cũng thực hiện theo chức năng quản lý nhà nước.

Đối với việc quản lý phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp chiếm tỉ lệ dưới 50%, Phó Thủ tướng giải thích Nhà nước có đủ công cụ để kiểm soát.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị cho doanh nghiệp cơ chế trả lương như doanh nghiệp tư nhân để thu hút nhân tài, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật giỏi. “Doanh nghiệp tư nhân tìm được nhân tài có thể trả lương 100 triệu đồng, doanh nghiệp Nhà nước trả 10 triệu đồng thì khó thu hút được”, Phó Thủ tướng nói.

Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng hoàn toàn nhất trí với các ý kiến của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh đối tượng quản lý trong dự luật đã thay đổi hoàn toàn theo hướng chỉ quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp, các quy định đều thông thoáng. Đối với trường hợp doanh nghiệp có tỉ lệ vốn Nhà nước dưới 50% thì quản lý qua người đại diện phần vốn, bảo đảm không có tác động nào nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động bình thường.

“Người đại diện phần vốn Nhà nước còn có chức năng theo dõi, tham gia định hướng với các doanh nghiệp và đưa ra quyết định. Doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì đề xuất tăng vốn, còn nếu đánh giá doanh nghiệp không phát triển được, có rủi ro thì có thể đề xuất rút hay giảm phần vốn nhà nước tham gia”, Bộ trưởng Thắng nói.

Doanh nghiệp tự quyết lương

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay dự luật có các quy định giao quyền chủ động quyết định mức lương cho doanh nghiệp. Chỉ có một vài vướng mắc như chính sách tiền lương đối với thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát. Đối với người đại diện chủ sở hữu và thành viên ban kiểm soát thì xin ý kiến Thường vụ Quốc hội theo hướng: chủ sở hữu vốn nhà nước quyết định mức thù lao còn lương thì giao cho doanh nghiệp tự quyết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tham gia giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu thêm trường hợp: Những người được biệt phái đại diện phần vốn chủ sở hữu nhà nước nhiều khi chỉ có lương 25 triệu/tháng, nhưng Phó Tổng Giám đốc của doanh nghiệp lương lại 150 triệu đồng. Phó Thủ tướng xin ý kiến Ủy ban Thường vụ cho doanh nghiệp được quyết luôn chuyện này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, nếu đã là doanh nghiệp thì cứ theo quy định của doanh nghiệp, để tránh tình trạng khi biệt phái thì doanh nghiệp còn khó khăn, thu nhập thấp nhưng khi doanh nghiệp ăn nên làm ra thì người biệt phái lại được điều chuyển.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/pho-thu-tuong-ho-duc-phoc-can-co-co-che-doanh-nghiep-nha-nuoc-tra-luong-nhu-doanh-nghiep-tu-nhan-post844970.html
Zalo