Phó Cục trưởng Thi hành án dân sự Nam Định và 4 sáng kiến từ địa phương
Trước khi đảm nhận cương vị Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Nam Định, ông Phạm Ngọc Chanh là Chi cục trưởng THADS huyện Vụ Bản. Từ thực tế công tác tại cơ sở, ông Phạm Ngọc Chanh đã có nhiều đề tài sáng kiến trong công tác Thi hành án dân sự được áp dụng hiệu quả tại địa phương.

Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định Phạm Ngọc Chanh
Chúng tôi gặp ông Phạm Ngọc Chanh vào năm 2022, khi ấy còn là Chi cục trưởng THADS huyện Vụ Bản.
Tiếp chúng tôi, ông Chanh cho biết, đề tài sáng kiến: “Một số giải pháp giải quyết triệt để án chủ động trong thi hành án dân sự tại cơ sở” đã tác động và mang lại hiệu quả tích cực đối với các cơ quan Thi hành án. Đặc biệt là giúp cho bản thân các chấp hành viên hoàn thành được các chỉ tiêu được cấp trên giao.
Nội dung đề tài sáng kiến gồm 5 phần, rất chi tiết cụ thể, nhưng điểm quan trọng nhất vẫn là “đọc và nghiên cứu kỹ bản án trước khi tác nghiệp.
“Đây là yêu cầu bắt buộc rất quan trọng khi chấp hành viên giải quyết bất cứ vụ việc thi hành án nào. Có thể nói việc làm này sẽ giúp chấp hành viên phát hiện ra những sai sót, bất cập của bản án và nhanh chóng tìm ra phương hướng giải quyết hợp lý cho từng vụ việc để khi đưa ra thi hành không gặp những khó khăn vướng mắc, những bất cập.
Qua bản án của Tòa án, chấp hành viên nhanh chóng chắt lọc lấy những thông tin quan trọng nhất về nhân thân cũng như hoàn cảnh riêng của người phải thi hành án như: có tiền án tiền sự chưa, xuất thân như thế nào, thụ án bao nhiêu năm, bố mẹ, vợ con...
Với các vụ việc thi hành án chủ động, đa số rơi vào án hình sự, kinh tế, ma túy... thì các thông tin này rất quan trọng trong việc chấp hành viên xác định sẽ viết giấy triệu tập, giấy báo, thông báo cho đối tượng nào, làm thông báo tống đạt cho trại giam ra sao. Khi xác minh lần đầu theo địa chỉ của bản án như thế nào, ông Chanh nhấn mạnh.
Tiếp đến là công tác phối hợp chính quyền địa phương, tòa án cùng cấp, nhà tạm giam, viện kiểm sát để giải quyết dứt điểm các hồ sơ thi hành án chủ động và tỉ lệ án tồn đọng chuyển kỳ năm nay sẽ thấp hơn năm trước.

Một buổi giao ban định kỳ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Vụ Bản
Phát huy hiệu quả của đề tài, năm 2023, ông Phạm Ngọc Chanh tiếp tục đưa ra sáng kiến với nội dung “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự”. Nhằm chú trọng tới sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự. Đồng thời truyên truyền pháp luật về thi hành án dân sự, vận động thuyết phục đương sự và thân nhân của đương sự thi hành nghĩa vụ của mình. Đẩy mạnh công tác dân vận để vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nhờ áp dụng đề tài sáng kiến đó mà các chỉ tiêu thi hành án xong về việc trong năm 2023 của Chi cục THADS huyện Vụ Bản đạt được 92%, chỉ tiêu thi hành xong về tiền đạt 55% (vượt chỉ tiêu Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Cục THADS tỉnh Nam Định giao là 7%).
Không dừng lại ở đó, năm 2024, ông Chanh tiếp tục đưa ra 2 đề tài sáng kiến để áp dụng cho Chi cục THADS huyện Vụ Bản và áp dụng nhân rộng trong toàn tỉnh Nam Định.
Sáng kiến thứ nhất: “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, lãnh đạo trong hoạt động thi hành án dân sự". Nội dung chú trọng công tác quán triệt, triển khai và thực hiện văn bản; công tác phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra; thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy dân chủ, tính chủ động sáng tạo; xây dựng mối quan hệ phối hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý; chú trọng công tác đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm.
Song song với đó, đề tài sáng kiến thứ 2 có nội dung: “Một số giải pháp nâng cao tính tích cực lao động của công chức và người lao động tại các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định" cũng được áp dụng nhằm nâng cao tính tích cực lao động của công chức, người lao động tại các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định.
Thực hiện đồng bộ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao tính tích cực nghề nghiệp của công chức trong cơ quan, tổ chức do mình lãnh đạo, quản lý; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật: Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho công chức, người lao động sao cho phù hợp với công việc và trình độ năng lực chuyên môn; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức cán bộ; xây dựng và nâng cao vai trò của văn hóa công sở,...Qua đó, khuyến khích được sự cố gắng, nỗ lực, tính sáng tạo trong giải quyết công việc của công chức và người lao động. Tạo được môi trường lao động minh bạch, công khai, văn minh, dân chủ và công bằng, đó là động lực thúc đẩy tính tích cực lao động của công chức và người lao động tại các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định.

Tập thể lãnh đạo và công chức Chi cục thi hành án huyện Vụ Bản (năm 2024)
Hiệu quả cho thấy công tác thi hành án dân sự tại địa phương cũng đạt được cao hơn, tính ổn định và bền vững trong các lĩnh vực cũng được rõ ràng và chất lượng hơn. Từng công chức, người lao động tại đơn vị cũng ý thức trách nhiệm hơn, ngày càng tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện về bản lĩnh, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.
Năm 2024, Chi cục THADS huyện Vụ Bản được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với tỷ lệ về việc đạt 92,56% và về tiền đạt 95,86%. Cá nhân Chi cục trưởng Phạm Ngọc Chanh cũng luôn gương mẫu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt vai trò quản lý chỉ đạo, điều hành các công việc của đơn vị.
Phó Cục trưởng THADS Nam Định Phạm Ngọc Chanh khẳng định, dù ở bất kỳ cương vị nào, sự tâm huyết với nghề, những sáng tạo nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công việc sẽ luôn giúp mỗi người yêu thêm công việc của mình.