Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Cần có cơ chế phân chia tỉ lệ nguồn thu hợp lý, đảm bảo cân đối ngân sách
Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) chiều 17/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần có cơ chế phân chia tỉ lệ nguồn thu hợp lý, hài hòa giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để đảm bảo cân đối ngân sách…

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 9
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 17/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh dự Phiên thảo luận tại Tổ 9.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh - Phạm Hùng Thái điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 9 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Tây Ninh, Bến Tre và Hòa Bình.
Cần có cơ chế phân chia tỉ lệ nguồn thu hợp lý để đảm bảo cân đối ngân sách
Thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu đồng tình với việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa đúng đắn, kịp thời các Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, phân bổ hợp lý nguồn lực; bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương (NSTW) theo đúng quy định của Hiến pháp và Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các ý kiến cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên thảo luận ở Tổ 9
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần bám sát Kết luận số 93-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW và chủ động của ngân sách địa phương (NSĐP), các cơ quan, đơn vị có liên quan. Theo đó, định hướng đến năm 2030, NSTW là chủ đạo chiếm khoảng 58-60% tổng ngân sách, NSĐP phải chủ động và chiếm phần còn lại. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, điều này nhằm tăng tính chủ động của địa phương trong quản lý và sử dụng nguồn lực.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, các địa phương chủ yếu có ba nguồn thu chính gồm: nguồn thu từ xổ số kiến thiết, nguồn thu từ đất đai và nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu Trung ương thu hết các nguồn này thì các địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có cơ chế phân chia tỉ lệ nguồn thu hợp lý, hài hòa để đảm bảo cân đối ngân sách.
“Trước mắt, cho chỗ thu cấp quyền sử dụng đất và hiện giờ đang định hướng theo tỷ lệ là 80% - 20% hoặc tỷ lệ 70% - 30%. Những địa phương có nguồn thu được tự cân đối thì được giữ lại 70%, đối với những địa phương khó khăn được giữ lại 80% và thậm chí có những địa phương có thể lên được đến 90%, chẳng hạn như những địa phương rất khó khăn, để có thêm nguồn cho các địa phương chủ động”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên thảo luận ở Tổ 9
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, các địa phương cũng cần chia sẻ với Trung ương vì nếu không có NSTW thì không có khả năng để đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các công trình cũng như kết nối vùng trong thời gian tới như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao (như đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ…).
Cơ bản đồng tình với việc phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP quy định tại Điều 35 của dự thảo Luật, song, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc phân cấp, phân quyền cần lưu ý đến một số vấn đề liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, tiền tệ, những vấn đề cốt lõi thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp… Những vấn đề này cần được giữ lại ở cấp Trung ương xem xét, quyết định.
Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý ngân sách
Góp ý về vấn đề phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý ngân sách, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đại biểu đề xuất Chính phủ quy định tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương sao cho phù hợp với từng nhóm địa phương, đồng thời bày tỏ đồng tình với quy định tại khoản 6 Điều 7 của dự thảo Luật về nâng mức hạn vay nợ của địa phương lên 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp để tạo điều kiện cho địa phương đầu tư phát triển.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, cần có chính sách, giải pháp đột phá để các địa phương không phải liên tục xin Trung ương hỗ trợ. Đồng thời, kiến nghị tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển, chi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng tỷ lệ chi cho y tế ngang bằng với tỷ lệ chi cho giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
“Hiện nay, chúng ta đang dồn lực cho “bộ tứ chiến lược”, trong đó có khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Sắp tới đây, chúng ta thấy Trung ương Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, y tế. Hiện đã nâng mức các khoản chi lớn như 3% cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hoặc 20% cho giáo dục. Do đó, tôi cũng kiến nghị thêm mảng y tế”, đại biểu kiến nghị.
Tương tự như quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư cho lĩnh vực y tế như cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời phải có tỷ lệ tương xứng, bởi hiện nay y tế vẫn chưa được đề cập trong những mục chi lớn này.
Bên cạnh đó, để đảm bảo công bằng và khuyến khích các địa phương phát triển, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, cần có chính sách phân chia nguồn thu công bằng, tạo điều kiện cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đại biểu đề xuất giữ lại 100% nguồn thu cho các địa phương khó khăn để đầu tư phát triển; đồng thời kiến nghị Chính phủ có cơ chế phân chia nguồn thu phù hợp với từng nhóm địa phương.
“Tôi thấy rằng, nếu tính tới thời điểm hiện tại, ở giai đoạn này, đối với nguồn thu đất đai chúng ta đem đi chia giữa Trung ương và địa phương thì sẽ rất khó cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ tạm thời hoãn phân chia tỷ lệ này để các nguồn này được để lại cho đầu tư”, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn kiến nghị.
Không nên phân chia tỉ lệ nguồn thu giữa NSTW và NSĐP

Đại biểu Hoàng Đức Chính - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình
Đồng tình với ý kiến nêu trên, theo quy định tại khoản 2 Điều 35 của dự thảo Luật về các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăn giữa NSTW và NSĐP, đại biểu Hoàng Đức Chính – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, hầu hết các địa phương chịu điều tiết NSTW hỗ trợ, đều có kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc không phân chia tỉ lệ phần trăm nguồn thu không chỉ để cho các địa phương chủ động có nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng mà còn khuyến khích cấp ủy chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã tạo quỹ đất sạch để đấu giá, đấu thầu tăng thu ngân sách.
“Thực tế hiện nay đang phân cấp cho địa phương hưởng 100% nguồn thu NSĐP nhưng tùy theo điều kiện của tỉnh, có tỉnh điều tiết về tỉnh một phần, cấp huyện và xã chỉ được khoảng 70 - 80%”, đại biểu Hoàng Đức Chính nêu dẫn chứng. Do vậy, đại biểu đề nghị trong giai đoạn hiện nay chỉ nên điều tiết đối với những địa phương có số thu ngân sách tự cân đối được, vì những địa phương này có nguồn thu về đất cũng thuận lợi hơn những địa phương khó khăn khác.
Ngoài ra, đại biểu Hoàng Đức Chính cũng đồng tình với ý kiến được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính như tại Điều 10 về dự phòng ngân sách; Điều 19 về thẩm quyền của Quốc hội; Điều 51 về việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước…

Các đại biểu tham gia Phiên thảo luận tại Tổ 9
Cũng tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (gọi tắt là dự án một luật sửa 7 luật). Các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật này.
Về dự án một luật sửa 7 luật, các ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát thận trọng, bám sát mục tiêu sửa đổi luật, tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung cấp bách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ; nhằm bảo đảm tạo điều kiện, thủ tục thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đồng thời, bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ, có cơ chế hậu kiểm minh bạch, hiệu quả, tránh tạo kẽ hở và lợi dụng chính sách.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 9:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 9

Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Các đại biểu tham gia Phiên thảo luận tại Tổ 9